Lễ kỷ niệm 80 năm ngày mất của chiến sỹ chống phátxít Huỳnh Khương An

Tại buổi tọa đàm tối 22/10, các đại biểu tham dự đã xem lại những thước phim tư liệu ghi lại buổi lễ gắn biển tưởng niệm liệt sĩ Huỳnh Khương An tại nhà số 6 đại lộ Porte Brancion.
Bức ảnh và tấm biển tưởng niệm liệt sĩ Huỳnh Khương An gắn tại tường nhà số 6 đại lộ Porte Brancion ở thủ đô Paris (Pháp). (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Paris, tối 22/10, Hội hữu nghị Pháp-Việt (AAFV) và Hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF) đã tổ chức một buổi tọa đàm tại trụ sở UGVF ở Paris, nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày 27 chiến sĩ yêu nước tham gia phong trào kháng chiến Pháp bị phátxít Đức hành quyết ở Châteaubriant, trong đó có chiến sĩ Huỳnh Khương An người Việt Nam.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu tham dự đã xem lại những thước phim tư liệu ghi lại buổi lễ gắn biển tưởng niệm liệt sĩ Huỳnh Khương An tại nhà số 6 đại lộ Porte Brancion, do chính quyền thành phố Paris và Hiệp hội Châteaubriant-Voves-Rouillé-Aincourt tổ chức năm 2014. Bà Carine Picard-Nilès, Tổng thư ký của Hiệp hội đã điểm lại lịch sử sự kiện Châteaubriant, được coi là một trong những biểu tượng bất khuất của cuộc kháng chiến chống phátxít Đức tại Pháp.

Nhà sử học Alain Ruscio đã kể lại câu chuyện về cuộc đời hoạt động cách mạng của nhà giáo Huỳnh Khương An, một người Việt Nam, đảng viên Cộng sản Pháp, đã tham gia cuộc kháng chiến chống phátxít Đức. Nữ nhà văn, học giả Trần Thị Hảo chia sẻ góc nhìn của một phụ nữ Việt Nam về người chiến sĩ cộng sản Huỳnh Khương An.

Dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Văn Bổn, thành viên Ban chấp hành UGVF và ông Jean-Pierre Archambault, Tổng thư ký AAFV, các diễn giả và đại biểu tham dự đã bày tỏ cảm xúc, chia sẻ và trao đổi về sự kiện đã gắn tên tuổi của một người Việt Nam vào lịch sử đấu tranh giữ nước của Pháp.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, nhà sử học Alain Ruscio cho rằng Huỳnh Khương An là biểu tượng của một người chiến sỹ cộng sản quốc tế trong phong trào đấu tranh của nhân dân thế giới chống phátxít, là người bạn chiến đấu thân thiết của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Pháp.

Nhà văn, học giả Trần Thị Hảo bày tỏ sự ngưỡng mộ và khẳng định: "Huỳnh Khương An mang trong mình phẩm chất của một người yêu nước. Việc ông gia nhập Đảng Cộng sản Pháp, đấu tranh chống phátxít Đức vì tiến bộ của nhân loại cũng là một cách để bày tỏ tình yêu với quê hương ông. Ông không chỉ là niềm tự hào của nước Pháp mà còn là niềm tự hào của đất nước Việt Nam."

Huỳnh Khương An sinh ngày 7/4/1912 tại Sài Gòn, là con út của một gia đình trí thức. Năm 15 tuổi, ông sang Pháp du học và theo học ngành văn chương tại Đại học Toulouse. Trong thời gian học đại học, ông đã sớm tiếp thu những tư tưởng tiến bộ ở Pháp lúc bấy giờ, tiếp xúc với phong trào Cộng sản và công nhân Pháp và gia nhập tổ chức Sinh viên Cộng sản.

Với uy tín và nhiệt thành trong các hoạt động đoàn thể, ông đã được bầu giữ cương vị Bí thư Thanh niên Cộng sản Lyon. Năm 1936, ông kết hôn với bà Germaine Barjon (tức Lucienne Barjon) - đảng viên Đảng cộng sản Pháp ở Genève (Thuỵ Sĩ), một nữ kháng chiến nắm giữ vị trí lãnh đạo tại tổ chức "Những người bạn của Liên Xô." Cuối năm 1938, ông cùng vợ lên Paris để học tiếp bậc thạc sỹ và làm việc tại trường Trung học Carnot, tại Versailles, ngoại ô Paris với tư cách là giáo sư thực tập.

Tháng 9/1939, tình hình thế giới căng thẳng, cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ. Năm 1940, phát xít Đức chiếm đóng nước Pháp, ông đã tham gia hoạt động bí mật chống phátxít, phát truyền đơn của Đảng Cộng sản Pháp và hội "Những người bạn của Liên Xô" nhằm tuyên truyền và kêu gọi người dân Pháp tham gia kháng chiến. Ngày 18/6/1941, Huỳnh Khương An bị phátxít Đức bắt cùng vợ tại nhà riêng ở Paris và bị giam giữ tại trại Choisel ở Chateaubriant.

Ngày 20/10/1941, sau khi một sỹ quan Đức bị những người kháng chiến tấn công tại thành phố Nantes, phátxít Đức đã ra lệnh xử tử hơn 50 tù binh người Pháp, bao gồm cả 27 chiến sỹ cộng sản kiên cường của Đảng Cộng sản Pháp. Họ đã bị xử bắn ngày 22/10/1941 tại Chateaubriant, trong đó có Huỳnh Khương An, khi đó ông mới 29 tuổi.

[Chuyện về Anh hùng lực lượng vũ trang Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập]

Bức ảnh lưu giữ trong Bảo tàng lịch sử Việt Nam, trong đó liệt sỹ Huỳnh Khương An (hàng đầu, ở giữa) chụp cùng các đồng đội đồng nghiệp trường Carnot. Tất cả nhân vật trong ảnh đều đã hy sinh trừ một người duy nhất, ông André Grillot (hàng 2, thứ hai bên phải). (Ảnh: TTXVN)

Kính trọng và khâm phục tinh thần hy sinh cao cả của các chiến sĩ cách mạng, Đảng Cộng sản Pháp đã an táng di hài ông cùng các đồng đội trong Nghĩa trang liệt sỹ Nantes thuộc miền Tây nước Pháp. Để ghi nhớ những đóng góp của ông cho cuộc kháng chiến của nhân dân Pháp chống phátxít Đức, một chiếc tàu biển của Pháp đã được mang tên Huỳnh Khương An. Nhà văn Fernand Grenier đã viết cuốn “Ceux de Chateaubriant" (Những người ở trại Chateaubriant) có bài tựa của Jean Mercenac về "Les éclaireurs" (Những người soi đường), nhiệt liệt ca ngợi, biểu dương khí phách của Huỳnh Khương An và đồng đội. Năm 2014, chính quyền thành phố Paris đã gắn biển tưởng niệm ông tại nhà số 6, đại lộ Porte Brancion, nơi ông và vợ từng sống trước khi bị bắt.

Tại Việt Nam cũng có hai đường phố mang tên Huỳnh Khương An ở Thành phố Hồ Chí Minh và Vũng Tàu. Đặc biệt, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam hiện đang lưu giữ một bức ảnh tư liệu về các chiến sỹ cách mạng của Đảng Cộng sản Pháp, những người đã tham gia hoạt động bí mật chống phátxít Đức khi đang giảng dạy và học tập tại trường trung học Carnot ở Versailles (Pháp) năm 1940, trong đó có ông Huỳnh Khương An, khi đó là giáo sư tập sự tại trường.

Điều đặc biệt là tất cả những người trong ảnh đều bị phátxít Đức bắt và đã hy sinh trong vụ xử bắn 27 chiến sỹ Cộng sản Pháp ngày 22/10/1941. Chỉ có một người duy nhất sống sống sót sau vụ xử bắn này là ông André Grillot, là học trò, đồng thời cũng là đồng chí của Huỳnh Khương An tại trường trung học Carnot, sau này là Thị trưởng danh dự thành phố Choisy-Le-Roi, phía Nam thủ đô Paris./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục