Lễ kỷ niệm D-Day: Cơ hội "tháo ngòi nổ" của Putin và Obama

Lễ kỷ niệm ngày quân đồng minh đổ bộ lên Normandy giải phóng châu Âu khỏi ách phát xít sẽ là cơ hội để Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama tháo ngòi nổ ở Ukraine.
Lễ kỷ niệm D-Day: Cơ hội "tháo ngòi nổ" của Putin và Obama ảnh 1Tổng thống Nga Vladimir Putin trong buổi trả lời phỏng vấn kênh TF1 (Nguồn: AFP)

Kỷ niệm 70 năm D-Day Thế chiến II là cơ hội để các nước phương Tây và Nga tháo ngòi nổ cho một cuộc đối đầu tiềm tàng khác nguy hiểm không kém.

Mỗi dịp kỷ niệm kết thúc chiến tranh thường là một cơ hội để nhìn lại quá khứ và trân trọng hòa bình.

Nguyên thủ các cường quốc phương Tây và Nga khi gặp nhau trên bờ biển Normandy nước Pháp ngày hôm nay để kỷ niệm 70 năm ngày quân đồng minh đổ bộ lên đất Pháp trong Thế chiến II, có thể cũng nghĩ như thế.

Nhưng thực tế là họ phải đối diện và xử lý một bầu không khí sặc mùi chiến sự, giữa chính họ với nhau. Ở đây là giữa Nga và các nước phương Tây.

Hiện tại thì cuộc chiến đang nằm trên mặt trận ngôn từ và những hành động mang nặng tính công kích, đe dọa nhằm thẳng vào nhau.

Một ngày trước khi lên đường sang Pháp để lần đầu tiên mặt đối mặt với các lãnh đạo phương Tây kể từ sau khi nổ ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở Ukraine, kéo theo hành động sáp nhập Crimea của Nga, ông Putin không ngần ngại gửi đi một thông điệp mạnh mẽ.

“Chính sách khắc nghiệt và hiếu chiến nhất là của người Mỹ. Các vị xem, chúng tôi hầu như không có binh lính nào ở nước ngoài trong khi Mỹ có căn cứ quân sự hiện diện khắp nơi. Thật vô lý khi kết tội Nga là kẻ tấn công” – ông Putin nói với hai hãng TF1 và Europe 1 của Pháp.

Nhưng ông Barack Obama cũng không ngồi im. Cách Moskva không xa, tại Warsaw (Ba Lan), ông Obama công kích “Làm sao chúng ta có thể cho phép những chiến thuật đen tối (ám chỉ Nga) của thế kỷ 20 định hình thế kỷ 21?”.

Lời nói phải có hành động đi kèm mới thêm sức nặng. Một tuần trước khi sang Pháp, ông Putin đã đến thủ đô Astana của Kazakhstan ký Hiệp ước thành lập Liên minh kinh tế Á-Âu (Eurasian Economic Union) cùng Kazakhstan và Belarus.

Dù tầm vóc của Liên minh đã suy giảm nghiêm trọng sau khi Nga gần như đã “mất” mảnh ghép quan trọng nhất-Ukraine vào tay EU, sự kiện này là cách để Putin gửi thông điệp đến phương Tây rằng tham vọng cả đời của ông về việc tái lập một không gian địa chính trị Xô Viết mới không phải là chuyện ảo tưởng mà đang từng bước trở thành hiện thực.

Nó cho phép Putin đến Pháp với vị thế của một người có một thứ gì đó để tự tin, bất kể sự tự tin đó kéo dài bao lâu.

Ông Obama, dĩ nhiên, cũng không thể chỉ nói mà không làm. Trước khi sang châu Âu, Tổng thống Mỹ đã loan báo một kế hoạch trị giá 1 tỷ USD để tái triển khai các lực lượng sức mạnh của Mỹ tại Đông Âu. Tại Ba Lan, ông hứa tài trợ thêm cho nước chủ nhà 5 triệu USD viện trợ quân sự và tiết lộ Mỹ sẽ tăng ngân sách quốc phòng từ 1,95% GDP lên mức 2%, đồng thời sẽ thúc giục các đối tác lớn ở châu Âu làm điều tương tự.

Lễ kỷ niệm D-Day: Cơ hội "tháo ngòi nổ" của Putin và Obama ảnh 2Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống đắc cử của Ukraine Petro Poroshenko (Nguồn: AFP)

Hai ông Putin và Obama, không một ai muốn đặt chân lên bãi biển Normandy trong tư thế của một kẻ bị xem là yếu thế, dù theo kế hoạch, cả hai không gặp nhau, thậm chí là tránh mặt nhau nhiều nhất có thể.

Nhưng cũng có thể bầu không khí  “Chiến tranh lạnh” này chỉ là cách các bên đẩy căng thẳng lên cao để buộc bên kia đối thoại và xuống thang.

Mỗi bên đều có lợi thế của mình. Với phương Tây, đó là tính chính danh của chính quyền mới ở Kiev và vũ khí trừng phạt vẫn tỏ ra hiệu quả trong tay G7. Trong khi đó, ông Putin, dù đã tuyên bố rút quân khỏi biên giới Ukraine, cũng vẫn duy trì thành công chính sách gây bất ổn tại các tỉnh Đông-Nam Ukraine.

Cả hai bên trên thực tế đều hiểu rằng sẽ không thể có một giải pháp chính trị trọn vẹn cho Ukraine nếu thiếu bên kia và việc đẩy căng thẳng đi quá xa sẽ chỉ khiến cả hai phía thiệt hại.

Trong chừng mực đó, các cuộc tiếp xúc cá nhân giữa ông Putin với ba nhà lãnh đạo phương Tây gồm Tổng thống chủ nhà Pháp, Francois Hollande, Thủ tướng Anh David Cameron và nữ Thủ tướng Đức, Angela Merkel, được xem là có thể mang lại một điều gì đó tích cực.

Cả ba người đối thoại với ông Putin đều không phải là những người cứng rắn nhất với các hành động của Nga tại Ukraine. Ông Cameron luôn lo tài sản của các nhà tài phiệt Nga sẽ chạy khỏi London, ông Hollande mờ nhạt thì vừa quyết định vẫn bán tàu đổ bộ Mistral cho Nga trong khi bà Merkel luôn được xem là lãnh đạo phương Tây có quan hệ cá nhân tốt nhất với ông Putin.

Ba người này có thể sẽ thuyết phục được ông Putin rằng mọi thứ đã đến điểm dừng, tiến xa hơn thì Nga vẫn sẽ là bên chịu thiệt nhiều nhất.

Nếu làm được thế thì đây sẽ là thành công lớn nhất của lễ kỷ niệm 70 năm D-Day năm nay chứ không phải các hoạt động khác được mô tả là rất hoành tráng từ vài ngày nay.

Kỷ niệm kết thúc của cuộc chiến đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại bằng cách khơi dậy nguy cơ xung đột nguy hiểm hơn là điều không bên nào muốn.

Phương Tây và Nga có 2 ngày để từng bước phá thế bế tắc quanh Ukraine.

Vấn đề bây giờ chỉ là chờ một bên xuống nước đầu tiên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục