Lễ hội Bạch Đằng ở Quảng Ninh: Tri ân các bậc tiền nhân có công với đất nước

Chủ tịch UBND thị xã Quảng Yên nhấn mạnh Lễ hội truyền thống Bạch Đằng là dịp thể hiện lòng tri ân của hậu thế đối với tiền nhân và các vị Anh hùng dân tộc đã có công lao to lớn với đất nước, với dân.

Ông Đỗ Xuân Điệp, Phó Bí thư Thường trực UBND thị xã Quảng Yên gióng trống khai hội. (Ảnh: Đức Hiếu/TTXVN)
Ông Đỗ Xuân Điệp, Phó Bí thư Thường trực UBND thị xã Quảng Yên gióng trống khai hội. (Ảnh: Đức Hiếu/TTXVN)

Ngày 14/4, tại Khu di tích Quốc gia Đặc biệt Bạch Đằng, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, Lễ hội Bạch Đằng đã được khai mạc, nhân kỷ niệm 1086 năm (938-2024); 1043 năm (981-2024) và 736 năm (1288-2024) chiến thắng Bạch Đằng.

Lễ hội Bạch Đằng diễn ra từ 14-17/4 (tức 6/3 đến 9/3 Âm lịch).

Đêm khai mạc diễn ra trang nghiêm với nghi lễ dâng hương tại đền thờ Trần Hưng Đạo và miếu Vua Bà trong Khu di tích Quốc gia Đặc biệt Bạch Đằng; gióng trống khai hội, màn trống hội; chương trình nghệ thuật đặc sắc “Bạch Đằng-Khúc tráng ca” tái hiện lại chiến thắng Bạch Đằng; ôn lại lịch sử, truyền thống và những chiến tích lẫy lừng của cha ông trên dòng sông Bạch Đằng; thả đèn hoa đăng tại bến đò cổ.

Xuyên suốt Lễ hội Bạch Đằng với nhiều hoạt động hấp dẫn như rước tượng Đức thánh Trần theo nghi lễ truyền thống từ đền Trần Hưng Đạo về đình Yên Giang và ngược lại; lễ tế Yết; chương trình văn hóa văn nghệ phục vụ nhân dân và du khách; các giải thể thao truyền thống; tế giã hội.

Ông Trần Đức Thắng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Quảng Yên nhấn mạnh Lễ hội truyền thống Bạch Đằng là dịp thể hiện lòng tri ân của hậu thế đối với tiền nhân và các vị anh hùng dân tộc đã có công lao to lớn với đất nước, với nhân dân. Đây cũng là sự kiện quan trọng của thị xã Quảng Yên hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2024; chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954-07/5/2024).

Nhận thức được những giá trị và tầm quan trọng của di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng, những năm qua, quần thể Khu di tích luôn được tỉnh Quảng Ninh và thị xã Quảng Yên quan tâm đặc biệt, đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị.

Ông Trần Đức Thắng cho biết thêm năm 2023, thị xã Quảng Yên lập hồ sơ đưa các điểm của Di tích Quốc gia Đặc biệt Bạch Đằng vào hồ sơ Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.

Để phát huy giá trị Khu di tích Quốc gia Đặc biệt Bạch Đằng và tri ân các bậc tiền nhân đã có công chống giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi, hiện nay, thị xã Quảng Yên đang khẩn trương điều chỉnh quy hoạch chi tiết và đề xuất đầu tư tiếp giai đoạn II dự án bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Quốc gia Đặc biệt Bạch Đằng. Đồng thời, thị xã sớm đưa quần thể Khu di tích này trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn của tỉnh Quảng Ninh. Qua đó tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử của dân tộc, truyền thống Bạch Đằng, truyền thống yêu nước, khát vọng hòa bình, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, để chung tay kiến thiết đất nước, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

ttxvn_khai_hoi_bach_dang.jpg
Bên trong đền thờ miếu Vua Bà. (Ảnh: Đức Hiếu/TTXVN)

Sông Bạch Đằng, đã trở thành dòng sông lịch sử, cọc Bạch Đằng trở thành biểu tượng truyền thống đánh giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Nơi đây dân tộc ta đã ba lần viết lên những trang sử hào hùng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Năm 938, Ngô Quyền chỉ huy quân dân ta đánh tan quân Nam Hán, kết thúc 1.000 năm Bắc thuộc, khẳng định độc lập chủ quyền của đất nước, đè bẹp ý chí xâm lược của nhà Nam Hán; khẳng định đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Ngô Quyền - người anh hùng của chiến thắng oanh liệt trên sông Bạch Đằng năm 938 đã trở thành vị vua có “công tái tạo, vua của các vua,” xứng đáng là “vị tổ trung hưng” của dân tộc Việt Nam.

Năm 981, dưới sự chỉ huy của Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn, quân và dân ta đã đánh bại quân xâm lược nhà Tống, bảo vệ vững chắc bờ cõi nước nhà. Đại thắng Bạch Đằng năm 981 đã khiến nhà Tống phải kính nể tài năng và bản lĩnh của Tướng quân Lê Hoàn và công nhận ông là vua của Đại Cồ Việt.

Mùa Xuân năm Mậu Tý 1288, quân dân Đại Việt dưới sự chỉ huy của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cùng với Thái Thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông đã tiêu diệt, bắt sống toàn bộ đạo binh thuyền hùng mạnh của quân Nguyên Mông do Ô Mã Nhi chỉ huy, tiêu diệt 600 chiến thuyền và khoảng 6 vạn quân địch.

Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 là đỉnh cao chói lọi của sức mạnh và nghệ thuật quân sự của quân dân Đại Việt thế kỷ XIII, thể hiện tài thao lược của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, vị anh hùng kiệt xuất, nhà chiến lược lỗi lạc của dân tộc Việt Nam. Ông không chỉ được nhân dân Việt Nam tôn thờ như một bậc thánh nhân mà còn được thế giới công nhận là một trong những vị tướng giỏi nhất mọi thời đại.

Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 có một ý nghĩa lịch sử vĩ đại, thể hiện sức mạnh của toàn dân tộc, là mẫu mực của tinh thần “Cả nước đồng lòng,” của sức mạnh toàn dân, của những hồng đề anh hùng như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, của những quý tộc anh hùng như Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư… và của đông đảo những người lính anh hùng khắc trên cánh tay hai chữ “sát thát.”

Từ thắng lợi vĩ đại của trận Bạch Đằng năm 1288, các thế hệ người Việt Nam luôn tự hào một nước nhỏ nhưng có sức mạnh đánh bại cuộc xâm lược của các nước lớn và mạnh nhất thời bấy giờ. Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã rút ra những bài học sâu sắc, tư tưởng quân sự chiến lược để chiến thắng giặc ngoại xâm trong bối cảnh như vậy.

Qua cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông thắng lợi, Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đã đưa tư tưởng và nghệ thuật quân sự của loại hình chiến tranh nhân dân phát triển đạt đến đỉnh cao, là nền tảng cho việc xây dựng quân đội nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 đã để lại nhiều bài học quân sự sâu sắc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục