Ngày 9/9, tấm huy chương vàng Paralympic môn cử tạ hạng cân 49kg đã đưa Lê Văn Công trở thành huyền thoại mới của thể thao Việt Nam. Sau rất nhiều sóng gió, số phận đã mỉm cười với anh.
Thần chiến thắng đã mỉm cười ở Brazil
Trước khi nói về cuộc đời của Văn Công, chúng ta hãy trở về với khoảnh khắc lịch sử tại Paralympic. Ít ai biết rằng vận động viên của Việt Nam đã may mắn đến thế nào trong ngày thi đấu hạng cân 49kg của cử tạ.
Bởi đối thủ lớn nhất của anh, nhà đương kim vô địch thế giới và Paralympic Yakubu Adesokan đã không thể góp mặt vì chấn thương. Vận động viên người Nigeria chính là kẻ chiến thắng ở Paralympic London 2012 và Giải vô địch thế giới 2014. Tại giải thế giới 2014, Yakubu đã đánh bại chính Lê Văn Công.
Đến Afrian Games 2015, thành tích của Yakubu ở hạng cân 49kg đã là 182,5kg, tức là chỉ kém thành tích tốt nhất của Lê Văn Công tại Paralympic vừa rồi 0,5kg. Trong những lần đối đầu ở quá khứ, Yakubu chưa từng thất bại trước vận động viên Việt Nam. Thể thao Việt Nam và Văn Công phải “cảm ơn” sự vắng mặt của Yakubu.
Sự vắng mặt của Yakubu khiến Omar Qarada trở thành đối thủ xứng tầm duy nhất của Lê Văn Công. Những gì diễn ra sau đó đã trở thành lịch sử. Mức tạ 181kg ở lần cử thứ ba và 183kg ở lần cử cuối cùng của Văn Công đã bỏ xa mức tạ 177kg của Qarada. Anh cũng phá luôn kỷ lục của chính mình, xác lập kỷ lục mới tại Paralympic. Sau Hoàng Xuân Vinh, huyền thoại kế tiếp của thể thao Việt Nam đã xuất hiện.
Hành trình đến với cử tạ
Trước khi giành được vinh quang ở Paralympic, cuộc đời Lê Văn Công là một hành trình dài đấu tranh với cuộc sống.
Vận động viên người Hà Tĩnh sinh ngày 20/6/1984. Khi mang bầu, Mẹ Văn Công bị sốt xuất huyết. Căn bệnh hiểm nghèo khiến Văn Công ra đời với đôi chân teo tóp ngay từ lúc mới lọt lòng. Nhà nghèo, gia đình cũng không có tiền chạy chữa cho Văn Công. Đôi chân anh không phát triển được, hai bàn chân cong vẹo hướng vào nhau, teo tóp như chân một đứa trẻ. Sức hai bàn chân không nâng nổi cơ thể nên Văn Công phải ngồi xe lăn từ nhỏ.
Không chịu trở thành kẻ ăn bám gia đình, Văn Công xin vào Nam lập nghiệp năm 19 tuổi (2005). Nhà vô địch tương lai đã làm nhiều nghề khác nhau trước khi tìm được công việc phù hợp là nghề điện tử. Sửa chữa điện tử cũng trở thành công việc chính của Văn Công sau này. Nhờ có nó, anh mới tự lo được cho cuộc sống của mình, có tiền theo đuổi việc tập luyện và xây dựng hạnh phúc riêng.
Trong khoảng thời gian ở Thành phố Hồ Chí Minh, Văn Công tham gia sinh hoạt với một Câu lạc bộ hướng nghiệp ở Tân Bình. Anh tình cờ gặp một huấn luyện viên thể thao khuyết tật và nhận được đề nghị chuyển qua tập cử tạ. Cuộc đời Lê Văn Công thay đổi từ đây.
Chỉ sau chưa đầy hai năm tập luyện, Văn Công đã cho thấy cái duyên của mình với môn cử tạ.
Năm 2007, Văn Công đoạt Huy chương Vàng ASEAN Para Games với mức tổng cử 152,2kg. Anh liên tiếp giành các thành tích cao tại giải châu Á và khu vực. Sự tiến bộ thần tốc của Văn Công khiến thể thao Việt Nam có nhiều hy vọng ở Paralympic Rio.
Nhưng một lần nữa, số phận lại đùa cợt với anh. Một tai nạn xe máy nghiêm trọng vào năm 2011 khiến Văn Công phải nghỉ thi đấu dài hạn. Suốt hai năm sau đó, Văn Công không thể chạm vào cái tạ. Paralympic London trở thành một ảo ảnh xa vời.
Hai năm vật lộn với khó khăn, vừa mưa sinh, vừa điều trị chấn thương, cuối cùng Văn Công đã trở lại. Ở hạng cân 49kg tại Giải vô địch châu Á 2013, lực sỹ Lê Văn Công xuất sắc giành huy chương vàng. Kể từ đây, sự nghiệp của Văn Công thăng tiến chóng mặt.
Năm 2014 là "năm vàng” của Văn Công. Anh chiến thắng hạng cân 49kg tại ASEAN Para Games với tổng cử 176kg, phá kỷ lục châu Á. Sau đó ít tháng, anh tiếp tục giành huy chương bạc giải vô địch thế giới ở Dubai (UAE) với tổng cử 180kg - vượt qua thành tích trước đó vài tháng tới 4kg.
Vận động viên quê Hà Tĩnh lập tức được đưa vào danh sách đầu tư trọng điểm hướng tới Paralympic 2016 tại Rio - giải đấu mà anh đã một lần lỡ hẹn.
“Tôi có niềm tin rằng anh ấy sẽ chiến thắng”
“Tôi có niềm tin rằng anh ấy sẽ chiến thắng bởi nghị lực của anh Công lớn lắm”, đó là những lời chia sẻ đầy tin tưởng của chị Chu Thị Tám gửi tới chồng minh sau kỳ tích tại Rio 2016. Còn hơn cả tấm huy chương Paralympic, mối tình sâu đậm giữa hai người có lẽ mới là niềm hạnh phúc nhất cuộc đời Văn Công.
Ngược thời gian trở về thời điểm năm 2005, khi Văn Công mới vào Thành phố Hồ Chí Minh và bén duyên với cử tạ, anh đã gặp chị Chu Thị Tám khi ấy mới 17 tuổi. Hai con người xa quê (chị Tám quê Nghệ An) đã tìm được sự đồng cảm với nhau. Sau một thời gian qua lại, Văn Công ngỏ lời yêu chị Tám.
Cô gái nói có nhưng gia đình lại nói không. Gia đình chị Tám lấy lý do xa cách và anh Công là người tàn tật để ngăn cản chị. Ba năm đằng đẵng, chị Tám và anh Công phải “chiến đấu” với những định kiến để bảo vệ tình yêu của mình. Yêu thương tưởng như đã chấm dứt khi chị Tám bị gia đình bắt về Nghệ An. Nhưng họ vẫn giữ liên lạc với nhau qua điện thoại. Mãi tới Tết Âm lịch 2008, gia đình chị Tám bất ngờ đồng ý.
Cuộc điện thoại bất ngờ từ Nghi Lộc (Nghệ An) mang tới cho anh Công niềm hạnh phúc dâng trào. Chị Tám báo anh rằng gia đình đã đồng ý, anh hãy nhanh vào đây ra mắt. Một mình bắt xe ra Nghệ An, anh Công đã thuyết phục được gia đình vợ bằng nghị lực, sự quả quyết và trên hết là một tình yêu cháy bỏng. Họ đến bên nhau trong sự đồng thuận và cảm phục từ cả hai gia đình.
Chị Tám cũng chính là người đã nâng bước Văn Công, vực anh đứng dậy từ vực sâu.
Sau chấn thương hồi năm 2011, Văn Công không thể tập luyện, mất toàn bộ tiền kiếm được từ thể thao. Cả hai vợ chồng phải làm lại từ đôi bàn tay trắng. Chị Tám làm thợ may, anh Công tiếp tục nghề thợ điện. Thu nhập cả gia đình chỉ chưa đầy 6 triệu đồng, họ phải chuyển về một căn hộ rộng 10m2 ở quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh.
Đứa con đầu lòng Lê Tuấn Anh ra đời đúng thời điểm anh Công phải nỗ lực tập luyện để trở lại. Gánh nặng gia đình đè nặng lên chị Tám. Chị vừa phải lo chăm sóc con nhỏ, vừa hỗ trợ cho chồng, quán xuyến trong ngoài, lo toan hai nhà nội ngoại. Thành công của nhà vô địch Paralympic đong đầy sự hy sinh của vợ.
Suốt một thời gian dài, chị Tám không biết tới hoa, quà, bánh trái. Hai năm anh Công chấn thương là hai năm mưu sinh nhọc nhằn, đầy nước mắt và gian khổ.
Đến cuối năm 2014, hai người mới được hưởng trái ngọt. Tiền thưởng từ ASEAN Paragames và huy chương bạc thế giới giúp họ mua được một miếng đất rộng 100m2 ở huyện Đức Hòa, Long An. Công việc của anh chị đều ổn định hơn, gia đình bắt đầu có của để dành. Bé Tuấn Anh lớn lên mang tiếng cười tới khắp ngôi nhà. Đầu năm 2016, gia đình anh Công có thêm bé Lê Trâm Anh. Hạnh phúc viên mãn cuối cùng đã mỉm cười với họ./.
Đi 2 tiếng từ nhà tới nơi tập mỗi ngày
Mảnh đất của gia đình Văn Công hiện nằm ở xã Mỹ Hạnh Nam, Đức Hòa (Long An). Để đến địa điểm tập, anh Công nhiều khi phải di chuyển hơn 2 giờ bằng xe máy. Miếng đất rộng 100m2 nhưng lại ở quá xa Thành phố Hồ Chí Minh. Hai người muốn dồn tiền mua một căn nhà ở gần Thành phố hơn.
Sau khi sinh bé Trâm Anh, chị Tám phải nghỉ làm để chăm sóc hai con. Thu nhập hiện tại chỉ trông vào anh Công. Ngoài cử tạ, anh Công còn một cửa hiệu sửa chữa đồ điện tử nhỏ mở cùng một người bạn ở Thành phố. Tuy nhiên, do bận rộn tập luyện, thu nhập của cửa hàng cũng không ổn định.