Trong 2 ngày 1 và 2/3 (tức ngày 14 và 15 tháng Giêng), Lễ hội Đền Vua Mai đã diễn ra tại xã Vân Diên, huyện Nam Đàn (Nghệ An).
Vua Mai tên thật là Mai Thúc Loan vốn gốc người làng Mai Phụ (nay thuộc xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh), sinh ra và lớn lên, trưởng thành tại thôn Ngọc Trừng, xã Đông Liệt (nay là xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, Nghệ An).
Ông sớm mồ côi cha mẹ nên phải đi ở từ thuở nhỏ nhưng nhờ có sức vóc khỏe mạnh, thông minh, tài trí hơn người lại đặc biệt giỏi võ nghệ nên sớm nổi tiếng trong vùng. Khi Mai Thúc Loan lớn lên cũng là lúc nhà Đường thống trị nước ta, chúng đã đặt ra lệ cống nạp sản vật, áp bức nhân dân hết sức nặng nề.
Thấu hiểu được nỗi cơ cực, uất ức của người dân mất nước, Mai Thúc Loan đã dũng cảm đứng lên lãnh đạo nhân dân nổi dậy làm nên cuộc khởi nghĩa ở Đụn Sơn, sau đó bùng nổ, lan rộng khắp trên phạm vi cả nước, quét sạch lũ xâm lược ra khỏi bờ cõi.
Năm 713, Mai Thúc Loan được nhân dân suy tôn lên làm Vua và xưng Đế, Triều đình Vạn An ra đời.
Sau khi Triều đình Vạn An ra đời chưa được bao lâu, nhà Đường tiếp tục đem quân ồ ạt xâm lược nước ta. Do thế giặc mạnh, giữa lúc đó Mai Thánh Đại Đế lại lâm bệnh nặng và qua đời, Mai Thiếu Đế và các tướng sỹ không đủ sức giữ thành quả thắng lợi lâu dài nên cuối cùng bị giặc phương Bắc thống trị trở lại.
Lễ hội Đền Vua Mai là dịp để người dân ôn lại khí thế hào hùng, tinh thần bất khuất của cuộc khởi nghĩa Hoan Châu đánh bại quân xâm lược nhà Đường, xây dựng nước Vạn An độc lập trong suốt 10 năm (từ năm 713 đến năm 722), qua đó nhằm giáo dục truyền thống tốt đẹp về sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc để tăng thêm niềm tự hào, lòng yêu đất nước cho thế hệ trẻ.
Với việc tổ chức lễ hội, huyện Nam Đàn đón du khách về tìm hiểu, tham quan, thưởng ngoạn các giá trị văn hóa thông qua hệ thống di tích đền, lăng, miếu Vua Mai và các di tích, danh thắng khác trên địa bàn nhằm phát huy văn hóa truyền thống và phong tục tập quán tốt đẹp của địa phương, từ đó phát triển du lịch tại huyện.
Về với lễ hội Đền Vua Mai, nhân dân và du khách thập phương sẽ được hòa mình trong những hoạt động mang đậm bản sắc vùng “địa linh nhân kiệt” như: lễ rước nước, lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ dâng hương tưởng niệm Vua Mai, lễ đại tế, lễ thả đèn hoa đăng…
Ngoài ra, người dân huyện Nam Đàn còn tổ chức hội thi làm “Cỗ xôi gà” tươm tất để dâng lên Vua Mai và các nghĩa quân; hội diễn văn nghệ quần chúng, các tiết mục dân ca, ví dặm với chủ đề ca ngợi công đức Vua Mai, ca ngợi quê hương đất nước...
Lễ hội Đền Vua Mai diễn ra đến ngày 2/3 (tức ngày 15 tháng Giêng) ./.