Lấy ý kiến về một số dự án luật chuẩn bị trình Quốc hội

Ngày 3/4, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về hai dự án Luật Hải quan (sửa đổi) và Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.

Ngày 3/4, tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về hai dự án Luật Hải quan (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.

Nên trao thẩm quyền cho lực lượng hải quan đến đâu, hệ thống tổ chức hải quan như thế nào cho phù hợp; ai sẽ quyết định giá dịch vụ hàng không, quyền đóng, mở sân bay chuyên dùng giao cho bộ, ngành nào, ai quản lý lực lượng an ninh hàng không… là những vấn đề trọng tâm được các đại biểu thảo luận trong phiên này.

Thận trọng khi cho hải quan tạm giữ người

Cho ý kiến về báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các thành viên Ủy ban Pháp luật tập trung vào hai vấn đề chính là thẩm quyền “tạm giữ người, áp giải người” của hải quan và thẩm quyền truy đuổi ngoài địa bàn của hải quan. Ở cả hai nội dung, ý kiến của các thành viên cũng còn khác nhau, nhưng đều đề nghị cần thận trọng, cân nhắc kỹ khi ban hành luật.

Về thẩm quyền của hải quan trong việc xử lý hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, nhất là vận chuyển ma túy, vũ khí…, dự thảo luật quy định lực lượng hải quan có quyền dừng phương tiện vận tải, tạm giữ người, áp giải người vi phạm.

Một số ý kiến băn khoăn về việc cho hải quan quyền tạm giữ người vi phạm hành chính liệu có đúng luật hay không, vì quy định này không phù hợp với Luật xử lý vi phạm hành chính. Đại biểu Quốc hội Trần Văn Độ (An Giang) cho rằng, nên xem xét lại quyền tạm giữ người của hải quan bởi điều này đi ngược lại xu thế hiện nay trong việc đảm bảo quyền con người, quyền công dân theo tinh thần của Hiến pháp.

Bàn về phạm vi trách nhiệm phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, phần lớn ý kiến các đại biểu tán thành với việc bổ sung thẩm quyền của hải quan trong việc truy đuổi liên tục, ra ngoài địa bàn hải quan bởi điều này là cần thiết. Một số đại biểu đề nghị nên bổ sung, vì đã cho quyền truy đuổi thì nên trang bị thêm cả về cơ chế, chính sách, công cụ để lực lượng hải quan làm tốt nhiệm vụ có tính chất nguy hiểm này.

Đồng tình với ý kiến của các đại biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, cần thận trọng với các quy định về thẩm quyền của hải quan trong việc tạm giữ người và truy đuổi ngoài địa bàn hải quan.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, một trong những quan điểm sửa đổi Luật Hải quan là nhằm tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Vì vậy, việc bổ sung thẩm quyền của hải quan trong việc truy đuổi ra ngoài địa bàn hải quan là cần thiết, nhằm ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, cho hải quan quyền tạm giữ người đối với các hành vi vận chuyển trái phép ma túy, vũ khí, chất nổ, buôn lậu, gian lận thuế… là để không bỏ lọt hành vi vi phạm, bởi nếu không các đối tượng vi phạm sẽ nhanh chóng tẩu thoát qua biên giới, hoặc lên máy bay, phương tiện vận tải khác để xuất cảnh, không đáp ứng yêu cầu kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm, xử lý đúng người, đúng tội. Tuy nhiên cũng cần xem xét, rà soát kỹ lại các quy định của dự thảo luật, phải đảm bảo quyền con người, phù hợp với Hiến pháp; đồng thời bổ sung thêm quy định để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Giá dịch vụ hàng không do Bộ Giao thông quyết định

Được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập, cũng đồng thời là vấn đề được dư luận cả nước quan tâm trong thời gian qua, là việc cần có một cơ quan quyết định giá dịch vụ hàng không để tránh tình trạng giá cả tùy tiện, bất hợp lý.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, “có ý kiến cho rằng Nhà nước không nên can thiệp giá dịch vụ hàng không, nên để theo kinh tế thị trường,” nhưng “ăn bát phở không thể đến 500.000 đồng hay 1 triệu đồng được.” do đó cần phải chấn chỉnh và đòi hỏi phải có nơi quản lý giá dịch vụ thống nhất, phù hợp.

Lần này, dự thảo Luật hàng không dân dụng giao Bộ Giao thông vận tải quy định giá đối với giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh; điều hành bay đi, đến; hỗ trợ bảo đảm hoạt động bay; soi chiếu an ninh; giá phục vụ hành khách và giá dịch vụ công ích chuyên ngành hàng không.

Một số ý kiến tán thành với quy định trên của dự luật, cho rằng việc giao Bộ Giao thông vận tải quy định giá dịch vụ hàng không là hợp lý. Tuy nhiên, đại biểu Phạm Trí Thức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề xuất nên quy định Bộ Giao thông vận tải quyết định giá dịch vụ hàng không sau khi thống nhất với Bộ Tài chính.

Trao đổi với các đại biểu, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng cho rằng, để Bộ Giao thông Vận tải, cụ thể là ngành hàng không quy định giá dịch vụ hàng không vừa đảm bảo yêu cầu chuyên ngành, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế và đơn giản hơn, không phải qua các bước hiệp thương, thống nhất mức giá giữa các bộ, ngành.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Phạm Quý Tiêu cũng bảo vệ quan điểm Bộ quản lý, chịu trách nhiệm về giá dịch vụ hàng không. Thứ trưởng cho biết thêm, nếu được giao, Bộ cũng sẽ ủy quyền cho ngành hàng không quy định về giá dịch vụ hàng không.

Ở một khía cạnh khác của dự luật, đại biểu Quốc hội Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đề nghị luật cần xác định rõ vai trò của cảng vụ hàng không, bởi hiện cơ quan này còn chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn với các đơn vị, lực lượng khác hoạt động ở khu vực sân bay.

Đại biểu Minh cũng đề nghị luật làm rõ lực lượng kiểm soát an ninh hàng không là của ai, thuộc cơ quan Nhà nước hay của doanh nghiệp.

Theo đại biểu, đảm bảo an ninh hàng không mang tính đặc thù, đòi hỏi tuyệt đối, nhưng cũng phải đảm bảo quyền con người, quyền công dân trong việc đưa ra những quy định liên quan đến an ninh hàng không./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục