Chỉ có mấy ngày nữa kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông sẽ diễn ra trên toàn quốc. Hàng triệu học sinh lớp 12 sẽ từ giã mái trường của mình. Một số trường đã tổ chức tiễn lớp 12 bằng Lễ trưởng thành, Lễ tri ân đầy ý nghĩa, như trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú, quận Đống Đa, Hà Nội.
Tri ân “12 năm trời bố mẹ lam lũ”
Các học trò thay vì viết lưu bút cho bạn bè đã viết những lời tri ân tới cha mẹ và thầy cô của mình. Không thể kể xiết những bài viết của nhiều học trò về thầy cô của mình khiến tất cả giáo viên cùng cảm kích.
Gây xúc động nhất là những bài tri ân cha mẹ. Hơn một nghìn người đã chung cảm xúc khi Ban giám hiệu mời toàn thể phụ huynh khối 12 tham dự Lễ tri ân trưởng thành bên con mình.
Những câu chữ mộc mạc chân tình, vì khi viết các con không biết bài viết của mình sẽ được đọc lên trong gần 600 bài tri ân. Những lời yêu thương thành tiếng lòng chung đã làm các bậc làm cha mẹ có mặt không cầm được nước mắt.
Có phụ huynh đã nói cùng cô giáo của con: "Cảm ơn các thầy cô đã dạy dỗ mới được thế, trước ở nhà con hay cãi bố mẹ, vậy mà nay biết nghĩ nhiều về bố mẹ."
Bố em Đặng Thanh Hằng mắt đỏ hoe vì lần đầu tiên nghe con cảm ơn về sự hy sinh suốt, 14 năm bố sống đơn thân “gà trống nuôi con” sau khi mẹ qua đời. Ngày thường những chuyện như vậy đâu dễ nói được.
Người cha của Ngọc Mai, học sinh lớp 12D9 nói: "Cháu nó cứ lì lì, vậy mà ai ngờ lại tình cảm như thế."
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, phụ huynh lớp 12D2: “Thầy cô không chỉ dạy chữ mà còn dạy các con sống có hiếu như vậy, thật đáng trân trọng quá.”
Trong những dòng tri ân, học sinh Nguyễn Thảo Nguyên lớp 12D9 tâm sự: “Tôi nhớ mãi giọt nước mắt của mẹ thân yêu khi mẹ báo tin: 'Con ơi, tìm được trường rồi con ạ! Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú đấy.' Cảm xúc trong tôi như vỡ òa… Tôi như một hạt giống mà cha mẹ đã gieo xuống, và nước mắt rơi vì tôi là nước tưới, giúp tôi trưởng thành. Lễ tri ân, có lẽ mẹ sẽ khóc… Mẹ ơi, con yêu mẹ. Con xin cảm ơn cha mẹ đã sinh thành ra con.”
Học sinh Nguyễn Ngọc Hiệp lớp 12D8 thành thực bộc lộ: “12 năm con đi học là 12 năm trời bố mẹ đã lam lũ kiếm tiền, đã vất vả vì con... Có đi đâu thì nơi về của con vẫn là ngôi nhà của gia đình mình, gia đình sum vầy.”
Còn Hoàng Thị Hồng Liên lớp 12A5 nói với cha mình: "Bố là tấm gương cho con noi theo, con rất tự hào về bố. Mẹ ơi! Tấm lòng yêu thương của mẹ to lớn tựa biển trời, không biết đến bao giờ con mới đền đáp được…”
“Thư gửi cha ở bên kia bầu trời”
Cả một sân trường trong đêm mưa ấy đã lặng đi khi cô giáo dẫn chương trình đọc lên bài viết: “Thư gửi cha ở bên kia bầu trời” của bạn Vũ Thành Công lớp 12D9: “Gửi tới cha thân yêu của con, người đang sống ở một thế giới khác tốt đẹp hơn. Đã bảy năm trôi qua kể từ ngày cha rời xa mẹ và con…Giờ đây con có một tình yêu lớn với ngôi trường Phan Huy Chú, với lớp A4 (hai năm trước) và với lớp 12D9- nơi con đang gắn bó, nơi trong con có nhiều kỷ niệm nhất. Đó là những gì mà số phận muốn bù đắp cho con, sau khi đã cướp mất cha khỏi cuộc đời con. Các thầy cô là người khai sáng cho con.
Bức thư của em Vũ Thành Công có đoạn: “Có ba người mà con không thể nào quên được. Đó là cha nuôi của con - Thầy Hoàng Trung Thuấn. Một người với vóc dáng nhỏ bé nhưng có một trái tim lớn lao, một trái tim mạnh mẽ và luôn cho con sự an tâm khi ở bên cha. Đó là mẹ - cô giáo chủ nhiệm của con và một người nữa con luôn muốn được gọi là mẹ nhưng ngại không dám nói ra, đó là cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nhiếp. Đó là hai người mẹ đã làm dịu đi nỗi đau trong con, bằng ngọn lửa yêu thương và sự tin tưởng. Hai mẹ đã sưởi ấm lại tâm hồn con…”
Truyền thống đẹp cần gìn giữ
Trong lần về thăm và dự lễ Khai mạc Tuần lễ Văn hóa Tri ân “Hướng về nguồn cội” tại trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú – quận Đống Đa, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã thân mật trao đổi cùng học sinh toàn trường về hai chữ “Tri ân.” Phó Thủ tướng đã ân cần giảng giải từng chữ “tri là biết và ân là ơn”.
Cùng mạch nguồn ấy, cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng nhà trường cũng hơn một lần dạy học trò của mình: “Trong tri ân người ta không nhỏ bé đi, mà thực sự lớn lên trong ấm áp ân nghĩa.”
Học sinh toàn trường đã được học bài "Bàn về văn hóa tri ân,” vì thế đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” được triển khai sâu hơn trong “đạo biết ơn” của học trò.
Từ bốn năm nay, tại trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú- Đống Đa (Hà Nội), các học trò thay vì viết lưu bút cho bạn bè đã viết những lời tri ân tới cha mẹ và thầy cô của mình. Những lời đó cùng nhiều hình ảnh thân thương đã được cùng chia sẻ trong Đêm Tri ân 25/5.
Cùng làm cha mẹ với muôn ngàn công lao, cùng làm nghề giáo chọn bục giảng để say mê và nhọc nhằn nhưng không phải ai cũng có được cảm xúc quý như phụ huynh và thầy cô giáo trong một ngôi trường dạy trò biết tri ân.
Cũng như vậy, cùng là học sinh lớp 12, trước mùa thi, nhưng không phải ở đâu cũng có một ngày lễ để nói lên những lời biết ơn hay ân hận. Lễ Tri ân trưởng thành nếu được lưu giữ bằng tổ chức tốt thì sẽ có ý nghĩa là vậy./.
Tri ân “12 năm trời bố mẹ lam lũ”
Các học trò thay vì viết lưu bút cho bạn bè đã viết những lời tri ân tới cha mẹ và thầy cô của mình. Không thể kể xiết những bài viết của nhiều học trò về thầy cô của mình khiến tất cả giáo viên cùng cảm kích.
Gây xúc động nhất là những bài tri ân cha mẹ. Hơn một nghìn người đã chung cảm xúc khi Ban giám hiệu mời toàn thể phụ huynh khối 12 tham dự Lễ tri ân trưởng thành bên con mình.
Những câu chữ mộc mạc chân tình, vì khi viết các con không biết bài viết của mình sẽ được đọc lên trong gần 600 bài tri ân. Những lời yêu thương thành tiếng lòng chung đã làm các bậc làm cha mẹ có mặt không cầm được nước mắt.
Có phụ huynh đã nói cùng cô giáo của con: "Cảm ơn các thầy cô đã dạy dỗ mới được thế, trước ở nhà con hay cãi bố mẹ, vậy mà nay biết nghĩ nhiều về bố mẹ."
Bố em Đặng Thanh Hằng mắt đỏ hoe vì lần đầu tiên nghe con cảm ơn về sự hy sinh suốt, 14 năm bố sống đơn thân “gà trống nuôi con” sau khi mẹ qua đời. Ngày thường những chuyện như vậy đâu dễ nói được.
Người cha của Ngọc Mai, học sinh lớp 12D9 nói: "Cháu nó cứ lì lì, vậy mà ai ngờ lại tình cảm như thế."
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, phụ huynh lớp 12D2: “Thầy cô không chỉ dạy chữ mà còn dạy các con sống có hiếu như vậy, thật đáng trân trọng quá.”
Trong những dòng tri ân, học sinh Nguyễn Thảo Nguyên lớp 12D9 tâm sự: “Tôi nhớ mãi giọt nước mắt của mẹ thân yêu khi mẹ báo tin: 'Con ơi, tìm được trường rồi con ạ! Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú đấy.' Cảm xúc trong tôi như vỡ òa… Tôi như một hạt giống mà cha mẹ đã gieo xuống, và nước mắt rơi vì tôi là nước tưới, giúp tôi trưởng thành. Lễ tri ân, có lẽ mẹ sẽ khóc… Mẹ ơi, con yêu mẹ. Con xin cảm ơn cha mẹ đã sinh thành ra con.”
Học sinh Nguyễn Ngọc Hiệp lớp 12D8 thành thực bộc lộ: “12 năm con đi học là 12 năm trời bố mẹ đã lam lũ kiếm tiền, đã vất vả vì con... Có đi đâu thì nơi về của con vẫn là ngôi nhà của gia đình mình, gia đình sum vầy.”
Còn Hoàng Thị Hồng Liên lớp 12A5 nói với cha mình: "Bố là tấm gương cho con noi theo, con rất tự hào về bố. Mẹ ơi! Tấm lòng yêu thương của mẹ to lớn tựa biển trời, không biết đến bao giờ con mới đền đáp được…”
“Thư gửi cha ở bên kia bầu trời”
Cả một sân trường trong đêm mưa ấy đã lặng đi khi cô giáo dẫn chương trình đọc lên bài viết: “Thư gửi cha ở bên kia bầu trời” của bạn Vũ Thành Công lớp 12D9: “Gửi tới cha thân yêu của con, người đang sống ở một thế giới khác tốt đẹp hơn. Đã bảy năm trôi qua kể từ ngày cha rời xa mẹ và con…Giờ đây con có một tình yêu lớn với ngôi trường Phan Huy Chú, với lớp A4 (hai năm trước) và với lớp 12D9- nơi con đang gắn bó, nơi trong con có nhiều kỷ niệm nhất. Đó là những gì mà số phận muốn bù đắp cho con, sau khi đã cướp mất cha khỏi cuộc đời con. Các thầy cô là người khai sáng cho con.
Bức thư của em Vũ Thành Công có đoạn: “Có ba người mà con không thể nào quên được. Đó là cha nuôi của con - Thầy Hoàng Trung Thuấn. Một người với vóc dáng nhỏ bé nhưng có một trái tim lớn lao, một trái tim mạnh mẽ và luôn cho con sự an tâm khi ở bên cha. Đó là mẹ - cô giáo chủ nhiệm của con và một người nữa con luôn muốn được gọi là mẹ nhưng ngại không dám nói ra, đó là cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nhiếp. Đó là hai người mẹ đã làm dịu đi nỗi đau trong con, bằng ngọn lửa yêu thương và sự tin tưởng. Hai mẹ đã sưởi ấm lại tâm hồn con…”
Truyền thống đẹp cần gìn giữ
Trong lần về thăm và dự lễ Khai mạc Tuần lễ Văn hóa Tri ân “Hướng về nguồn cội” tại trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú – quận Đống Đa, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã thân mật trao đổi cùng học sinh toàn trường về hai chữ “Tri ân.” Phó Thủ tướng đã ân cần giảng giải từng chữ “tri là biết và ân là ơn”.
Cùng mạch nguồn ấy, cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng nhà trường cũng hơn một lần dạy học trò của mình: “Trong tri ân người ta không nhỏ bé đi, mà thực sự lớn lên trong ấm áp ân nghĩa.”
Học sinh toàn trường đã được học bài "Bàn về văn hóa tri ân,” vì thế đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” được triển khai sâu hơn trong “đạo biết ơn” của học trò.
Từ bốn năm nay, tại trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú- Đống Đa (Hà Nội), các học trò thay vì viết lưu bút cho bạn bè đã viết những lời tri ân tới cha mẹ và thầy cô của mình. Những lời đó cùng nhiều hình ảnh thân thương đã được cùng chia sẻ trong Đêm Tri ân 25/5.
Cùng làm cha mẹ với muôn ngàn công lao, cùng làm nghề giáo chọn bục giảng để say mê và nhọc nhằn nhưng không phải ai cũng có được cảm xúc quý như phụ huynh và thầy cô giáo trong một ngôi trường dạy trò biết tri ân.
Cũng như vậy, cùng là học sinh lớp 12, trước mùa thi, nhưng không phải ở đâu cũng có một ngày lễ để nói lên những lời biết ơn hay ân hận. Lễ Tri ân trưởng thành nếu được lưu giữ bằng tổ chức tốt thì sẽ có ý nghĩa là vậy./.
Nguyễn Anh (Vietnam+)