Lễ hội Lam Kinh năm 2023: Khởi nghĩa Lam Sơn - Dấu son rực rỡ

Lễ hội Lam Kinh nhằm tưởng nhớ, tri ân Anh hùng Dân tộc Lê Lợi, các vua Lê, tướng sỹ, nhân dân có công lao đóng góp trong lịch sử dựng nước, giữ nước, khơi dậy nét đẹp truyền thống văn hóa xứ Thanh.
Lễ hội Lam Kinh năm 2023: Khởi nghĩa Lam Sơn - Dấu son rực rỡ ảnh 1Nghi thức rước kiệu Đức Vua Lê Thái Tổ tại Lễ hội Lam Kinh năm 2023. (Nguồn: Báo Thanh Hóa)

Sáng 6/10 (tức ngày 22/8 năm Quý Mão), tại Khu Di tích Lịch sử Quốc gia Đặc biệt Lam Kinh (thị trấn Lam Sơn, Thọ Xuân), Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa tổ chức Lễ hội Lam Kinh 2023, kỷ niệm 605 năm khởi nghĩa Lam Sơn, 595 năm Vua Lê Thái Tổ đăng quang và 590 năm Ngày mất Anh hùng Dân tộc Lê Lợi.

Lễ hội nhằm tưởng nhớ, tôn vinh, tri ân Anh hùng dân tộc Lê Lợi, các vua Lê, tướng sỹ và nhân dân có công lao đóng góp trong lịch sử dựng nước và giữ nước, khơi dậy nét đẹp truyền thống văn hóa, đậm đà bản sắc dân tộc.

Lễ hội Lam Kinh 2023 được tổ chức quy mô cấp tỉnh, gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức theo nghi thức truyền thống, gồm Lễ chính tại Di tích Lịch sử Quốc gia Đặc biệt Lam Kinh; Lễ rước kiệu Vua Lê Thái Tổ và kiệu Trung Túc Vương Lê Lai; Lễ tế tại các đền thờ, tòa thái miếu, lăng mộ trong khu di tích; Lễ dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Vua Lê Thái Tổ tại Tượng đài Anh hùng Dân tộc Lê Lợi (thành phố Thanh Hóa); Lễ dâng hương, giỗ bà Hàng Dầu trên đỉnh núi Dầu...

Tại sân rồng trước Chính điện Lam Kinh, nghi lễ đọc chúc văn tấu cáo, tưởng nhớ công lao của Đức Thái Tổ Cao hoàng đế, các vị vua, hoàng thái hậu Nhà Lê, công thần và các tướng sỹ nghĩa quân Lam Sơn diễn ra trang trọng.

[Thanh Hóa: Khai mạc lễ hội Lam Kinh kỷ niệm 604 năm khởi nghĩa Lam Sơn]

Phần hội được dàn dựng công phu với chương trình nghệ thuật sân khấu thực cảnh chủ đề “Khởi nghĩa Lam Sơn - Dấu son rực rỡ.”

Chương trình quy tụ lượng lớn các nghệ nhân, ca sỹ, nghệ sỹ, diễn viên của các đơn vị gồm Nhà hát Tuồng Việt Nam, Học viện Múa Việt Nam, Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn Thanh Hóa, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Thanh Hóa, Câu lạc bộ Trò diễn Xuân Phả (huyện Thọ Xuân)...

Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng nhấn mạnh trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, đất và người Thanh Hóa đã in dấu với những cống hiến to lớn trong nhiều sự kiện trọng đại, tiêu biểu trong số đó là cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Anh hùng dân tộc Lê Lợi lãnh đạo chống ngoại xâm phương Bắc ở nửa đầu thế kỷ XV.

Phát huy hào khí Lam Sơn cũng như niềm tự hào là quê hương của Anh hùng dân tộc Lê Lợi, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Thanh Hóa sẽ chung tay bảo vệ, phát huy giá trị Di tích Quốc gia Đặc biệt Lam Kinh. Từ đó, giới thiệu, quảng bá những giá trị lịch sử, văn hóa tốt đẹp của đất và người xứ Thanh đến đồng bào trong nước, bạn bè quốc tế.

Trong khuôn khổ lễ hội, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch phong phú khác diễn ra như trò chơi, trò diễn dân gian, biểu diễn thuật truyền thống dân tộc, trưng bày, thuyết minh, giới thiệu về giá trị Di tích Quốc gia Đặc biệt Lam Kinh và mối quan hệ với kinh đô Thăng Long (thời Hậu Lê), tổ chức dịch vụ lữ hành, quảng bá du lịch Thanh Hóa...

Năm 1407, sau khi cuộc kháng chiến của nhà Hồ thất bại, nước Đại Việt rơi vào ách đô hộ của nhà Minh, vận mệnh quốc gia cùng nền văn hóa dân tộc đứng trước nguy cơ bị hủy diệt, cuộc sống của nhân dân rơi vào cảnh lầm than.

Với tinh thần yêu nước, căm thù giặc, năm 1416, tại Lũng Nhai, Lê Lợi cùng 18 vị tướng tài tâm phúc đã mở Hội thề quyết tâm chống lại giặc Minh, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ cho nhân dân. Lời thề thiêng liêng lan tỏa và thu hút anh hùng hào kiệt từ mọi miền đất nước tìm về Lam Sơn tụ nghĩa.

Đầu mùa Xuân Mậu Tuất năm 1418, tại núi rừng Lam Sơn, nay thuộc huyện Thọ Xuân, Lê Lợi cùng nhiều hào kiệt đã dựng cờ khởi nghĩa, truyền hịch chiêu mộ anh hùng bốn phương, kêu gọi nhân dân đánh đuổi giặc Minh xâm lược.

Trải qua 10 năm dài “nếm mật, nằm gai,” với ý chí anh dũng, kiên cường và bằng nghệ thuật quân sự lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều, năm 1428 cuộc khởi nghĩa Lam Sơn giành thắng lợi hoàn toàn. Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo đã trở thành một trong những mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc ta; biểu tượng cho lòng yêu nước nồng nàn, ý chí anh dũng, quật cường và quyết tâm đánh đuổi kẻ thù xâm lược của nhân dân ta trong thời kỳ phong kiến.

Sau khi đất nước thái bình, tháng 4 năm Mậu Thìn 1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Thuận Thiên, khôi phục quốc hiệu Đại Việt và lập nên vương triều Hậu Lê kéo dài hơn 360 năm. Đây là thời kỳ nước Đại Việt được hồi sinh và trở thành một quốc gia cường thịnh vào bậc nhất ở Đông Nam Á nửa sau thế kỷ XV.

Trong 6 năm ở ngôi Hoàng đế, Lê Thái Tổ cho xây dựng một nhà nước trung ương tập quyền vững mạnh, ban hành nhiều chính sách tiến bộ về ruộng đất, phát triển công thương nghiệp, cho lưu hành tiền tệ, đẩy mạnh giáo dục và lựa chọn hiện tại, mở rộng ban giao, giữ yên bờ cõi. Nhờ đó nước đại Việt vào thời hậu Lê đã trở nên thái bình thịnh trị nhân dân được cuộc sống yên vui, hạnh phúc.

Sau khi lên ngôi, Vua Lê Thái Tổ chọn đất Lam Sơn là nơi thờ cúng tổ tiên, nơi an nghỉ của các vua và hoàng hậu. Song hành cùng Đông Kinh - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước dưới thời hậu Lê - Lam Kinh hay còn có tên gọi khác là Tây Kinh (nay là Di tích Lịch sử Quốc gia Đặc biệt Lam Kinh) trở thành vùng đất thiêng, nơi mỗi người hướng về cội nguồn với lòng tôn kính, ngưỡng vọng và tri ân các bậc tiền nhân, tiên tổ.

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Di tích Lịch sử Quốc gia Đặc biệt Lam Kinh được dành nhiều nguồn lực đầu tư phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị. Nhiều hạng mục công trình được phục dựng như các tòa Thái miếu, Nghinh môn, Chính điện, hệ thống các lăng mộ, nhà bia, đường tham quan, đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai, đền thờ vua Lê Thái Tổ...

Trải qua gần 600 năm tồn tại, Di tích Lịch sử Quốc gia Đặc biệt Lam Kinh trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách gần xa/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục