Lễ hội Cầu Ngư Đà Nẵng được xem là lễ trọng lớn nhất trong năm của ngư dân vùng biển, thể hiện bản sắc văn hóa dân gian và phát huy giá trị văn hóa biển Việt Nam.
Lễ hội Cầu ngư gắn với tín ngưỡng thờ cúng Thần Nam Hải lấy hình tượng cá Ông - vị thần biển hộ mệnh của ngư dân, bày tỏ khát vọng một năm “trời yên biển lặng, thuận buồm xuôi gió, tôm cá đầy khoang.”
Lễ hội Cầu Ngư còn có tên gọi khác là lễ hội Cá Ông hoặc lễ tế Cá Voi, thường diễn ra hằng năm sau Tết Nguyên Đán.
Lễ hội Cầu Ngư được tổ chức tại các vùng ven biển như Mân Thái, Hòa Hiệp, Thọ Quang, Xuân Hà, Thanh Lộc Đán,… Lễ hội Cầu Ngư Đà Nẵng sẽ là dịp thích hợp để du khách vừa kết hợp du lịch vừa khám phá văn hóa vùng miền và tham gia các hoạt động lễ hội đặc sắc.
Theo truyền thuyết ngư dân kể lại, vào thế kỷ 18, trong một trận chiến, chúa Nguyễn Ánh có nguy cơ bị bắt. Ông đã thành tâm gửi lời nguyện cầu lên các vị thần mở cho mình một con đường để trốn thoát.
Đúng vào lúc đó, có 2 con cá voi phóng lên khỏi mặt nước biển, giúp thuyền của Nguyễn Ánh thoát khỏi vòng vây một cách thần kỳ.
Sau này khi đã lên ngôi, vì muốn tỏ lòng biết ơn, chúa Nguyễn Ánh đã tuyên bố mọi loài cá voi sinh sống ở vùng biển Việt Nam đều phải được tôn thờ và kính trọng như một vị thần. Nguồn gốc ra đời của lễ hội Cầu Ngư cũng bắt nguồn từ đó.
Lễ hội Cầu ngư ở Đà Nẵng không chỉ mang ý nghĩa tâm linh-tín ngưỡng mà còn là một nét văn hóa đặc trưng của ngư dân ven biển miền Trung, là cách để bà con ngư dân bày tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân, đồng thời mong muốn cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống của mọi người luôn đủ đầy, ấm no hạnh phúc.
Lễ hội cầu ngư còn là nguồn sử liệu, là bằng chứng xác thực về chủ quyền biển đảo và kinh nghiệm ứng xử với biển đảo của các thế hệ người Việt Nam.
Năm 2019, lễ hội Cầu ngư thành phố Đà Nẵng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội Cầu Ngư Đà Nẵng bao gồm hai phần quan trọng là phần lễ và phần hội. Phần lễ được diễn ra trong 2 ngày. Ở ngày đầu tiên là nghi thức thiết lễ tiên thường, sang ngày thứ 2 là lễ tế chính thức.
Điểm đặc biệt nhất ở phần lễ là khu vực bàn thờ chính được bày biện và trang hoàng vô cùng trang nghiêm và lộng lẫy. Ngoài ra, mỗi nhà của ngư dân cũng đều đặt một bàn hương án nhỏ để bày đồ lễ cúng. Phía xa ngoài biển, những chiếc tàu thuyền được chăng đèn kết hoa khiến không khí lễ hội càng trở nên rực rỡ, sắc màu.
Đối với các nghi lễ chính, vị chánh bái (vị cao niên có uy tín ở làng chài, không mắc tang chế) sẽ thay mặt người dân dâng đồ tế lễ và đọc văn tế thể hiện lòng biết ơn của ngư dân đối với công đức của Cá Ông và gửi gắm ước nguyện mong có một mùa đánh bắt mới bội thu, trời yên biển lặng, thuyền bè ra khơi đều bình an quay về.
Phần hội chính là phần được người dân lẫn du khách mong chờ nhất. Mở màn là cuộc thi đua thuyền truyền thống náo nhiệt dưới sự cổ vũ và tiếng hò reo phấn khích của dân làng và du khách.
Tiếp nối cuộc thi đua thuyền là những trò chơi dân gian cũng không kém phần thú vị như lắc thúng, thi bơi lội, kéo co, đá bóng… và các chương trình văn nghệ thể hiện đậm nét văn hóa của người dân nơi đây như hát tuồng, hát hò khoan.
Tiết mục múa hát bả trạo (bả: nắm, trạo: chèo đò) được xem là hình thức múa hát đặc trưng nhất của lễ hội Cầu Ngư Đà Nẵng, mang ý nghĩa diễn tả tinh thần đùm bọc, đoàn kết giữa các thành viên ở trên một con thuyền, cùng nhau vượt qua sóng to gió lớn để mang về mùa cá bội thu cho ngư dân.
Năm 2023, Lễ hội Cầu ngư quận Thanh Khê, Đà Nẵng diễn ra từ ngày 8-10/2 gồm các nghi lễ truyền thống và nhiều hoạt động hội mang đậm tính dân gian của làng chài cùng những môn thể thao vận động trên biển.
Từ sáng sớm, nghi lễ rước Nghinh thần được diễn ra trang trọng trước biển Nguyễn Tất Thành do các cụ cao niên trong quận Thanh Khê làm chủ lễ. Đông đảo người dân địa phương trong các trang phục áo dài khăn đóng, đoàn hát bả trạo, đội kèn, trống, đội cờ tham gia đoàn rước kiệu Nghinh thần từ bờ biển về tại khu vực làm lễ chính.
Tại lễ tế chính, các vị trưởng lễ cùng đại diện chính quyền địa phương, người dân đã dâng hương kính cáo các chư thần để cầu an, cầu ngư.
Ông Lê Phước Trung, đại diện cho các bô lão ở phường Thanh Khê Đông tham gia chủ lễ, cho biết lễ hội được tổ chức để cầu cho một năm “Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, ngư dân bội thu.” Các phần nghi lễ vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống.
Năm nay, Lễ hội được tổ chức quy mô hơn với dự tham gia của đông đảo người dân các phường. Chị Lê Thị Mua (phường Xuân Hà) cho biết năm nào chị và gia đình cũng tham gia Lễ hội Cầu ngư để trưng bày, bán các sản phẩm thủy sản của ngư dân trong phường đánh bắt được.
Ngoài ra, chị và các thành viên trong gia đình còn tham gia các hoạt động như thi ẩm thực, thể thao. Lễ hội Cầu ngư mang nhiều ý nghĩa, giúp gắn kết người dân địa phương.
Ngoài ra, tại đây còn có các gian trưng bày như mô hình, hình ảnh với chủ đề “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam;” sản phẩm thủy hải sản và các sản phẩm chế biến từ thủy hải sản của người dân ba phường ven biển; sản phẩm đặc trưng của 10 phường trên địa bàn quận.
Du khách Dương Đức Hiệp (đến từ thành phố Hà Nội) cho rằng đây là lễ hội văn hóa truyền thống độc đáo của ngư dân vùng biển của Việt Nam. Sự kiện được tổ chức giúp người dân các tỉnh, thành phố và khách du lịch tìm hiểu thêm về văn hóa truyền thống của địa phương.
Theo ông Nguyễn Hữu Công, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Thanh Khê (Đà Nẵng), Trưởng Ban Tổ chức lễ hội, việc bảo tồn và phát huy lễ hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần bảo tồn các giá trị về tín ngưỡng, văn hóa, nghệ thuật, đồng thời đề cao giá trị gắn kết cộng đồng trong đời sống hiện đại, điểm hẹn văn hóa đặc sắc cho du khách muốn tìm hiểu, trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương./.
Lễ hội Cầu ngư tại Đà Nẵng: Mong trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang