Lễ hội Xên Đông - một điển hình trong lễ nghi độc đáo

Lễ hội Xên Đông của đồng bào Thái, xã Hạnh Sơn, Yên Bái, là điển hình trong lễ nghi độc đáo, mang bản sắc dân tộc vẫn được truyền giữ.

Trong các phong tục tập quán của đồng bào dân tộc ở Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, đồng bào Thái có nhiều lễ hội đặc sắc mang đậm tín ngưỡng của nền văn minh lúa nước.

Lễ hội Xên Đông của đồng bào Thái ở xã Hạnh Sơn là một điển hình trong những lễ nghi độc đáo, mang bản sắc dân tộc vẫn được truyền giữ qua nhiều đời nay.

Ông Lò Văn Phong thầy mo chính trong lễ cúng Xên Đông cho biết cứ vào 12 tháng Giêng hàng năm, nhân dân xã Hạnh Sơn lại sửa soạn lễ vật cúng tế thần linh tại lễ Xên Đông. Đây là lễ hội truyền thống, mang ý nghĩa tưởng nhớ tổ tiên, trời đất ban phát mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi, con người mạnh khỏe.

Lễ Xên Đông thường được tổ chức dưới gốc cây cổ thụ (người Thái quan niệm đây là nơi các vị thần, thánh thường xuyên lui tới). Chuẩn bị cho lễ Xên Đông, người dân thường mổ trâu để lấy đầu, đuôi, bốn chân và thịt để làm ba mâm cúng tế thần linh.

Quan trọng nhất là làm và trang trí ngôi nhà thờ, theo quan niệm đây là nơi để các thánh thần về an nghỉ, chứng kiến lòng thành của con cháu để ban phát những đều tốt lành. Ngôi nhà được làm chủ yếu bằng các vật liệu tranh, tre, nứa, lá, xung quanh được trang trí bởi hoa giấy có màu xanh và đỏ.

Khởi đầu cho buổi lễ, ba thầy mo phụ trách ba mâm cúng tế, mời người đại diện cho nhân dân trong xã cụng ly uống chén rượu đoàn kết. Sau đó thầy mo chính làm lễ xin phép thần linh với lời khấn: “Hôm nay ngày lành tháng tốt, dân bản làm mâm cỗ dâng lên tổ tiên, trời đất và các thánh thần, để tỏ tấm lòng thành kính. Mong các vị thánh thần về chứng giám và phù hộ cho dân bản trồng lúa lúa tốt, trồng cây sai quả, chăn nuôi không bị dịch bệnh, mọi người mạnh khỏe, bản làng yên vui....”

Ngay sau lễ cúng chính, các thầy mo còn lại tiếp tục cúng ma rừng, đồng thời cúng xua đuổi tà ma, xua đi những điều xui xẻo của năm cũ và cầu mong năm mới nhiều may mắn hơn. Kết thúc lễ cúng, mọi người cùng thắp hương tưởng nhớ tổ tiên và uống chén rượu đoàn kết.

Lễ Xên Đông tuy có quy mô nhỏ, ngắn ngọn nhưng có ý nghĩa sâu sắc. Ngoài việc giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn cho các thế hệ, lễ Xên Đông còn có ý nghĩa tâm linh giúp nhân dân yên tâm phấn khởi, thi đua lao động, sản xuất đạt kết quả cao.

Ông Nguyễn Văn Đĩnh, nguyên Bí thư Đảng bộ xã Hạnh Sơn cho biết cùng với quá trình sản xuất nông nghiệp lâu đời, người Thái ở Văn Chấn nói chung và Hạnh Sơn nói riêng đã tạo ra những lễ nghi, phong tục đặc sắc. Các lễ hội như Cầu Mùa, Hạn Khuống, Lồng Tồng hay Xên Mường, Xên Bản, Xên Đông đều có ý nghĩa cầu mong trời đất thuận hòa mùa màng tốt tươi, đời sống âm no, hạnh phúc.

Thông qua những lễ hội, các sắc thái văn hóa được bộc lộ, tinh thần đoàn kết các dân tộc được xây đắp, niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền ngày càng được củng cố.

Tuy nhiên, trải qua thời gian, những tác động của đời sống kinh tế xã hội khiến một số lễ nghi dần mai một, nhất là việc thiếu hụt các nghệ nhân, người tâm huyết với truyền thống dân tộc. Đây là niềm trăn trở của các cấp chính quyền và những người tâm huyết, mong muốn gìn giữ những giá trị truyền thống dân tộc.

Lễ hội Xên Đông là một lễ nghi độc đáo, mang đậm dấu ấn tín ngưỡng văn minh nông nghiệp. Với truyền thống sản xuất nông nghiệp lâu đời, cùng tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, người dân Hạnh Sơn tiếp tục gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục