Lệ thuộc vào Trung Quốc và những nỗi thất vọng của châu Phi

Không chỉ phụ thuộc về an ninh, châu Phi cũng bị phụ thuộc cả về tài chính bởi Trung Quốc đã quyến rũ người châu Phi trong 2 thập kỷ qua bằng những khoản tín dụng hào phóng.
Binh sỹ Mali tại thủ đô Bamako sau vụ binh biến. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bình luận về tình thế của châu Phi hiện nay, nhật báo Les Echos mới đây cho rằng để giải phóng khỏi ách thuộc địa trước đây của các cường quốc châu Âu, Lục địa Đen đang chuyển hướng ngày càng nhiều sang Trung Quốc để nhận hỗ trợ tài chính cho phát triển cơ sở hạ tầng và quay sang Nga để trông chờ một sự đảm bảo an ninh. Nhưng “tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa," kết quả là họ chỉ chuyển từ sự giám hộ của đế chế này sang đế chế khác.

Theo báo trên, châu Phi - trong lúc phiền muộn, bất lực và thịnh nộ với Pháp-Mỹ - tin rằng họ đang thoát khỏi những gì được coi là “sự giám hộ” của các cường quốc phương Tây, nhưng họ không biết rằng đang tự phó mặc số phận vào tay Trung Quốc và Nga để rồi lại phải hứng chịu một nỗi bất hạnh khác.

Nhà cầm quyền ở Mali đã mời lính đánh thuê Nga từ Tập đoàn Wagner để thay thế cho lực lượng binh sỹ Pháp đang rút khỏi miền Bắc nước này. Những lính đánh thuê Nga sẽ chủ yếu phục vụ Đại tá Assimi Goïta, Tổng thống tự phong của Mali sau cuộc đảo chính năm 2021, để đảm bảo an ninh cho bản thân sau khi ông này nuốt lời hứa, thông báo rằng các cuộc bầu cử sẽ bị hoãn lại trong 5 năm.

Tập đoàn Wagner từng được biết đến với sự hiện diện tại các khu vực mà họ can thiệp như Syria, Libya, vùng Donbass thuộc Ukraine, Cộng hòa Trung Phi...

[Sáng kiến Châu Phi thịnh vượng - Con đường trở lại Lục địa Đen của Mỹ]

Evgueni Prigogin, người sáng lập tập đoàn này và một người bạn thân thiết của Tổng thống Nga Vladimir Putin, được xem là đạt được bước tiến bộ tại châu Phi nhờ sự bảo kê này.

Cuộc đảo chính ở Mali vấp phải sự phản đối của quốc tế và các quốc gia xung quanh Mali đã áp dụng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc. Chính phủ quân sự sẽ khó có thể duy trì quyền lực trong thời gian dài. Dù vậy, quân đội Pháp, lực lượng đến Mali năm 2013 như “vị cứu tinh” giúp Mali khỏi bị tấn công bởi các chiến binh thánh chiến, giờ đây lại bị phỉ báng là “đang chiếm đóng” và sau khi mất 57 binh sỹ, lại bị chính quyền quân sự “thay thế bằng lính đánh thuê đến từ Nga."

Sự giám hộ tài chính của Trung Quốc

Không chỉ phụ thuộc về an ninh, châu Phi cũng bị phụ thuộc cả về tài chính. Trung Quốc đã quyến rũ người châu Phi trong 2 thập kỷ qua bằng những khoản tín dụng hào phóng.

Bằng việc xây dựng cầu đường, sân bay và một loạt cơ sở hạ tầng, Trung Quốc muốn đảm bảo quyền tiếp cận nguồn nguyên liệu thô và “mua” phiếu bầu tại Liên hợp quốc để ngăn chặn những chỉ trích của phương Tây về các chính sách đàn áp của họ đối với người Duy Ngô Nhĩ hay Hong Kong.

Bắc Kinh đã viện trợ và cho vay một khoản tiền tương đương 1/4 tổng số tiền mà châu Phi nhận được: 42 tỷ USD cho Uganda, 14 tỷ cho Ethiopia, 9 tỷ cho Kenya... Liệu ngày nay Trung Quốc có lo lắng về mức độ mắc nợ của một số quốc gia châu Phi? Liệu tình trạng hỗn loạn tài chính ở trong nước có ảnh hưởng đến các khoản vay? Tháng 11/2021, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố tại Senegal rằng số tiền rót vào châu Phi sẽ chỉ còn phân nửa.

Hậu quả của việc thắt chặt nguồn tài chính là rất nghiêm trọng. Người Uganda bất ngờ phát hiện rằng sân bay Entebbe của họ, do Trung Quốc xây dựng, có thể bị "thu giữ" hoàn toàn nếu họ không thanh toán khoản nợ bằng hồng ngọc - loại đá quý có nhiều ở quốc gia châu Phi này. Giờ thì họ đã sáng mắt: Luật áp dụng cho các khoản vay là luật của Trung Quốc, kháng cáo sẽ được xét xử ở Bắc Kinh.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Techcrunch)

Mọi người đều biết các khoản đầu tư thường được cấp trong những điều kiện không rõ ràng và một phần lớn thất thoát do tham nhũng, nhưng điều mà người ta đã không biết và giờ đây đã trở thành thực tế, đó là việc mất chủ quyền về mặt luật pháp của các quốc gia châu Phi đã dẫn đến việc bị giám hộ tài chính của họ. Với sự hào phóng, các khoản cho vay trở thành những miếng mồi đi săn và người châu Phi đã rơi vào bẫy nợ.

Pháp hoặc Mỹ đã và đang bảo vệ lợi ích của họ ở châu Phi. Các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) cũng có thể bị cáo buộc là công cụ của sự thống trị này. Các “điều kiện” được đặt ra cho viện trợ của họ phản ánh nhãn quan dân chủ và tự do và được mô phỏng theo luật pháp phương Tây.

Giờ đây, các chính sách tiền tệ của phương Tây bị chỉ trích là gây bất ổn đáng kể cho các quốc gia mới nổi bằng cách tước đi nguồn vốn thiết yếu mà họ cần và khiến các khoản vay trở nên đắt đỏ hơn.

Do đó, việc quay sang các cường quốc khác, bắt đầu từ Trung Quốc, là điều đương nhiên và hợp pháp. Các khoản tín dụng mà nước này cung cấp được coi là rất hữu ích trong việc cung cấp cho người châu Phi các cơ sở hạ tầng nhất định mà phương Tây không có khả năng tài trợ.

Sẽ khó có thể hiểu được viện trợ phát triển rồi đây sẽ được thực hiện ra sao: thận trọng, thực dụng hay hiệu quả. Đối phó với sự quay lại của chủ nghĩa thực dân của Trung Quốc hay Nga hiện giờ đã trở thành một thách thức, đặc biệt là đối với Pháp.

Đối với Mali, lối thoát duy nhất của họ là tái đầu tư mạnh mẽ vào các tổ chức quốc tế và toàn châu Phi để tìm kiếm sự ủng hộ dân chủ ở đó và thực hiện nó một cách vững chắc. Nhưng trên tất cả, cần phải thuyết phục Liên minh châu Âu (EU) vận động cho nền dân chủ ở châu Phi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục