Lễ đặt tên kho nổi chứa dầu "PTSC Lam Sơn" tại Singapore

"PTSC Lam Sơn" được thiết kế với sức chứa tối thiểu 350.000 thùng dầu, có khả năng xử lý 18.000 thùng/ngày và làm việc liên tục trên 10 năm tại mỏ.
Con tàu PTSC Lam Sơn trước khi cắt băng đặt tên tại cảng của Singapore. (Ảnh: Lê Hải/Vietnam+)

Chiều 8/3, Nhà máy đóng tàu Keppel của Singapore và Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) đã cùng các đối tác tổ chức lễ đặt tên "PTSC Lam Sơn" cho kho nổi, xử lý, chứa và xuất dầu phục vụ dự án phát triển mỏ Thăng Long-Đông Đô ngoài khơi Việt Nam của Công ty Điều hành chung Lam Sơn.

Đây là dự án hoán cải, nâng cấp từ tàu chứa dầu thành kho nổi, xử lý, chứa và xuất dầu (FPSO) với tổng giá trị đầu tư lên tới hơn 400 triệu USD.

Lần đầu tiên một nhà thầu Việt Nam (PTSC) tự đứng ra thực hiện tất cả các khâu, từ thu xếp vốn dự án, thiết kế, mua sắm, sửa chữa, hoán cải, chạy thử, vận chuyển, lắp đặt ngoài khơi, đến vận hành, bảo dưỡng trong suốt thời gian hợp đồng thuê tàu.

Nhiều hạng mục của dự án được thực hiện tại Nhà máy đóng tàu Keppel của Singapore.

"PTSC Lam Sơn" được thiết kế với sức chứa tối thiểu 350.000 thùng dầu, có khả năng xử lý 18.000 thùng/ngày và làm việc liên tục trên 10 năm tại mỏ.

Hệ thống công nghệ xử lý, lọc tách dầu thô, bao gồm các hệ thống phát điện, nồi hơi, bồn tách/lọc, khí nén, nước/khí ép vỉa, cấp điện cho các giàn khai thác, đo đếm, neo..., các thiết bị an toàn/cứu sinh theo tiêu chuẩn quốc tế.

Ông Phan Thanh Tùng, Tổng Giám đốc PTSC, cho biết PTSC đứng ra nhận trách nhiệm tiếp quản dự án từ nhà thầu Fred Olsen Production (FOP) của Na Uy - công ty lớn thứ 4 thế giới tại thời điểm được trao thầu nhưng sau đó đã từ chối tiếp tục thực hiện dự án.

Việc PTSC tiếp quản toàn bộ dự án không những giúp cho dự án tránh khỏi đổ vỡ, khách hàng là Công ty Điều hành chung Lam Sơn (LSJOC) và các đối tác PVEP/Petronas không bị thiệt hại, mà còn đảm bảo kế hoạch khai thác phát triển mỏ của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Cho đến thời điểm này, dự án đã đi gần tới giai đoạn hoàn tất việc sửa chữa, hoán cải và đóng mới FPSO, đáp ứng đúng tiến độ mà khách hàng LSJOC đề ra là hoàn thành toàn bộ các hạng mục chính để tàu có thể rời bến về Việt Nam vào cuối tháng 3/2014.

"PTSC Lam Sơn" sau khi đươc sửa chữa và hoán cải đạt chất lượng quốc tế, được công ty đăng kiểm độc lập của Na Uy DNV và Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp giấy chứng nhận.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Michael Chia, Giám đốc điều hành phụ trách kỹ thuật của Tổng công ty Keppel Offshore & Marine, tuyên bố Kepple tự hào được đóng góp một phần vào dự án hoán cải tàu, điều đó chứng tỏ sự tin tưởng giữa Keppel, PTSC và LSJOC.

Ông Michael Chia tin tưởng rằng khi hoàn thành, kho nổi, xử lý, chứa và xuất dầu "PTSC Lam Sơn" sẽ đóng góp quan trọng vào ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam.

Ông Nguyễn Hùng Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam nêu rõ việc tổ chức thực hiện dự án này có ý nghĩa rất quan trọng đối với tổng công ty PTSC cũng như đối với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Đối với PTSC, dự án này đã giúp đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ quản lý, năng lực tổ chức điều hành các dự án lớn. Cùng với sự thành công của dự án là việc nâng cao năng lực dịch vụ, cơ sở vật chất để phục vụ việc khai thác dầu ở các mỏ trong nước.

Thành công dự án này đặt tiền đề để PTSC cũng như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam khẳng định chủ trương phát triển dịch vụ và sử dụng dịch vụ nội bộ cũng như mở rộng thị trường ra nước ngoài.

Thành công của dự án giúp cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đảm bảo sản lượng khai thác dầu, thực hiện thành công chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Dưới đây là một số hình ảnh về buổi lễ:

Ông Michael Chia (phải) trao chứng nhận cho ông Phùng Đắc Hải, Tổng Giám đốc Công ty Điều hành chung Lam Sơn.
Ông Michael Chia phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Lê Hải/Vietnam+)
Các đại biểu tham dự lễ đặt tên con tàu. (Ảnh: Lê Hải/Vietnam+)
(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục