Ngày 26/3, tại sân vận động Tự Do, Tỉnh ủy, Hộng đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức trọng thể Lễ míttinh kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng Thừa Thiên-Huế (26/3/1975-26/3/2005).
Phát biểu tại lễ míttinh, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị ghi nhận những thành tích, cống hiến mà Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên-Huế đã đạt được trong kháng chiến chống Mỹ, góp phần vào giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, cũng như trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội hôm nay.
Ông Phạm Quang Nghị nhấn mạnh trong những năm dài kháng chiến chống Mỹ, Thừa Thiên-Huế là chiến trường nóng bỏng, là mắt xích trọng yếu trong cuộc đọ sức giữa ta và địch. Đặc biệt, từ sau cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn càng tăng cường phòng thủ, coi chiến trường Trị-Thiên-Huế là vị trí chiến lược then chốt và Cố đô Huế là trung tâm chỉ huy đầu não ở miền Trung.
Xác định mất Thừa Thiên-Huế là nguy cơ lớn đối với toàn bộ chiến trường miền Nam nên địch đã ra sức tử thủ, tăng cường lực lượng tinh nhuệ, xây dựng và thiết lập những phòng tuyến quân sự vững chắc, đồn bốt kiên cố, dồn dân, lập ấp chiến lược, ra sức khủng bố phong trào cách mạng. Song, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, với sức bền, chí lớn với quyết tâm “đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào," Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên-Huế đoàn kết một lòng, nhất tề đứng lên, anh dũng chiến đấu ngoan cường, vượt qua muôn trùng khó khăn, gian khổ, không quản ngại mất mát hy sinh, “Đảng bám dân, dân bám đất, một tấc không đi, một ly không rời”... Cả nước tự hào về Thừa Thiên-Huế, mảnh đất kiên cường của Tổ quốc đã góp phần vẻ vang vào thắng lợi mở đầu cuộc tiến công và nổi dậy của miền Nam anh hùng."
Thừa Thiên-Huế vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cờ luân lưu Quyết chiến quyết thắng và Nhà nước tặng danh hiệu "Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường." Một trong ba lá cờ đầu của miền Nam chống Mỹ cứu nước.
Sau khi đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, càng tự hào về truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất, Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên-Huế càng quyết tâm phấn đấu, tăng cường đoàn kết, đẩy mạnh công cuộc đổi mới. Trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa-xã hội, quốc phòng an ninh đều đạt nhiều thành tựu và tiến bộ. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Thành phố Huế vinh dự là thành phố đầu tiên của Việt Nam được trao danh hiệu “Thành phố Văn hóa của ASEAN," “Thành phố bền vững môi trường của ASEAN”.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa 11) được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai nghiêm túc, đồng bộ, bước đầu tạo được chuyển biến tích cực; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và đảng viên được nâng lên. Đoàn kết trong Đảng được tăng cường, dân chủ trong xã hội được mở rộng, nhân dân đồng thuận, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ngày càng lan tỏa và đi vào chiều sâu.
Đọc diễn văn tại lễ míttinh, ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết đúng 6 giờ 30 phút ngày 26/3/1975, lá cờ quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta tung bay trên đỉnh Kỳ Đài-Phu Văn Lâu, đánh dấu một sự kiện lịch sử trọng đại, Thừa Thiên-Huế được hoàn toàn giải phóng. Để có được ngày vui toàn thắng, cùng với cả nước, tỉnh Thừa Thiên-Huế có trên 100.000 người có công cách mạng; trong đó có gần 19.000 liệt sỹ, 13.000 thương binh, gần 5.000 cán bộ, chiến sỹ bị địch bắt, tù đày... Trong gian khó, Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên-Huế đã đoàn kết một lòng "Tấn công nổi dậy, anh dũng kiên cường" đúng như tám chữ vàng mà Đảng và Bác Hồ khen ngợi.
Phát huy những thành tích đã đạt được, Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên-Huế đoàn kết một lòng, đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, hiện đại và văn minh. Kinh tế của tỉnh tăng trưởng nhanh và bền vững, GDP bình quân tăng hơn 10%; cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực, trong đó du lịch chiếm tỷ trọng hơn 55,3% trong GDP của tỉnh. Toàn tỉnh hiện có một đô thị loại 1, ba đô thị loại 4, bảy đô thị loại 5; tỷ lệ đô thị hóa đạt gần 53%. Tổng thu ngân sách Nhà nước năm ngoái đạt gần 5.000 tỷ đồng; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt gần 2.000 USD; tỷ lệ hộ nghèo còn hơn 5%.
Thời gian tới, Thừa Thiên-Huế tập trung tạo bước đột phá kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh; phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ để phát triển bền vững. Tiếp tục xây dựng Thừa Thiên-Huế xứng tầm là đô thị "di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan và thân thiện với môi trường;" cùng với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung làm tốt vai trò thúc đẩy phát triển vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh.
Tối 26/3, tỉnh Thừa Thiên-Huế bắn 1.000 quả pháo hoa tầm cao, thời lượng 15 phút để chào mừng Ngày giải phóng quê hương.../.