Không gian làng dân tộc Ba Na tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội. Ngày 12/2, người Ba Na tái hiện lễ cưới của cặp trai gái bản mình nhằm giới thiệu nét văn hóa cổ truyền dân tộc Ba Na. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Từ sáng sớm, những người phụ nữ đã chuẩn bị nhiều vò rượu cần để phục vụ trong lễ cưới. Trai gái Ba Na đến tuổi trưởng thành được tự do lựa chọn bạn đời. Anh Đinh Mỡi, cán bộ Trung tâm Văn hóa Thông tin huyện K'Bang, tỉnh Gia Lai cho hay người Ba Na không quan trọng giàu nghèo, họ chỉ cần tìm người chồng/vợ trung thực, siêng năng, khỏe mạnh. Họ duy trì chế độ hôn nhân một vợ, một chồng. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Trai gái dựng vợ gả chồng cần tìm đến ông mối. Khi ông mối xét họ tình nguyện đến với nhau, không có quan hệ họ hàng, thì ông mối chấp thuận cuộc hôn nhân này. Lễ cưới có sự chứng kiến của dân làng. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Những vật dụng chuẩn bị trong lễ cưới. Ngoài rượu cần, heo, gà, nhất thiết phải có đôi khăn, cuộn chỉ... để đôi trai gái trao nhau ngày cưới. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Ông mối chuẩn bị treo các vật thiêng lên cột gưng. Trước sự chứng kiến của 2 gia đình, đôi trai gái lần lượt trao vòng (vòng nhôm hoặc vòng đồng) cho nhau. Người Ba Na thống nhất sau lễ trao vòng, đôi trai gái sẽ không được phép có quan hệ yêu đương khác nữa. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Những vật quan trọng trong lễ cưới có 2 xâu thịt heo và gan heo, 2 khăn choàng truyền thống của 2 bên gia đình treo trên 2 con dao gỗ. Theo quan niệm xưa nếu đôi trai gái xảy ra xích mích trong lễ cưới thì cô gái phải lấy khăn choàng đó treo cổ, chàng trai phải lấy dao tự đâm mình. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Ông mối đọc lời thề rằng nếu chàng trai bỏ cô gái hoặc ngược lại, sẽ phải đền một con trâu, một tạ heo và 50 ché rượu. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Điều đặc biệt trong lễ cưới của người Ba Na là mọi người sẽ mang theo nến và cố giữ ngọn nến không tắt để chúc phúc. Đêm tân hôn, cô dâu và chú rể cũng sẽ thức để giữ lửa. Ai đi ngủ trước sẽ bị xem là yểu mệnh. Khi gà gáy sáng, họ mới đi ngủ. Việc thức cùng nhau cả đêm tượng trưng cho sự đồng hành cùng nhau đến cuối đời. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Ngọn nến sáp ong trên cột gưng được duy trì suốt cả lễ cưới, đây là biểu tượng của tình yêu vĩnh cửu. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Hôn lễ được cử hành tại nhà gái trước, sau đó lễ chính tại nhà rông, dân làng cùng uống chung ché rượu cần, xem như công nhận cuộc hôn nhân này. Khi thủ tục hoàn thành, đôi trái gái ở bên nhà cô dâu trong 2 năm, sau đó chuyển sang ở nhà chú rể 2 năm, rồi lại lặp lại trình tự như vậy để tri ân hai bên bố mẹ. Khi thủ tục này kết thúc, đôi vợ chồng mới tự dựng nhà ở riêng. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Trai gái trong làng sẽ cùng nhảy múa để chúc phúc cho đôi vợ chồng mới cưới. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Trai làng gióng lên những nhịp chiêng, trống mạnh mẽ để các cô gái tạo thành vòng xoang duyên dáng. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Những điệu múa sẽ kéo dài từ chiều đến đêm. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Lễ cưới là nghi lễ quan trọng trong đời sống văn hóa cộng đồng người Ba Na. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Ngày 12/2, người Ba Na từ Gia Lai đã về Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam để tái hiện nghi lễ độc đáo này. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
(Vietnam+)