Lễ Tế tổ bách nghệ tri ân Tổ nghề tại Festival Nghề Truyền thống Huế

Lễ Tế tổ bách nghệ được tổ chức với các nghi thức truyền thống trang trọng trước sự chứng kiến của các nghệ nhân đến từ 69 làng nghề trong cả nước và đông đảo du khách cùng người dân.
Các nghệ nhân làng nghề thực hiện Lễ Tế tổ bách nghệ tại Công viên Tứ Tượng bên bờ sông Hương, thành phố Huế. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Trong khuôn khổ Festival Nghề Truyền thống Huế 2023, chiều 5/5, tại công viên Tứ Tượng, thành phố Huế, diễn ra Lễ Tế tổ bách nghệ và Lễ Rước tôn vinh nghệ nhân, làng Nghề Truyền thống Việt.

Lễ Tế tổ bách nghệ được tổ chức với các nghi thức truyền thống trang trọng trước sự chứng kiến của các nghệ nhân đến từ 69 làng nghề trong cả nước và đông đảo du khách cùng người dân.

Chủ tế buổi lễ năm nay là Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Văn Sính và Trần Duy Mong, cùng Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Ngọc Tuyên. Đại diện lãnh đạo thành phố Huế và các nghệ nhân đã thành kính dâng hương nhằm tri ân các bậc tiền nhân, các vị thần nghề. 

[Festival nghề truyền thống Huế: Hồi sinh, phát triển nhiều làng nghề]

Lễ Tế tổ bách nghệ là nghi lễ truyền thống nhằm ghi nhớ công ơn của các bậc tiền nhân, khai sinh ra các làng nghề; đồng thời gìn giữ, phát triển Nghề Truyền thống, cầu mong sản xuất bình an, may mắn.

Ngay sau nghi thức Lễ Tế tổ bách nghệ là Lễ Rước tôn vinh nghệ nhân, làng Nghề Truyền thống với sự tham gia của các văn nghệ sỹ và hơn 350 nghệ nhân trong các trang phục truyền thống đầy màu sắc đến từ 69 làng nghề, cơ sở nghề, với đầy đủ kiệu tổ nghề, đội nhạc bát âm, chiêng trống, cờ lộng, lân rồng.

Lễ Rước bắt đầu từ Công viên Tứ Tượng qua cầu Tràng Tiền dọc theo đường Trần Hưng Đạo đi qua cầu Phú Xuân, đường Lê Lợi và đến sân khấu bia Quốc học.

Dẫn đầu đoàn lễ rước là đội đại nhạc, đội nghi lễ; tiếp theo là đoàn lân sư rồng; đoàn nghệ nhân cùng xe xích lô; đoàn nữ sinh mặc áo dài truyền thống cầm diều…

Lễ rước đã thu hút đông đảo người dân cố đô Huế và du khách đến tham dự, hưởng ứng. Những nơi đoàn rước đi qua, không khí cũng trở nên rộn ràng và sắc màu hơn.

Festival Nghề Truyền thống Huế là nơi hội tụ trí tuệ, tài năng cùng những sản phẩm độc đáo của các nghệ nhân đến từ các làng nghề trong nước và quốc tế.

Festival Nghề Truyền thống Huế 2023 thu hút sự tham gia của hơn 350 Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú, bàn tay vàng đến từ 69 làng nghề, cơ sở nghề nổi tiếng trong cả nước.

Du khách đến với Festival Nghề Truyền thống Huế 2023 có cơ hội tìm hiểu 21 nhóm nghề như dệt; mộc mỹ nghệ, điêu khắc, chạm khảm, sơn mài, sơn son thếp vàng; kim hoàn; mây tre đan, tre mỹ nghệ; nón lá; hương trầm; nghề làm sản phẩm từ giấy; nghề tranh dân gian truyền thống; gốm sứ; pháp lam…

Bên cạnh đó, Festival Nghề Truyền thống Huế 2023 còn có sự tham gia của 37 nghệ nhân đến từ 6 thành phố của Hàn Quốc và Nhật Bản có quan hệ kết nghĩa, hợp tác với thành phố Huế.

Trải qua 9 lần tổ chức, Festival nghề truyền thống Huế không chỉ là lễ hội tôn vinh nét “Tinh hoa nghề Việt” mà còn tác động tích cực trong việc “hồi sinh” nhiều nghề và làng nghề truyền thống.

Hoạt động này góp phần bảo tồn, phát triển và đưa sản phẩm làng nghề truyền thống đến với cuộc sống thường nhật, nâng cao thu nhập cho người dân.

Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Phúc cho biết Sở đang tiến hành khai thực hiện quy hoạch nghề và làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch, trong đó, chú trọng đến việc số hóa các thông tin, dữ liệu về địa điểm, lịch sử hình thành và các sản phẩm của các làng nghề truyền thống.

Bên cạnh đó, Sở làm việc với các doanh nghiệp để giúp sản phẩm làng nghề thương mại hóa và tiếp cận với các thị trường tốt hơn; hình thành các tour, tuyến du lịch tham quan, trải nghiệm nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần bảo tồn và phát triển nghề và làng nghề truyền thống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục