Ngày 27/4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Lý Sơn tổ chức Lễ đón Bằng công nhận Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia Lễ hội Đua Thuyền Tứ Linh.
Sự kiện thu hút đông đảo người dân địa phương cùng du khách.
Lễ hội đua thuyền Tứ Linh (Long, Ly, Quy, Phụng) trên đất đảo tiền tiêu Lý Sơn có từ lâu đời, trải qua hàng trăm năm.
Theo văn tế tiền hiền, lần tổ chức lễ hội đầu tiên diễn ra vào năm 1826. Từ đó đến nay, hằng năm, cứ vào dịp Tết cổ truyền, lễ hội đua thuyền Tứ Linh lại được tổ chức nhằm mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng xanh tốt; cầu thần linh phù trợ cho xóm làng bình yên; tri ân các vị tiền nhân có công khai khẩn, mở mang, xây dựng vùng đất này cũng như tưởng nhớ đến đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa dong buồm ra khơi dựng bia cắm mốc chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc, ứng với hai câu ca lưu truyền khá nổi tiếng là "Mùng bốn có hội đua ghe, cho đến mùng bảy bắt phe dồi bòng."
[Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa: Bằng chứng khẳng định chủ quyền Việt Nam]
Nhằm gìn giữ, bảo tồn, phát huy lễ hội lên tầm cao mới, nhiều năm qua, Ủy ban Nhân dân huyện Lý Sơn đã tổ chức nhiều đợt điều tra, khảo sát, nghiên cứu để lập hồ sơ khoa học đề nghị công nhận lễ hội này là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Tháng 9/2020, mục tiêu này đã thành hiện thực khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa Lễ hội Đua Thuyền Tứ Linh vào danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.
Như vậy, tính tới thời điểm hiện tại, huyện Lý Sơn đã có hai lễ hội được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia gồm Lễ hội đua thuyền Tứ Linh và lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa (công nhận năm 2013).
Điều này mở ra nhiều cơ hội trong việc phát triển du lịch gắn liền với yếu tố tìm hiểu giá trị văn hóa, con người vốn được xem là tiềm năng của địa phương này./.