Sáng 7/4 (tức ngày 8/3 năm Giáp Ngọ), tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ dâng hương tại Cố đô Hoa Lư - di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đặc biệt - theo nghi thức truyền thống nhân kỷ niệm 1.046 năm Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế (968-2014).
Rước nước cầu mưa thuận gió hòa
Trong dân gian xưa đã có câu ca truyền tụng:
Ai là con cháu Rồng Tiên
Tháng Ba mở hội Trường Yên thì về
Lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư (xưa thường gọi là hội Trường Yên hay hội Cờ lau) thường diễn ra vào đầu tháng Ba âm lịch hàng năm.
Tương truyền, lễ hội được bắt đầu ngay sau khi vua Lý Công Uẩn hoàn thành việc dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, tức Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội ngày nay.
Sau lễ mở cửa đền, lễ rước nước trên sông Hoàng Long là nghi thức quan trọng bậc nhất diễn ra trong ngày khai hội.
Trước khi diễn ra lễ hội, dân làng xã Trường Yên đã cắm một cây tre lớn ở giữa dòng sông gần cửa Đại Hoàng thuở xưa. Cây tre có cành lá xanh tốt, trên ngọn treo một dải phướn màu vàng ghi những lời chú cầu mong Thần sông Hoàng Long phù hộ độ trì cho nhân dân gặp nhiều điều lành, tránh mọi điều ác; quanh năm mưa thuận gió hòa để mùa màng bội thu.
Từ 6 giờ sáng, đoàn rước nước khởi hành từ đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng, dẫn đầu là những người mang cờ ngũ sắc, đi hàng đôi. Kế tiếp là phường nhạc bát âm, phường trống.
Trong trang phục mô phỏng binh lính nhà Đinh, tám nam thanh niên khỏe mạnh khiêng trên vai một chiếc kiệu bát cống cỡ lớn, trên bày hương án, bên trong đặt một bình sứ, ngoài phủ vải điều dùng để đựng nước thiêng.
Tiếp sau, các thiếu nữ trinh nguyên khiêng những chiếc kiệu đặt lễ vật đi tế thần sông, phía trên che lọng nhiều màu sặc sỡ. Đi hai bên kiệu là các bô lão vận triều phục.
Sau hàng kiệu là một người đóng vai Hoàng đế đi rước nguồn nước quý. Kế đó là đội tế nữ quan của nhiều địa phương xa gần cùng các đại biểu và du khách thập phương, ai ai cũng toát lên vẻ nghiêm trang, thành kính.
Khi đoàn rước ra đến bến sông Hoàng Long, kiệu bát cống có hương án và bình sứ được đưa xuống thuyền, sau đó, phường nhạc bát âm, phường trống, các đại biểu, quan khách cũng xuống thuyền và chèo ra giữa dòng sông, nơi nước sông trong lành nhất.
Lúc này, người chủ tế trịnh trọng đọc bản sớ trình xin bắt đầu nghi lễ. Hoàn tất thủ tục tâm linh, tiếng chiêng trống vang lên rộn rã. Các cô gái trinh nguyên nét mặt nghiêm cẩn, nhẹ tay múc nước sông thiêng đổ vào bình sứ, rước lên bờ trở về đền Vua Đinh tiến hành làm lễ.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hoa Lư Vũ Văn Huân cho biết, lễ rước nước được tổ chức từ bao đời nay để dân làng bày tỏ niềm biết ơn Rồng Vàng (tức Hoàng Long) ở sông này, khi xưa đã có công giúp Đinh Bộ Lĩnh vượt qua bao gian khó, từ một cậu bé tập làm thủ lĩnh, ngồi kiệu bằng tay của chúng bạn phất cờ lau tập trận, đến khi trưởng thành rồi dẹp được loạn 12 sứ quân, giang sơn thu về một mối.
Đây là tiền đề quan trọng để Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh dựng thành cơ nghiệp nhà Đinh, lên ngôi vua với tôn hiệu Đại Thắng Minh Hoàng đế, lập nên nước Đại Cồ Việt, nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam, mở đầu thời đại độc lập, tự chủ huy hoàng của dân tộc.
Chiêm ngưỡng bộ sưu tập cổ vật quý hiếm tại lễ hội
Tại lễ hội, Bảo tàng tỉnh Ninh Bình lần đầu tiên giới thiệu với công chúng bộ sưu tập cổ vật quý hiếm từ thời Đinh-Tiền Lê với chủ đề "Kinh đô Hoa Lư thế kỷ thứ 10," trong đó nổi bật là chiếc đầu rồng được tìm thấy ở xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, quê hương của vua Đinh Tiên Hoàng.
Theo phân tích của ông Nguyễn Xuân Khang, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Ninh Bình, nét đặc sắc của hiện vật này là ở chỗ, nếu như những các đầu rồng thường thấy vào thời Lý, Trần, Hậu Lê có miệng dài ngậm ngọc, hàm uốn lượn, mũi nở to, răng thưa và nhọn, trông dáng vẻ uy nghi dữ tợn thì ở hiện vật này, miệng rồng bẹp như mỏ vịt, răng hàm dưới nhọn kiểu răng cưa, hàm trên răng to dài không nhọn, nằm kề sát nhau trông như răng người, đua về phía trước chứ không theo hướng thắng đứng. Phần lưỡi dài uốn lên hàm trên.
Miệng rồng không ngậm ngọc mà ngậm một vật hình tròn dẹt, phần cằm còn có một chỏm râu ngắn.
Sự khác biệt của chiếc đầu rồng từ thời nhà Đinh có niên đại cách đây hơn 1.000 năm đã thu hút rất nhiều sự quan tâm, chiêm ngưỡng của khách du lịch trong và ngoài nước.
Ông Lâm Quang Nghĩa, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết từ ngày 7-9/4, Lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư diễn ra với nhiều hoạt động mang đậm đà bản sắc dân tộc như biểu diễn múa rồng, đấu vật cổ truyền, chơi cờ người... để nhân dân địa phương và du khách thập phương tưởng nhớ Vua Đinh Tiên Hoàng, Vua Lê Đại Hành, Vua Lý Công Uẩn và các tướng lĩnh đã có công lao to lớn trong sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước.
Cùng với đó, các tăng ni, phật tử tiến hành Đại lễ cầu siêu và lễ hội hoa đăng bày tỏ lòng thành kính, tri ân các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh xương máu để dân tộc Việt Nam được sống trong hòa bình, độc lập.
Nhân dịp này, người dân các xã Trường Yên, Ninh Giang, Ninh Xuân, Ninh Vân, Ninh An trên địa bàn huyện Hoa Lư đồng loạt tổ chức thi bơi thuyền trên sông Sào Khê, thi mâm ngũ quả tiến vua, đấu bóng chuyền nam, thu hút đông đảo người dân tham dự.
Cùng với việc đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân khi tham gia lễ hội, huyện Hoa Lư đã chỉ đạo các lực lượng chức năng triển khai công tác đảm bảo an ninh trật tự, giữ gìn vệ sinh môi trường, kiên quyết di dời toàn bộ lều quán, kiot bán hàng ra xa khu vực diễn ra lễ hội, đồng thời xử lý nghiêm mọi hành vi mê tín dị đoan như bói toán, xóc thẻ nhằm hướng người dân tham gia vào các hoạt động văn hóa trên tinh thần vui tươi, lành mạnh./.