Trong khuôn khổ các hoạt động Lễ hội càphê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019, chiều 11/3, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc trình diễn đúc cồng chiêng của người Êđê, một hoạt động văn hóa đặc sắc trong dịp lễ hội.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Đặng Gia Duẩn cho biết, hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng chưa có nghệ nhân nào biết đúc chiêng và chưa có hộ gia đình, doanh nghiệp nào đứng ra mở cơ sở nghề, truyền nghề đúc chiêng.
Việc bảo vệ cồng chiêng, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đang đứng trước những nguy cơ, thách thức lớn.
[Cùng đắm chìm trong không gian văn hóa vô cùng hấp dẫn của Tây Nguyên]
Lễ trình diễn đúc cồng chiêng của người Êđê nhằm tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá đến nhân dân, bạn bè, du khách trong nước và quốc tế về Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, về nguồn gốc, giá trị, ý nghĩa lịch sử ra đời của những bộ chiêng quý, đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Đây cũng là dịp giới thiệu đến nhân dân, du khách về nghề đúc chiêng truyền thống do các nghệ nhân đến từ làng đúc đồng Phước Kiều, tỉnh Quảng Nam trình diễn.
Làng đúc đồng Phước Kiều có từ đầu thứ kỷ 17 và đã phát triển trên 400 năm qua. Làng nghề đã cung cấp hơn 4.000 bộ chiêng các loại cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên như Êđê, Ba Na, Jrai, Xê Đăng, M’nông, Mạ, Chu Ru… góp phần tích cực trong việc bảo tồn và phát huy di sản “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.”
Theo Nghệ nhân ưu tú Dương Ngọc Tiển, làng đúc đồng Phước Kiều, tỉnh Quảng Nam, để đúc được cồng chiêng thường có 10 bước cơ bản. Đầu tiên là làm khuôn trong và khuôn ngoài từ các nguyên liệu đất sét, trấu, đất thịt.
Sau khi làm khuôn xong, để có thể đúc được, người thợ phải pha chế hợp kim gồm đồng, thiếc, kẽm; sau đó nấu cho hợp kim chảy loãng, khi thấy độ tinh thì đổ hợp kim nóng chảy vào khuôn. Hợp kim sau khi nấu được đổ vào khuôn đã tinh đặc, tháo khuôn ra sẽ được phôi cồng chiêng. Qua các bước gia công, làm sạch, so âm, thẩm âm, bôi hóa chất sẽ có bộ cồng chiêng hoàn chỉnh.
Nghệ nhân ưu tú Dương Ngọc Tiển nhấn mạnh, hiện nay làng nghề chỉ còn 3 nghệ nhân biết đúc cồng chiêng Tây Nguyên và cả 3 nghệ nhân đã trên 60 tuổi. Đây cũng là nỗi trăn trở của những nghệ nhân làng nghề về lưu giữ, phát huy nghề truyền thống đã có từ lâu đời.
Hoạt động trình diễn diễn ra trong ba ngày 11-13/3, xen lẫn là các tiết mục văn nghệ của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, đánh cồng chiêng, thu hút sự tham quan, theo dõi của đông đảo du khách và người dân.
Chị Huỳnh Thị Linh (xã Bình Thuận, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) phấn khởi cho biết, là người con của núi rừng Tây Nguyên, đã nhiều lần nghe đánh cồng chiêng nhưng đến mùa lễ hội này, chị mới biết quá trình đúc nên được một chiếc cồng chiêng. Qua đó, chị cảm thấy khâm phục sự khéo léo của các nghệ nhân và yêu hơn bản sắc văn hóa của vùng đất Tây Nguyên, yêu hơn lễ hội càphê Buôn Ma Thuột – một lễ hội đặc trưng của cao nguyên Đắk Lắk hai năm tổ chức một lần./.