​'Lấy người học làm trung tâm, nâng cao chất lượng giáo dục'

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng để tạo sự chuyển biến căn bản về phương pháp giảng dạy phải "lấy người học làm trung tâm."
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Ngày 21/5, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

Chia sẻ quan điểm bên lề Kỳ họp, các đại biểu đã chia sẻ ý kiến góp phần nâng cao chất lượng ngành Giáo dục của đất nước trong thời gian tới.

Qua nghiên cứu dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), nhiều đại biểu cho rằng, dự án luật đã kế thừa những điểm tích cực của Luật Giáo dục năm 2005 và bổ sung nhiều nội dung mới tiến bộ, phù hợp tình hình thực tế, thể hiện rõ tính chất “mở”, “liên thông” và mục tiêu “hướng nghiệp,” “phân luồng” của hệ thống giáo dục quốc dân.

Cho ý kiến về quy định sách giáo khoa, một số đại biểu bày tỏ quan điểm cần cân nhắc thật kỹ quy định “mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa; việc xuất bản sách giáo khoa tuân thủ theo quy định của pháp luật.”

Một số ý kiến cho rằng, qua tham khảo Luật Giáo dục một số nước trên thế giới cho thấy, việc thể hiện tư tưởng triết lý giáo dục của các nước đa dạng nhưng hầu hết các luật không quy định riêng về triết lý giáo dục mà được thể hiện thông qua những quy định về mục đích, mục tiêu và nguyên lý giáo dục.

[Đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu bỏ thi Trung học phổ thông]

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, để tạo sự chuyển biến căn bản về phương pháp giảng dạy phải "lấy người học làm trung tâm."

Quan điểm này không phải hạ thấp vai trò của người thầy, đưa người thầy xuống trở thành người “quan sát,” “chứng kiến” hoạt động của học sinh, mà ngược lại, việc “lấy người học làm trung tâm” càng yêu cầu cao đối với năng lực của người thầy.

Người thầy phải là người có khả năng tổ chức, điều khiển mọi hoạt động của học sinh, giúp học sinh học tập tốt nhất. Người thầy có giỏi mới có thể giúp học sinh giỏi và ngược lại, trò giỏi lại cần phải có thầy giỏi.

​'Lấy người học làm trung tâm, nâng cao chất lượng giáo dục' ảnh 1Quang cảnh Quốc hội. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

"Bây giờ xuất hiện giáo dục trên mạng Internet, có thể không cần trường, sở, nữa. Họ chỉ cần tập hợp chương trình và hướng dẫn. Bây giờ, có những trường quốc tế mà không cần trường, sở mà bằng cấp của trường vẫn được công nhận. Việc tự học có thể nói là yếu tố hết sức quan trọng, vai trò của người học sinh càng ngày phải là trung tâm nếu chúng ta có cơ chế hướng dẫn tốt," đại biểu Dương Trung Quốc nêu ý kiến.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) cho rằng, khoa học công nghệ đang phát triển mạnh mẽ với cách mạng công nghệ 4.0, tuy nhiên, dự thảo Luật Giáo dục chưa chú trọng đến vấn đề đào tạo và cấp bằng qua mạng.

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, việc học và cấp chứng chỉ qua mạng ở các nước trên thế giới rất được quan tâm. Việc làm này tiết kiệm được thời gian, rút ngắn thời gian cho người học. Những người đương chức, đang làm việc muốn hiểu biết, muốn có thêm kiến thức về các lĩnh vực khác có thể đi học.

Bên cạnh đó, trong giáo dục hướng nghiệp dạy nghề, dự thảo Luật Giáo dục lần này đã chú trọng, nhưng khối Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông mới bắt đầu được hướng nghiệp, trong khi đó các nước trên thế giới đã định hướng từ cấp Tiểu học.

Một số đại biểu cho rằng, chất lượng hướng nghiệp trong nhà trường còn hạn chế dẫn đến tình trạng thiếu việc làm sau đào tạo. Chất lượng ứng dụng các mô hình giáo dục của nước ngoài vào Việt Nam chưa cao. Nhiều đại biểu cho rằng, ngành Giáo dục cần xem xét kỹ việc thay sách giáo khoa để bảo đảm chất lượng giáo dục và tránh lãng phí; cần có các chính sách khuyến khích học nghề để bảo đảm nguồn nhân lực phục vụ các nhà máy, khu công nghiệp...

Nhận xét về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), nhiều ý kiến cho biết còn nhiều vấn đề đang nảy sinh gây bức xúc trong dư luận nhưng chưa có quy định khắc phục như: giáo viên xâm hại học sinh, bạo lực học đường, tiêu cực trong thi cử...

Theo Quyết định số 16/2008/ QĐ- BGDĐT quy định về đạo đức nhà giáo, nhà giáo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân phải đáp ứng phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, lối sống tác phong phù hợp.

Để giữ gìn truyền thống đạo đức, nhà giáo bị cấm 11 điều, trong đó có cấm không xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người học, đồng nghiệp, người khác... Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần bổ sung thêm các quy định về chuẩn mực đạo đức nhà giáo, để giáo viên thực hiện, tránh để xảy ra những trường hợp đáng tiếc như thời gian qua.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục