Lễ tưởng niệm 20 năm Ngày mất của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng khẳng định Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là một con người giản dị, cần kiệm, ghét thói phô trương hình thức; không ham quyền lực, địa vị; luôn sâu sát cuộc sống.
Lễ tưởng niệm 20 năm Ngày mất của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ảnh 1Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Ngày 27/4, tại xã Giai Phạm (Yên Mỹ), tỉnh Hưng Yên đã tổ chức trọng thể Lễ tưởng niệm 20 năm Ngày mất của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (27/4/1998-27/4/2018), đồng thời đón Bằng xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi lẵng hoa kính lễ Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.

Tới dự lễ tưởng niệm có ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Ông Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; lãnh đạo các ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Thành phố Hồ Chí Minh và thân nhân của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh; đông đảo cán bộ cùng các tầng lớp nhân dân huyện Yên Mỹ và tỉnh Hưng Yên.


Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - một nhân cách lớn

Phát biểu tại lễ tưởng niệm, nêu bật những đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng khẳng định tưởng nhớ đồng chí Nguyễn Văn Linh, chúng ta nhớ tới một nhân cách lớn, một người cộng sản mẫu mực, suốt đời "tận trung với nước, tận hiếu với dân," một nhà lãnh đạo kiên định, bản lĩnh và sáng tạo, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; một con người giản dị, cần kiệm, ghét thói phô trương hình thức; không ham quyền lực, địa vị; luôn sâu sát cuộc sống, lắng nghe ý kiến và thấu hiểu khó khăn của nhân dân. Đồng chí là người con yêu quý, tự hào của quê hương Hưng Yên, của Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh, là người con ưu tú của Đảng ta, đất nước ta.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tên thật là Nguyễn Văn Cúc (bí danh Mười Cúc), sinh ngày 1/7/1915, quê thôn Yên Phú, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, sống trong cảnh nước mất, nhân dân lầm than, ông sớm giác ngộ và tham gia cách mạng khi mới 14 tuổi. Với gần 70 năm hoạt động, hai lần bị thực dân Pháp giam cầm ở nhà tù Côn Đảo, 30 năm trực tiếp chiến đấu ở chiến trường miền Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh luôn nêu cao khí phách, bản lĩnh kiên cường của người chiến sỹ cộng sản, vững vàng vượt qua mọi khó khăn thách thức, góp phần vào thắng lợi vĩ đại, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Với trọng trách là Tổng Bí thư nhiệm kỳ đầu đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã cùng Trung ương Đảng lãnh đạo đất nước vượt qua khó khăn, kiên trì đổi mới với những bước đi và cách làm phù hợp. Công cuộc đổi mới đất nước đã đạt được thành tựu quan trọng, kinh tế-xã hội phát triển, quốc phòng an ninh được củng cố, đời sống nhân dân được cải thiện, quan hệ đối ngoại được mở rộng, vị thế nước ta trên trường quốc tế được nâng cao. Cùng với tiến trình đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã khởi xướng phong trào "Những việc cần làm ngay," tạo nên không khí dân chủ, công khai, nói thẳng, nói thật, nói đi đôi với làm, tạo khí thế mới góp phần chống tiêu cực, làm trong sạch bộ máy Đảng, Nhà nước và trong xã hội.

Lễ tưởng niệm 20 năm Ngày mất của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ảnh 2Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình viết lưu bút tại Nhà trưng bày lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)


Tình cảm sâu nặng với quê hương Hưng Yên

Ôn lại cuộc đời và sự nghiệp Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và những tình cảm của ông đối với quê hương, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Đỗ Tiến Sỹ chia sẻ cuộc đời hoạt động cách mạng cũng như sự quan tâm sát sao đối với quê nhà của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã để lại cho cán bộ, đảng viên và nhân dân Hưng Yên những tình cảm vô cùng sâu sắc. Lúc sinh thời, dù bận công tác, ông vẫn dành nhiều lần về thăm quê và mong muốn "Tỉnh ủy sẽ xây dựng mọi mặt của tỉnh nhà thật tốt, đưa Hưng Yên trở thành một tỉnh mạnh của toàn quốc Việt Nam.”

Thực hiện di nguyện của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, từ sau tái lập tỉnh năm 1997 đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hưng Yên đã kiên trì, nỗ lực, phấn đấu. Từ một tỉnh thuần nông, điểm xuất phát về kinh tế thấp, được sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã kiên trì, sáng tạo, phát huy mọi nguồn lực, tranh thủ thời cơ, vượt qua thử thách, đưa công cuộc đổi mới phát triển toàn diện. Tổng sản phẩm bình quân đầu người hiện nay đạt gần 50 triệu đồng, Hưng Yên đã tự cân đối thu-chi, thu ngân sách đạt trên 12.000 tỷ đồng, tỷ lệ đô thị hóa đạt hơn 26%, có 87 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Để tỏ lòng tri ân của quê hương đối với công lao, đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, tỉnh Hưng Yên đã xây dựng nhiều công trình quan trọng mang tên ông như Trường Chính trị Nguyễn Văn Linh, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, quảng trường và tuyến đường trục chính của thành phố Hưng Yên mang tên Nguyễn Văn Linh…

Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ngay trên khu đất của gia đình tại thôn Yên Phú, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ. Nhà trưng bày lưu niệm với hơn 120 tài liệu, hiện vật theo 4 chủ đề: Quê hương đồng chí Nguyễn Văn Linh; Đồng chí Nguyễn Văn Linh với cách mạng Việt Nam; Đồng chí Nguyễn Văn Linh với gia đình, quê hương, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế; Những tình cảm của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với đồng chí Nguyễn Văn Linh. Từ nhiều năm qua, khu lưu niệm đã trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tấm gương đạo đức sáng ngời của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và các thế hệ đi trước cho thế hệ hôm nay và mai sau học tập và noi theo./.

Lễ tưởng niệm 20 năm Ngày mất của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ảnh 3
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục