Lễ hội Kỳ yên đình Tân An - di sản văn hóa đặc sắc của Bình Dương

Lễ hội Kỳ yên đình Tân An là minh chứng lịch sử về quá trình khai hoang lập ấp của cư dân địa phương, thể hiện văn hóa đặc trưng của cư dân gốc nông nghiệp và đạo lý "uống nước nhớ nguồn."
Một nghi lễ trong Lễ hội Kỳ yên đình Tân An. (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN)

Đình Tân An (còn gọi là đình Bến Thế), nằm bên sông Sài Gòn, thuộc địa phận thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, ra đời cùng năm 1820 với quá trình khai hoang mở đất lập làng của lưu dân người Việt trên vùng đất này vào đầu thế kỷ XIX.

Đình đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia vào năm 2014.

Hàng năm vào tháng Mười Một Âm lịch, giống như các đình làng khác ở Nam Bộ, lễ hội Kỳ yên đình Tân An diễn ra hàng năm để tưởng nhớ các bậc tiền bối đã có công khai phá lập nên xóm làng, những vị có công với đất nước trong việc mở mang bờ cõi và cầu cho “quốc thái dân an,” “mưa thuận gió hòa.”

Lễ hội Kỳ yên đình Tân An là minh chứng lịch sử về quá trình mở cõi về phương Nam, khai hoang lập ấp của cư dân địa phương. Bên cạnh đó, lễ hội thể hiện văn hóa đặc trưng của cư dân gốc nông nghiệp, cầu cho mưa thuận gió hòa, đất đai tươi tốt, mùa màng bội thu…; thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây.

[Bình Dương có thêm một Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia]

 Thực hành lễ hội là cách để người dân bày tỏ lòng tri ân đối với các vị Thần đã có công bảo vệ, phù hộ xóm làng, tri ân các vị Tiền Hiền, Hậu Hiền, các anh linh liệt sĩ có công bảo vệ quê hương, đất nước. Ngôi đình không chỉ thỏa mãn nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng, mà còn là không gian sinh hoạt văn hóa của người dân địa phương.

Thực hành lễ hội thể hiện tính đoàn kết cộng đồng, phản ánh tính cách người dân Nam Bộ và tính tự chủ của cộng đồng địa phương. Tham gia vào các công việc của đình làng, lễ hội là cả cộng đồng, không phân biệt nam nữ, thể hiện sự bình đẳng giới trong xã hội mới.

Vào các năm Sửu, Dần, Thìn, Tỵ, Mùi, Thân, Tuất, Hợi, đình Tân An tổ chức lễ hội Kỳ yên với quy mô nhỏ, chỉ diễn ra trong 1 ngày (ngày 15-11 âm lịch). Cứ 3 năm đáo lệ, vào các năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu, đình Tân An tổ chức lễ hội Kỳ yên với quy mô lớn, kéo dài trong 3 ngày (từ ngày 14 đến 16-11 âm lịch), có đoàn hát bội biểu diễn phục vụ bà con hàng đêm.

Nghi thức cúng tế trong lễ Kỳ yên hàng năm bao gồm lễ Thỉnh sắc, Cúng thần an vị, tế Hậu Bối-Chiến sỹ và Đưa sắc; ngoài ra cứ 3 năm đáo lệ, lễ hội sẽ có thêm các nghi lễ Thỉnh sanh, Túc yết, Đàn cả, Xây chầu, Đại bội, Tôn vương và diễn tuồng hát Bội.

Hát Bội trong cúng đình không đơn thuần là trò diễn văn nghệ giúp vui cho bà con, cái chính là để thực hiện nghi lễ dâng Thần, vì vậy phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt những quy phạm mang tính chính thống. Các đào kép biểu diễn phải nghiêm túc, thành kính và thực hiện dưới sự giám sát của người cầm chầu.

Việc cầm chầu hát ở đình rất quan trọng, dân gian cho rằng, đó là người đại diện cho Thần, cho dân làng để phê phán, khen chê người hát Bội thông qua tiếng trống chầu. Vì vậy, người cầm chầu đòi hỏi phải am hiểu nội dung, bài bản, hình thức cầm chầu và phải công tâm để đánh trống khen, chê đúng người, đúng việc, không buồn lòng người diễn và thỏa lòng thưởng thức của người dân.

Lễ hội Kỳ yên đình Tân An đến nay về cơ bản vẫn được người dân địa phương bảo lưu, thực hành đầy đủ và khá trọn vẹn. Hàng năm, vào dịp lễ hội Kỳ yên, đình Tân An thu hút hàng nghìn lượt người trong và ngoài địa phương tham gia. Đặc biệt, nhiều người dân địa phương đi làm ăn xa nhưng đến kỳ lễ hội đều tranh thủ trở về dự lễ.

Ngày 12/1/2022, Lễ hội Kỳ yên đình Tân An đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Điều đó chứng tỏ, những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đình Tân An có giá trị rất lớn, thể hiện bản sắc văn hóa của địa phương, phản ánh sự đa dạng văn hóa và sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục