Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh và khai trương du lịch Ba Vì năm 2015

Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh tại di tích Đền Trung ở Ba Vì tổ chức vào ngày Rằm tháng Giêng hàng năm để tưởng nhớ Đức Thánh Tản, vị Thánh đứng đầu Tứ bất tử trong tiềm thức người Việt.
Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh và khai trương du lịch Ba Vì năm 2015 ảnh 1(Ảnh minh họa: Anh Tuấn/TTXVN)

Sáng 4/3 (tức ngày 14 tháng Giêng), tại di tích Đền Trung thuộc cụm di tích Đền Thượng-Đền Trung-Đền Hạ, Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì (Hà Nội) tổ chức khai hội Tản Viên Sơn Thánh và khai trương du lịch Ba Vì năm 2015.

Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh tại cụm di tích Đền Thượng-Đền Trung-Đền Hạ tổ chức vào ngày Rằm tháng Giêng hàng năm để tưởng nhớ Đức Thánh Tản, vị Thánh đứng đầu Tứ bất tử trong tiềm thức người Việt.

Đây là lễ hội có truyền thống lâu đời, song do nhiều yếu tố, lễ hội bị thất truyền. Vào ngày Rằm tháng Giêng, nhân dân chỉ tổ chức dâng hương tưởng nhớ Đức Thánh.

Từ năm 2005 trở lại đây, Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì khôi phục lễ hội Tản Viên Sơn Thánh trở thành lễ hội vùng. Lễ hội kéo dài đến tháng Ba, thu hút hàng chục nghìn lượt khách về hành hương, tham quan.

Cùng với lễ khai hội Tản Viên Sơn Thánh, Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì cũng khai trương du lịch Ba Vì năm 2015. Đây có thể coi là bước đột phá lớn trong công tác quản lý và khai thác tiềm năng du lịch của huyện Ba Vì, phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch văn hóa tâm linh.

Trên địa bàn huyện Ba Vì có hơn 600 di tích lịch sử văn hóa, trong đó hơn 100 di tích thờ Thánh Tản Viên. Nhiều di tích lịch sử-văn hóa có giá trị đặc biệt như Cụm di tích Đền Thượng-Đền Trung-Đền Hạ; Đình Tây Đằng, Đình Thụy Phiêu; Đền thờ Bác Hồ, Khu di tích lịch sử K9…

Ba Vì cũng có các danh thắng nổi tiếng như Ao Vua, Khoang Xanh-Suối Tiên, Thiên Sơn-Suối Ngà, Khu du lịch Tản Đà, Thác Đa, Rừng nguyên sinh Bằng Tạ-Đầm Long, Đồi cò Ngọc Nhị, cùng nguồn nước khoáng nóng thiên nhiên Thuần Mỹ...

Ông Lê Văn Minh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì, khẳng định: Trong năm tới, huyện tăng cường hơn nữa công tác quản lý bảo vệ, tôn tạo và phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa, thường xuyên đầu tư kinh phí vào các di tích để chống xuống cấp, bảo tồn giữ gìn phong tục tập quán mang bản sắc văn hóa của huyện.

Huyện cũng xây dựng các tuyến tham quan du lịch phục vụ cộng đồng, sinh thái, kết hợp chiến lược phát triển kinh tế với tín ngưỡng tâm linh để văn hóa thật sự là nền tảng tinh thần, là động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Trong bốn năm qua, ngành du lịch Ba Vì đạt được mức tăng trưởng ổn định. Tổng doanh thu đạt 753 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân 12,8 %/năm; tổng lượng khách đạt gần 9 triệu lượt người. Năm 2015, phấn đấu thu hút 2,6 triệu lượt khách đến Ba Vì, doanh thu đạt 250 tỷ đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục