Lễ ký kết văn bản ghi nhớ hợp tác về xây dựng Chính phủ điện tử

Bản ghi nhớ hợp tác về phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam nhằm xây dựng quan hệ hợp tác giữa Văn phòng Chính phủ và Cơ quan phát triển Pháp trong việc triển khai Chính phủ điện tử tại Việt Nam.
Lễ ký kết văn bản ghi nhớ hợp tác về xây dựng Chính phủ điện tử ảnh 1Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng (bên phải) và Ngài Jean-Pierre Marcelli, Giám đốc điều hành Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) ký kết Bản ghi nhớ hợp tác. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chiều 30/5, tại Trụ sở Chính phủ, đã diễn ra ký kết văn bản ghi nhớ hợp tác về phát triển Chính phủ điện tử giữa Văn phòng Chính phủ Việt Nam và Cơ quan phát triển Pháp.

Dự lễ có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Bertrand Lortholary.

Bản ghi nhớ hợp tác về phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam nhằm mục tiêu xây dựng quan hệ hợp tác giữa Văn phòng Chính phủ và Cơ quan phát triển Pháp trong việc triển khai Chính phủ điện tử tại Việt Nam, qua đó hỗ trợ quá trình số hóa chính phủ, hiện đại hóa hành chính và cải cách thủ tục hành chính.

Bản ghi nhớ này là sự tiếp nối Bản ghi nhớ hợp tác đã được ký kết giữa Văn phòng Chính phủ và Bộ Kinh tế và Tài chính nước Cộng hòa Pháp.

[TTXVN xếp thứ 2 về mức độ phát triển Chính phủ điện tử năm 2018]

Phát biểu tại lễ ký, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, thỏa thuận hợp tác giữa Văn phòng Chính phủ và Cơ quan phát triển Pháp hôm nay nhằm cụ thể hóa thỏa thuận giữa Chính phủ hai nước sau chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Pháp Édouard Philippe vào tháng 11 năm ngoái. Theo đó, hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong phát triển Chính phủ điện tử và hiện đại hóa quản trị hành chính nhà nước, một lĩnh vực hợp tác mới và triển vọng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết theo đánh giá của Liên hợp quốc, Pháp là một trong những quốc gia đi đầu về chính phủ điện tử, nên có nhiều kinh nghiệm tốt có thể chia sẻ cho Việt Nam, nhất là khi hiện nay Chính phủ Việt Nam đang xác định việc xây dựng Chính phủ điện tử là chiến lược quan trọng để phục vụ nhân dân.

Thủ tướng đề nghị Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cùng các cơ quan chức năng Chính phủ Việt Nam hỗ trợ các vấn đề cần thiết để triển khai thỏa thuận này hiệu quả.

Đại sứ Pháp tại Việt Nam Bertrand Lortholary cho rằng trong thời gian qua, Việt Nam và Pháp đã có sự hợp tác sôi động và hiệu quả trong nhiều lĩnh vực, trong đó có xây dựng chính phủ điện tử. Ông cho rằng xây dựng Chính phủ điện tử là nhiệm vụ rất quan trọng của các chính phủ để nâng cao hiệu quả quản trị, điều hành cũng như phục vụ người dân.

Lễ ký kết văn bản ghi nhớ hợp tác về xây dựng Chính phủ điện tử ảnh 2Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ ký. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Vấn đề quan trọng trong quá trình này là phải đưa ra các dịch vụ hiệu quả, phục vụ nhu cầu của người dân một cách nhanh chóng và thuận tiện, an toàn, bảo mật cao. Thời gian qua, Pháp cũng đã cử nhiều chuyên gia sang Việt Nam để hỗ trợ việc xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam.

Theo Bản ghi nhớ, Văn phòng Chính phủ và Cơ quan phát triển Pháp sẽ hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên gồm hỗ trợ Tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chính phủ điện tử, trọng tâm là xây dựng các chỉ số chủ yếu về theo dõi và đánh giá kết quả; xây dựng giải pháp tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan chính quyền và bảo vệ dữ liệu; xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia ; xây dựng giải pháp xác thực định danh cá nhân và doanh nghiệp; xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử của Văn phòng Chính phủ.

Ngoài những hướng hợp tác ưu tiên vừa nêu, về lâu dài, quan hệ đối tác giữa các bên có thể hợp tác về các chủ đề có cùng quan tâm như hỗ trợ thay đổi, hệ thống thông tin, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (IT) và an toàn thông tin mạng; Chính phủ số và dữ liệu mở; Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; Trục liên thông văn bản quốc gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục