Lễ cúng rừng - nét văn hóa độc đáo của người Lự ở Lai Châu

Lễ cúng rừng mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bản làng yên bình, ấm no, khẳng định sự hòa hợp giữa cộng đồng và thiên nhiên là nét văn hóa độc đáo của người Lự ở Lai Châu.
Thầy cúng đang thực hiện Lễ cúng rừng ở xã Bản Hon, huyện Tam Đường. (Ảnh: TTXVN)

Trên địa bàn tỉnh Lai Châu, người Lự cư trú tập trung tại các xã bản Hon, Nà Tăm, huyện Tam Đường; Nậm Tăm và một số xã vùng thấp của huyện Sìn Hồ. Cộng đồng người Lự vẫn còn lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống trong trang phục, ẩm thực, ngôn ngữ, kiến trúc và tín ngưỡng.

Cúng rừng (hay còn gọi là “Căm nung”) của người Lự là một trong những nét văn hóa độc đáo, được lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Với quan niệm núi rừng là linh hồn của vạn vật, bảo vệ, che chở cho con người tồn tại và phát triển, là nơi trú ngụ của các đấng siêu nhiên nên hàng năm, vào dịp 3/3 và 6/6 âm lịch, người Lự thường tổ chức lễ cúng rừng mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bản làng yên bình, đời sống người dân ấm no; qua đó khẳng định sự hòa hợp của cộng đồng với thiên nhiên.

Lễ cúng rừng hội tụ nhiều sắc màu văn hóa đặc sắc của dân tộc, không có lợi dụng mê tín dị đoan, thường được người Lự tổ chức trong 3 ngày (phần lễ diễn ra 1 ngày và phần hội tổ chức trong 2 ngày).

Người Lự chuẩn bị chu đáo cho lễ cúng rừng từ việc chọn thầy cúng tới đồ tế lễ. Lễ cúng do năm người đàn ông tiến hành (gồm 1 thầy cúng chính và 4 thầy phụ cúng), thường là những người mạnh khỏe, có uy tín trong cộng đồng.

Để lựa chọn được những người trực tiếp cúng thần rừng, người dân sẽ cho mỗi người bốc một nhúm gạo, sau đó đếm, chọn 5 người có số hạt chẵn lớn nhất được bầu làm thầy cúng.

Hình thức tuyển người này tiếng Lự gọi là “kiếp khẩu," được lưu truyền từ nhiều thế hệ, nhằm đảm bảo tính công bằng trong cộng đồng mỗi khi cần tuyển lựa người có uy tín, đảm đương công việc mà cộng đồng giao phó.

Đồ cúng tế trong lễ cúng rừng là những sản vật do người dân trong bản tăng gia sản xuất và được chuẩn bị chu đáo như một con lợn đen, sáu con gà trống, rượu trắng và một số thực phẩm khác.

[Cúng Rừng - nét văn hóa độc đáo của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên]

Chỉ những người đàn ông mới được tham dự Lễ cúng rừng. (Ảnh: TTXVN phát)

Các nhóm hộ trong bản được giao luân phiên chuẩn bị đồ cúng tế. Qua đó, mọi người đều thấy được trọng trách của mình, tăng tính cấu kết cộng đồng qua lễ cúng rừng thiêng.

Trong quá trình chế biến đồ cúng tế, tuyệt đối không được dùng ớt làm gia vị, cơm không được nấu cháy, rượu không để bị khê. Người Lự quan niệm, nếu phạm những điều này, vụ lúa của bản sẽ thất bát do sâu bệnh hại, người vi phạm các điều cấm này sẽ bị dân bản phạt vạ.

Trong quá trình làm cỗ cúng thần rừng, sau khi cắt tiết gà, tiết lợn, một phần tiết sẽ được bôi lên các phên mắt cáo và treo nơi đầu bản và trước hiên nhà các hộ dân cùng với cành cây xanh - cảnh báo thời điểm kiêng người lạ ra vào bản.

Lễ cúng rừng thường được tổ chức ở khu vực rừng tự nhiên, rừng thiêng gần bản, nơi có nhiều cây gỗ lớn, gần nguồn nước và thuận tiện tiến hành các nghi lễ.

Lễ cúng bắt đầu từ khi mặt trời vừa lên và diễn ra không quá giờ ngọ với những luật tục kiêng kỵ rất khắt khe. Những người tham gia phục vụ và các thầy cúng được tuyển lựa kỹ, ăn mặc gọn gàng, không được để đầu trần, chân đất.

Thành phần tham gia lễ là đại diện các hộ dân trong bản và phải là con trai bất kỳ già hay trẻ.

Lễ cúng sống và cúng chín với những nghi thức thiêng liêng do chủ tế khởi hành, lời bài cúng thường mang hàm ý cảm tạ đất trời, thần linh và đấng siêu nhiên trú ngụ trong rừng thiêng của bản đã bảo vệ người dân thoát khỏi điều xấu, mùa màng bội thu, người người no ấm và mong vụ sau cũng nhiều thắng lợi.

Ông Tao Văn Thanh, bản Phiêng Lót, xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ cho biết: Sau khi hoàn tất việc cúng tế, đàn ông, trai tráng trong bản sẽ cùng vui liên hoan và không quên chia phần cho những người trong gia đình không được trực tiếp tham gia như người già, trẻ nhỏ, phụ nữ...

Trong buổi liên hoan ấm áp tình làng nghĩa xóm ấy, mọi người cùng bàn về sản xuất trong mùa tới, cách bảo vệ, phát triển rừng và không vi phạm hương ước của bản.

Tiếp đó, người dân trong bản từ người già đến nam thanh nữ tú, trẻ em sẽ mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình cùng tham gia các trò chơi dân gian như cà kheo, đánh cầu lông gà, đẩy gậy, kéo co và giao lưu văn nghệ.

Đây là phần sôi động nhất, qua đó tạo không khí giao lưu, giao hữu kết nối người dân trong bản. Đây cũng là dịp để người Lự phô diễn nét đẹp trong nghệ thuật biểu diễn văn nghệ dân gian của dân tộc mình.

Những phụ nữ Lự nhuộm răng đen nhánh, trong bộ trang phục truyền thống cùng hát vang vũ khúc “Leo bo” ca ngợi cuộc sống ấm no nhờ rừng, tình làng nghĩa xóm đoàn kết bền lâu.

Thời gian gần đây, lời bài hát có phần được cải biên ca ngợi công ơn của Đảng, Bác Hồ kính yêu đã mang lại hạnh phúc, ấm no, độc lập tự do cho dân tộc. Lời bài hát cất lên trong tiếng dìu dặt khèn bè tạo nên nét văn hóa độc đáo chỉ thấy ở cộng đồng dân tộc Lự.

Người dân tộc Lự ở xã Bản Hon, huyện Tam Đường (Lai Châu) trong trang phục truyền thống tham gia trò chơi đẩy gậy trong khuôn khổ lễ hội. (Ảnh: TTXVN)

Theo bà Tẩn Thị Quế, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu, việc tổ chức lễ cúng rừng góp phần phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có lồng ghép đưa yếu tố văn hóa mới tiến bộ, phù hợp với nhu cầu hưởng thụ văn hóa và tâm linh của đồng bào.

Qua góp phần thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, loại bỏ yếu tố lạc hậu, hủ tục không phù hợp trong đời sống cộng đồng.

Đây còn là dịp để đồng bào hội tụ, giao lưu văn hóa, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống dân tộc.

Cùng với đó là tạo điều kiện để các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, trò chơi dân gian của dân tộc Lự được bảo tồn, phát triển, kết hợp giữa văn hóa truyền thống và văn hóa đương đại, góp phần xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục