Gìn giữ phát huy các giá trị văn hóa biển, đảo, trong đó có các lễ hội truyền thống là một trong những nội dung quan trọng phát huy “sức mạnh mềm” văn hóa, tạo nguồn lực phát triển toàn diện kinh tế-xã hội từng địa phương và cả nước.
Nét văn hóa đặc sắc
Đề cập về “kho tàng” văn hóa biển đảo ở nước ta, Thạc sỹ Phạm Thị Hải Yến (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) cho biết, văn hóa biển, đảo là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam, thống nhất trong đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc.
Trong văn hóa biển đảo, nhiều lễ hội dân gian độc đáo được ghi dấu, lưu giữ, trao truyền, phát triển đến ngày nay, trở thành nét đẹp truyền thống, đặc trưng của người dân miền biển, đảo.
Huyện Cần Giờ là địa phương duy nhất giáp biển ở Thành phố Hồ Chí Minh. Huyện có hệ sinh thái rừng ngập mặn với nhiều loài động, thực vật quý hiếm, đồng thời “sở hữu” nhiều nét văn hóa đặc sắc của người dân vùng biển đảo.
Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ chính là một trong những sự kiện văn hóa nổi bật được người dân huyện đảo xem như dịp đón cái Tết thứ hai trong năm của mình.
Diễn ra từ ngày 15- 17/8 âm lịch hàng năm, lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ gắn với di tích Lăng Ông Thủy Tướng, một trong những nơi thờ cúng Thần Nam Hải, được người dân trân trọng, gìn giữ.
Phần lễ của lễ hội là chuỗi các nghi thức thể hiện rõ đời sống văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của cư dân nơi biển đảo như như lễ thượng kỳ (lễ treo cờ), lễ mừng công ngư dân, lễ cúng bạn cũ lái xưa, lễ cầu an...
Phần hội có nhiều hoạt động vui tươi, gắn kết cộng đồng qua các trò chơi dân gian, thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật truyền thống.
Đại diện Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Cần Giờ cho biết: Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ hay còn gọi tục thờ cúng cá Ông (cá Voi) được bắt đầu từ khoảng năm 1913, lưu truyền trong đời sống văn hóa của ngư dân ven biển Cần Giờ cho đến ngày nay.
Lễ hội là dịp tri ân những bậc tiền nhân đã có công tạo ra những phương tiện đi biển, ngư cụ khai thác thủy sản. Đồng thời cũng là dịp người dân chuẩn bị cho một mùa đánh bắt mới với mong muốn thuận lợi, bội thu.
Cùng ở Đông Nam Bộ, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu có chiều dài hơn 300km bờ biển, có huyện đảo Côn Đảo. Thông tin từ Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, trên địa bàn tỉnh có trên 10 lễ hội truyền thống, trong đó có thể kể đến một số lễ hội truyền thống gắn với đời sống của cư dân vùng biển, đảo như: lễ hội Nghinh Ông đình Thắng Tam ở thành phố Vũng Tàu, lễ hội Dinh Cô tại huyện Long Điền, lễ hội lễ giỗ bà Phi Yến tại huyện Côn Đảo...
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Vũng Tàu: Cũng như lễ hội Nghinh ông Cần Giờ, lễ hội Nghinh Ông đình Thắng Tam, đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội được các thế hệ ngư dân và cộng đồng dân cư Vũng Tàu duy trì từ hơn 100 năm nay, diễn ra từ ngày 16-18/8 âm lịch hằng năm. Lễ hội Nghinh Ông đình Thắng Tam gồm hai phần là phần lễ và hội.
Phần lễ có lễ rước, cúng giỗ, lễ thỉnh sắc thần, cúng tế… Phần hội có nhiều trò chơi dân gian tái hiện các hoạt động của ngư dân như thi câu cá, đan lưới, kéo co, thi đấu cờ ca rô trên cát, đậm nét văn hóa của cư dân vùng biển.
Đồng bằng sông Cửu Long cũng có nhiều lễ hội truyền thống vùng biển đảo đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, là “mạch nguồn” văn hóa được gìn giữ, phát huy.
Có thể kể đến các lễ hội tiêu biểu: lễ hội Nghinh Ông và danh thắng huyện đảo Kiên Hải (Kiên Giang), lễ hội Nghinh Ông sông Đốc (Cà Mau), lễ hội cúng biển Mỹ Long (Trà Vinh), lễ cúng phước biển ở thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng).
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh Dương Hoàng Sum cho biết: Lễ hội cúng biển Mỹ Long diễn ra ở huyện Cầu Ngang, vào ngày 10 -12/5 âm lịch hàng năm, là dịp cư dân vùng biển thể hiện tấm lòng tri ân biển khơi đã mang đến một cuộc sống ấm no và cầu mong một mùa biển mới mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng.
Điểm nhấn cho hoạt động du lịch
Hiện nay, nhiều lễ hội truyền thống vùng biển đảo không chỉ là những sự kiện văn hóa, hoạt động tín ngưỡng tâm linh của người dân địa phương mà đã trở thành sản phẩm du lịch, mang đến trải nghiệm đa dạng cho du khách.
“Từng đến Cần Giờ, chỉ cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 50 km, vào đúng dịp Trung thu, tôi đã tham dự lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ với nhiều nghi thức rất trang nghiêm, thành kính. Tôi còn được hướng dẫn tham gia trò chơi dân gian gánh muối vượt chướng ngại vật, rất thú vị. Năm nay, tôi dự định đưa cả gia đình về thăm quê hương, sẽ tới Cần Giờ vào đúng dịp Trung thu để được dự lễ hội, kết hợp tham quan các di tích lịch sử như Giồng Cá Vồ, chiến khu rừng Sác, hy vọng sẽ rất ấn tượng,” anh Hứa Trọng Nghĩa, Việt kiều sinh sống tại Australia đã từng có dịp tham dự lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ chia sẻ.
Đại diện Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Cần Giờ cho biết: mỗi kỳ lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ thu hút khoảng 100.000 lượt khách tham quan. Qua đó, vừa thiết thực bảo tồn, tạo sự lan tỏa giá trị của di sản văn hóa phi vật thể lễ hội và di tích gắn với lễ hội, vừa tăng nét đặc sắc cho điểm đến du lịch Cần Giờ.
Duy trì sức hấp dẫn cho hoạt động lễ hội - sản phẩm du lịch mang tính thời điểm, huyện Cần Giờ cũng luôn chú trọng kết nối các điểm di tích lịch sử, văn hóa, các điểm đến du lịch sinh thái, tham quan rừng ngập mặn, trải nghiệm đời sống người dân, giới thiệu các đặc sản. Từ đó, tạo cho chuyến đi của du khách luôn có sự thú vị, phong phú các trải nghiệm văn hóa khi tới địa phương, dù ở thời điểm không diễn ra lễ hội.
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Trần Thị Thu Hiền các lễ hội, trong đó có lễ hội truyền thống vùng, biển đảo là một trong những sản phẩm du lịch văn hóa nổi bật mà tỉnh chú trọng duy trì, phát triển.
Các lễ hội được tổ chức tại các di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng cũng là yếu tố thuận lợi để thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm. Nếu không đúng vào thời điểm có lễ hội, du khách vẫn có thể khám phá nhiều nét văn hóa thông qua tìm hiểu di tích, các hiện vật được trưng bày, trò chuyện với người dân bản địa...
Tăng cường quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch, trong đó có du lịch văn hóa, lễ hội, Bà Rịa-Vũng Tàu đang hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố, các đơn vị hàng không, lữ hành quốc tế nhằm quảng bá mạnh hơn các sản phẩm du lịch văn hóa, lễ hội đến du khách, nhất là du khách quốc tế.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục phối hợp với các địa phương thuộc Đông Nam Bộ, các đơn vị lữ hành, vận tải để hình thành đa dạng chuỗi liên kết sản phẩm, dịch vụ, trong đó có du lịch gắn với văn hóa.
Tỉnh cũng khai thác thêm nhiều tour du lịch liên vùng, trong đó có các tour tham quan, thưởng lãm công trình văn hóa nghệ thuật, di tích lịch sử, trong đó có các di tích gắn với lễ hội truyền thống.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh Dương Hoàng Sum thông tin: Định hướng phát triển của du lịch Trà Vinh là tập trung xây dựng điểm đến, kêu gọi đầu tư vào loại hình du lịch văn hóa- lễ hội, du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch nông thôn.
Trong đó, không gian du lịch sinh thái biển được tỉnh xác định gồm các điểm du lịch lễ hội, tâm linh, làng nghề, tham quan rừng ngập mặn tại các huyện Cầu Ngang, vùng duyên hải (gồm huyện Duyên Hải và thị xã Duyên Hải).
Tỉnh tập trung phát triển nhiều sản phẩm du lịch văn hóa, trong đó có du lịch lễ hội gắn đời sống, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc. Đồng thời kết hợp đa dạng các loại hình du lịch như lễ hội vùng biển gắn trải nghiệm du lịch sinh thái, đặc sản ẩm thực vùng biển hoặc du lịch lễ hội tham quan làng nghề, giới thiệu nông sản chủ lực gắn với trải nghiệm đời sống nông dân, cảnh quan nông thôn.
Trà Vinh phấn đấu đến năm đến năm 2030 đón trên 2,5 triệu lượt khách du lịch, đồng thời thời gian lưu trú của du khách tại tỉnh đạt trung bình 1,5 ngày/khách./.
Đông đảo du khách và người dân tham dự Lễ hội Nghinh Ông Quan Thánh Đế Quân
Bắt đầu xuất phát từ Quan Đế Miếu, đoàn Nghinh Ông diễu hành trên các con đường có đông người Hoa sinh sống, buôn bán như Trần Phú-Lý Thường Kiệt-Trưng Trắc-Nguyễn Văn Cừ…