Lễ hội Chử Đồng Tử-Tiên Dung là lễ hội tình yêu độc đáo nhất cả nước, không chỉ là nơi thờ cúng tâm linh mà còn là điểm du lịch, tham quan không thể thiếu của du khách trong tour du lịch Đồng bằng sông Hồng về với Hà Nội, Hưng Yên.
Đức thánh Chử Đồng Tử là một trong “tứ bất tử” của Việt Nam. Liên quan đến sự tích Đức thánh Chử Đồng Tử, người ta không thể không nhắc tới câu chuyện tình lãng mạn và bất tử giữa chàng trai nghèo đánh cá ven sông với nàng Tiên Dung - Công chúa con gái đời vua Hùng thứ 18.
Theo truyền thuyết, Chử Đồng Tử là một chàng trai đánh cá nghèo, con ông Chử Cù Vân. Hàng ngày hai cha con chung nhau một chiếc khố, khi cha mất đi, vì lòng hiếu thảo, Chử Đồng Tử đã chôn chiếc khố cùng cha, còn mình thì ở trần, ngâm mình dưới nước, bắt cua cá kiếm sống qua ngày.
Thời ấy, Hùng Vương thứ 18 có cô con gái tên là Tiên Dung, đến tuổi cập kê mà vẫn chưa chịu lấy chồng, chỉ thích chu du khắp nơi. Một hôm, thuyền rồng của Công chúa Tiên Dung đến thăm vùng quê nơi Chử Đồng Tử sinh sống. Nghe tiếng chuông trống, đàn sáo, lại thấy nghi trượng, người hầu tấp nập, Chử Đồng Tử hoảng sợ vội vùi mình vào cát lẩn tránh.
Thuyền ghé vào bờ, Công chúa Tiên Dung dạo chơi rồi sai người quây màn ở bụi lau để tắm, ngờ đâu đúng ngay chỗ của Chử Đồng Tử. Nước xối dần để lộ thân hình Chử Đồng Tử dưới cát. Tiên Dung kinh ngạc bèn hỏi han sự tình, rồi xin được nên duyên vợ chồng.
Hai người cứ thế sống một cuộc sống bình dị và hạnh phúc, cùng nhau đi khắp vùng cứu chữa cho nhân dân.
Một hôm trời đã tối mà không có chỗ nghỉ, hai vợ chồng dừng chân cắm cây gậy và úp nón lên trên rồi cùng nghỉ. Bỗng nửa đêm chỗ đó nổi lên thành quách, cung điện nguy nga với đầy đủ người hầu kẻ hạ. Nghe tin Chử Đồng Tử-Tiên Dung có cung điện, vua cha nghi ngờ rằng hai người làm loạn nên sai quân đến đánh.
Công chúa Tiên Dung không kháng cự cha mình. Đêm hôm ấy cả lâu đài và vợ chống Chử Đồng Tử-Tiên Dung đã bay lên trời. Trận cuồng phong, bão lớn để lại vùng đất ấy một cái đầm, sau này gọi là đầm Nhất Dạ.
Từ đó, đền Đa Hòa được dựng nên tưởng nhớ nơi tác thành mối lương duyên kỳ ngộ giữa chàng trai nghèo họ Chử và nàng công chúa Tiên Dung xinh đẹp. Đền Hóa Dạ Trạch là nơi Đức Thánh Chử cùng phu nhân hóa về trời.
Truyền thuyết này không chỉ dừng lại ở một mối tình mà còn ca ngợi sự cống hiến lớn lao của hai vợ chồng Chử Đồng Tử-Tiên Dung trong việc cứu giúp người dân khỏi bệnh tật, tai ương. Chính vì thế mà người dân xưa đã tôn Chử Đồng Tử là một trong Tứ Bất tử. Đức Thánh Chử Đồng Tử được xem là người mang tới cho người dân sự phồn thịnh, hạnh phúc.
[Hưng Yên: Lễ hội đền Đa Hòa là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia]
Ngài được thờ ở rất nhiều nơi thuộc vùng hạ lưu châu thổ sông Hồng. Hiện nay có 62 làng có đền thờ Chử Đồng Tử ở Hà Nội, Hưng Yên, Hà Tây, Nam Định, Hà Nam và Thái Bình.
Nổi tiếng nhất và thu hút người dân đông đảo nhất trong số này là đền Đa Hòa và đền Dạ Trạch thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên và Di tích Lịch sử Quốc gia Đình Thượng-Đình Hạ- khu Giá Ngự, xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín, Hà Nội.
Lễ hội tưởng nhớ Chử Đồng Tử-Tiên Dung tại các đền thờ nói trên cũng thu hút đông đảo du khách và người dân.
Lễ hội đền Đa Hòa và Lễ hội đền Hóa Dạ Trạch đã được Bổ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ ngày 2/2/2023..
Hai lễ hội này được tổ chức hằng năm, từ ngày 10-12/2 âm lịch, với tên gọi chính thức là lễ hội Chử Đồng Tử-Tiên Dung (hay lễ hội tình yêu).
Phần lễ diễn ra long trọng với các nghi lễ truyền thống được bảo tồn từ xưa. Cuộc rước kiệu thánh, với đoàn rồng tưng bừng trống chiêng, theo sau là hàng người trang phục đủ sắc màu rực rỡ. Cuộc rước nước về lễ Thánh, cầu nguyện một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Phần hội sôi nổi với các trò chơi dân gian như bịt mắt bắt dê, bịt mắt đập niêu, chọi gà, đi cầu kiều, đu cây và một số trò chơi khác. Trong khuôn khổ lễ hội, còn có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao như thi bơi chải, cờ tướng, cầu lông, múa rồng, hát ca trù, quan họ, chầu văn.
Đặc biệt, cứ 3 năm/lần sẽ diễn ra lễ hội Chử Đồng Tử Hưng Yên với quy mô Tổng (một trong 16 lễ hội lớn nhất cả nước) thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương về dự.
Trong khi đó, tại Di tích Lịch sử Quốc gia Đình Thượng-Đình Hạ- khu Giá Ngự, xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín, Hà Nội, cứ 4 năm một lần vào ngày 1/4 Âm lịch, chính quyền và nhân dân lại tổ chức lễ hội Lễ hội Chử Đồng Tử-Tiên Dung Công chúa.
Lễ hội được tổ chức trang trọng với những nghi thức mang đặc sắc văn hóa vùng Châu thổ sông Hồng là rước nước, rước kiệu từ Đình làng ra bãi cát - điểm được coi là nơi kết duyên giữa Chử Đồng Từ và Tiên Dung.
Rước nước là một nghi lễ trang trọng được giao cho những người cao tuổi có uy tín được những chiếc thuyền đi ra giữa sông Hồng rồi lấy nước vào chum sau đó được chuyền về lễ Thánh ở Đình làng. Việc rước nước không chỉ mang ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hòa, làm ăn sung túc mà còn thể hiện nét tín ngưỡng sâu sắc, nhằm tưởng nhớ về Thánh Chử Đồng Tử với nghề đánh cá xuôi ngược trên sông.
Rước kiệu được cử hành long trọng đúng với nghi lễ cổ truyền một nghi lễ trọng thể đầy đủ các tự khí với trống chiêng rộn ràng, cùng đó là những bản nhạc của phường bát âm.
Vào ngày lễ chính, từ sáng sớm, nhân dân trong và ngoài xã nô nức cùng đoàn rước từ Đình làng ra tận bờ sông Hồng. Đám rước đến tại bến sông, sẽ lấy nước rửa kiệu nhằm diễn lại tích huyền thoại “Chử Đồng Tử gặp công chúa Tiên Dung” trên bãi tắm nàng tiên và cùng huyền thoại rồng du thuyền trên sông.
Phần hội được mở rộng với các hoạt động phong phú như múa rồng, múa sinh tiền, diễn xướng dân gian, văn nghệ, thể thao; các trò chơi dân gian, hiện đại như hát quan họ, cờ người, thu hút đông đảo Nhân dân và du khách thập phương về dự lễ hội./.