Lễ Tôn vinh tiếng Việt của nhiều thế hệ bà con người Việt tại Séc

Các thế hệ con em người Việt tại Séc vẫn yêu thích và mong muốn được học tiếng Việt mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí tổ chức lớp, tài liệu giảng dạy.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Đại sứ Dương Hoài Nam, Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam Phạm Vĩnh Thái trao tặng sách cho các học sinh người Việt tại Séc. (Ảnh: Việt Dũng/TTXVN)
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Đại sứ Dương Hoài Nam, Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam Phạm Vĩnh Thái trao tặng sách cho các học sinh người Việt tại Séc. (Ảnh: Việt Dũng/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Prague, từ ngày 24-25/7, trong khuôn khổ chuyến công tác tại Cộng hòa Séc, đoàn công tác của Bộ Ngoại giao do bà Lê Thị Thu Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, dẫn đầu đã chủ trì Lễ Tôn vinh tiếng Việt và trao tặng tủ sách tại hai thành phố có đông người Việt Nam sinh sống nhất là Prague và Brno.

Tại thủ đô Praha, đoàn công tác đã có buổi gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng, nhất là nhu cầu bảo tồn, gìn giữ tiếng Việt cho thế hệ thứ hai, thứ ba đang ngày càng hội nhập sâu rộng với xã hội sở tại.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng bày tỏ xúc động trước sự chào đón nồng ấm và sự hưởng ứng tích cực đối với Lễ Tôn vinh tiếng Việt của nhiều thế hệ bà con người Việt tại Séc.

Đoàn công tác cũng rất vui mừng khi các thế hệ con em người Việt vẫn yêu thích và mong muốn được học tiếng Việt mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí tổ chức lớp, tài liệu giảng dạy.

ttxvn_2607_ton vinh tieng viet (2).jpg
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng và đoàn công tác tặng tủ sách cho các thầy cô giáo và học sinh tại Prague. (Ảnh: Việt Dũng/TTXVN)

Thứ trưởng cho biết rất tự hào và trân trọng những đóng góp thầm lặng của những thầy cô giáo và các hội đoàn trong việc duy trì các lớp dạy và học tiếng Việt liên tục nhiều năm qua.

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng cũng nhấn mạnh mục đích của chuyến công tác lần này không chỉ nhằm tôn vinh tiếng Việt mà còn là dịp để tri ân các tổ chức và cá nhân, các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và các em học sinh vẫn luôn nỗ lực gìn giữ tiếng Việt - tài sản vô giá của dân tộc, bằng cả trái tim hướng về quê hương, đất nước, đồng thời khẳng định sẽ luôn đồng hành cùng cộng đồng người Việt trên toàn thế giới trong các hoạt động tôn vinh tiếng Việt.

Thay mặt cơ quan đại diện ngoại giao tại Séc, Đại sứ Dương Hoài Nam tin tưởng rằng các hoạt động đa dạng của Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy công tác dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài.

Đại sứ cho biết đây là lần đầu tiên sự kiện Lễ Tôn vinh tiếng Việt được tổ chức tại khu vực châu Âu, đồng thời khẳng định đây là hoạt động quan trọng, có ý nghĩa động viên rất to lớn đối với cộng đồng người Việt tại Séc nhằm duy trì, phát triển phong trào dạy và học tiếng Việt.

Đại sứ khẳng định các cơ quan đại diện Việt Nam tại Séc sẽ tích cực hỗ trợ, đồng hành, khuyến khích cộng đồng duy trì bản sắc văn hóa, lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa phong trào dạy và học tiếng Việt, coi đây là nhiệm vụ quan trọng giúp cộng đồng giữ gìn truyền thống dân tộc, luôn hướng về quê hương, đất nước.

ttxvn_2607_ton vinh tieng viet (5).jpg
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tặng sách học sinh tại Prague. (Ảnh: Việt Dũng/TTXVN)

Ngay tại buổi lễ, đoàn công tác cùng với Đại sứ quán và các hội đoàn người Việt Nam tại Séc đã khai trương tủ sách tiếng Việt do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành, được biên soạn với nội dung đa dạng, phù hợp với nhiều lứa tuổi và nhu cầu học tiếng Việt của cộng đồng.

Các cô giáo dạy tiếng Việt tại Trung tâm tiếng Việt Praha hết sức xúc động khi đón nhận những bộ sách để có thể tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê đối với sự nghiệp gìn giữ tiếng Việt, bản sắc văn hóa dân tộc; đồng thời, cũng đề xuất Nhà nước hỗ trợ việc chuyển đổi số trong cách thức dạy tiếng Việt, hỗ trợ tập huấn giảng dạy, xây dựng tủ sách ở địa phương.

Đại diện cho thế hệ trẻ người Việt sinh ra và lớn lên tại Séc, em Hoàng Phương Linh, sinh viên xuất sắc năm thứ hai Đại học Charles Praha, Ủy viên Ban chấp hành Hội Sinh viên Việt Nam tại Cộng hòa Séc, chia sẻ những trải nghiệm cá nhân khi tham gia chương trình Trại hè Việt Nam do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức, giúp kết nối các bạn trẻ người Việt, gốc Việt trên toàn thế giới, hiểu hơn về nguồn gốc, văn hóa, lịch sử Việt Nam; mong muốn các hoạt động này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa, qua đó giúp các em hiểu về cội nguồn dân tộc.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đã trao 5 Kỷ niệm chương tri ân, quà tặng cho các tập thể và cá nhân, các giáo viên và học sinh đã có thành tích xuất sắc trong phong trào dạy và học tiếng Việt tại Séc.

ttxvn_2607_ton vinh tieng viet (4).jpg
Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo địa phương, cộng đồng người Việt tại thành phố Brno. (Ảnh: Việt Dũng/TTXVN)

Tại Brno, thành phố lớn thứ hai của Séc, đoàn công tác tiếp tục có buổi làm việc với lãnh đạo thành phố và cộng đồng về chủ đề bảo tồn và phát triển tiếng Việt.

Bên cạnh nội dung thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước nói chung, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng mong muốn lãnh đạo thành phố Brno mở các lớp tiếng Việt ở các trường trung học của thành phố, vừa giúp đa dạng hóa văn hóa ở sở tại, vừa thúc đẩy sự hội nhập của cộng đồng người Việt tại đây.

Trong buổi làm việc với cộng đồng người Việt Nam tại Brno, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đánh giá cộng đồng tại đây có sự hội nhập cao với xã hội Séc nhưng vẫn luôn có ý thức dạy tiếng Việt và giữ gìn, bảo tồn văn hóa dân tộc.

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng khẳng định để con em người Việt Nam yêu và biết nói tiếng Việt, vai trò quan trọng nhất là ảnh hưởng của gia đình, nhất là bố mẹ, tiếp đến là hội đoàn người Việt và các tổ chức xã hội khác.

Ngược lại, việc giữ gìn tiếng Việt cho các thế hệ tương lai cũng sẽ giúp cho bố mẹ và các con hiểu nhau hơn, thế hệ người Việt trẻ tại Séc cũng có nhiều cơ hội để tiếp cận với văn hóa, truyền thống của dân tộc, từ đó vun đắp tình yêu quê hương, đất nước.

Tại Brno, đoàn công tác trao tặng kỷ niệm chương và tủ sách tiếng Việt giúp các thầy cô giáo, các cháu học sinh dễ dàng hơn trong việc dạy và học.

ttxvn_2607_ton vinh tieng viet (3).jpg
Đoàn công tác tặng tủ sách tiếng Việt cho cộng đồng người Việt Nam tại thành phố Brno. (Ảnh: Việt Dũng/TTXVN)

Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023-2030" được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 3/8/2022 xác định tiếng Việt là tài sản quý báu của dân tộc Việt Nam; đóng vai trò vừa là cầu nối, vừa là phương tiện lan tỏa các giá trị văn hóa; là công cụ quan trọng hàng đầu giúp giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc, đóng góp vào việc củng cố nền độc lập của Tổ quốc, đại đoàn kết dân tộc Việt Nam.

Đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, tiếng Việt là phương tiện lưu giữ, lan tỏa, trao truyền văn hóa, giúp đồng bào ta ở nước ngoài bảo tồn được bản sắc văn hóa riêng, giúp bà con khẳng định bản thân và tự tin hội nhập với thế giới.

Tiếng Việt cũng là cầu nối đồng bào Việt Nam trên toàn thế giới với Tổ quốc.

Ngày 8/9 hằng năm được chọn là Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục