Sáng 28/1, hàng nghìn du khách thập phương và các đại biểu đã nô nức về Đền Mẫu Âu Cơ để tham dự Lễ dâng hương tưởng nhớ, tri ân công đức Tổ Mẫu Âu Cơ theo nghi thức truyền thống.
Lễ dâng hương tưởng nhớ, tri ân công đức Tổ Mẫu Âu Cơ
Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ là một trong những lễ hội lớn, mở đầu cho nhiều hoạt động lễ hội đặc sắc trên địa bàn tỉnh Phú Thọ diễn ra trong dịp đầu Xuân.
Sáng 28/1 (tức mùng 7 tháng Giêng), tại xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) diễn ra Lễ dâng hương tưởng nhớ, tri ân công đức Tổ Mẫu Âu Cơ theo nghi thức truyền thống.
Ngay từ sáng sớm, hàng nghìn du khách thập phương và các đại biểu đã nô nức về Đền Mẫu Âu Cơ để tham dự ngày hội.
[Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ]
Mở đầu là lễ tế Thành hoàng làng và rước kiệu, rước lễ vật từ đình Đức Ông về Đền Mẫu Âu Cơ nhằm tri ân công đức Tổ Mẫu Âu Cơ, cầu mong Tổ Mẫu phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mọi người có cuộc sống ấm no, bình an, hạnh phúc.
Tại lễ khai hội, các đại biểu và đông đảo du khách thập phương đã được nghe chúc văn thành kính tri ân công đức Tổ Mẫu Âu Cơ, trong đó nhấn mạnh về huyền thoại Âu Cơ Lạc kết duyên với Đức Tổ Long Quân sinh ra một bọc trứng 100 trứng, nở thành 100 người con, 50 người con theo cha xuống biển, còn 50 người con theo mẹ Âu Cơ lên núi.
Trong hành trình đưa 50 người con lên thượng nguồn sông Hồng mở mang bờ cõi, Tổ Mẫu Âu Cơ đã dừng chân ở Hiền Lương, huyện Hạ Hòa.
Tại đây, mẹ Mẫu Âu Cơ thấy phong cảnh hữu tình, đất đai trù phú đã cho khai khẩn đất hoang, lập thôn ấp, dạy dân cấy lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải; biến vùng đất hoang sơ thành trù phú.
Sau phần chúc văn thành kính tri ân công đức Tổ Mẫu Âu Cơ là nghi thức Tế nữ quan.
Các cô gái thanh tân trong trang phục áo dài, đầu đội khăn kim tuyến, thắt lưng dải lụa, chân đi hài thêu cùng chủ tế nữ mặc bộ lễ phục màu đỏ thực hiện nghi thức tế lễ truyền thống.
Tổ Mẫu Âu Cơ trong đời sống tín ngưỡng Mẫu ở Việt Nam
Theo truyền thuyết, sau khi kết duyên với Lạc Long Quân, Âu Cơ sinh hạ bọc trăm trứng nở thành một trăm người con, là tổ tiên của Bách Việt.
Khi các con lớn lên, 50 người theo mẹ Âu Cơ lên núi, 50 người theo cha Lạc Long Quân xuống biển. Trong 50 người con theo mẹ, người con đầu lên nối ngôi vua, lấy niên hiệu Hùng Vương thứ nhất, đóng đô ở Phong Châu, truyền 18 đời vua Hùng trị vì đất nước.
Tương truyền Bà Âu Cơ cùng các con đi đến đâu cũng dạy dân cấy lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải. Đến khi giang sơn đã thu về một mối, bờ cõi biên cương được mở rộng, Người trở về với Hiền Lương gắn bó cuộc đời của mình.
Ký ức của người dân xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa từ bao đời còn nhớ các địa danh từ thuở xa xưa như gò Thị, gò Cây Dâu, giếng Loan, giếng Phượng... và họ nhớ ghi sâu sắc câu chuyện dải lụa đào Mẹ Âu Cơ để lại cho con cháu trước khi bay vào cõi Tiên sau dịp tết tưng bừng vào ngày mùng Bảy tháng giêng năm xưa.
Đó là nơi xây Đền Mẫu Âu Cơ hiện nay - ngôi nhà thiêng thờ Mẹ. Như bao bà mẹ, Mẹ Âu Cơ đã sản sinh ra nòi giống Tiên-Rồng và bao bọc, dạy dỗ, phù trì như cho các con của mình.
Mẹ dạy con cái định cư, làm nông nghiệp, tận dụng sức mạnh của đất đai mà trồng cấy, chăn nuôi để ổn định cuộc sống.
Mẹ sinh ra các con và nuôi dưỡng các con bằng sự quan tâm, bằng trí tuệ, tình yêu và lao động. Mẹ là ngọn nguồn của lòng bác ái, tinh thần đoàn kết tương trợ Anh-Em, Con-Cháu, đồng bào đồng bọc sinh ra, biết giúp nhau khi khó khăn hoạn nạn.
Mẹ sản sinh ra con người và tái sinh con người qua lao động, sáng tạo, truyền nghề. Đồng thời, Mẹ phù trì, dõi theo niềm vui trong cuộc sống, nỗi buồn hay những khó khăn do thiên tai, địch họa gây ra.
Như thế, cùng với niềm tin tín ngưỡng vào vạn vật hữu linh, tín ngưỡng tôn thờ các vị thần nguyên thủy, các vị thần nữ, khởi phát là Cha-Mẹ cội nguồn dân tộc ngày càng thấm đẫm vào đời sống dân gian.
Để tri ơn công đức Tổ Mẫu Âu Cơ, cách đây hơn 500 năm, vua Lê Thánh Tông đã phong thần và cho xây dựng Đền thờ Mẫu Âu Cơ tại xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ.
Đền Mẫu Âu Cơ đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia và tượng mẫu Âu Cơ là Bảo vật Quốc gia./.