Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm công tác cải cách hành chính

Bộ Tư pháp năm thứ hai liên tiếp duy trì vị trí trong nhóm 3 bộ, cơ quan ngang bộ dẫn đầu về chỉ số cải cách hành chính cấp bộ.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 2/10, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm đánh giá, rút kinh nghiệm về chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2019.

Báo cáo tại buổi Tọa đàm, Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Xuân Quý cho biết, tổng số điểm chỉ số cải cách hành chính của Bộ Tư pháp năm 2019 là 90.12/100 điểm (xếp thứ 3/17 bộ, cơ quan ngang bộ).

Đây là năm thứ 2 liên tiếp Bộ Tư pháp duy trì nhóm 3 bộ, cơ quan ngang bộ dẫn đầu về chỉ số cải cách hành chính cấp bộ.

Về kết quả chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức năm 2019 đối với các dịch vụ công thuộc lĩnh vực tư pháp cấp sở, chỉ số hài lòng chung đối với 2 dịch vụ công lý lịch tư pháp và trợ giúp pháp lý là 83.99% (chỉ số hài lòng chung cả nước là 84.45%), xếp thứ 5 trong 6 sở thuộc diện đo lường.

Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá cao sự quyết tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Tư pháp, nỗ lực của các đơn vị thuộc Bộ cũng như của các cơ quan tư pháp địa phương trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính; đảm bảo sự hài lòng của người dân, tổ chức chức khi thực hiện các dịch vụ công.

[Năm 2021, hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 4]

Tuy nhiên, một số ý kiến cũng chỉ ra những hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính của Bộ. Cụ thể, tỷ lệ giảm biên chế so với năm 2015 chưa đạt từ 10% trở lên so với yêu cầu; các dịch vụ công của Bộ Tư pháp chưa đáp ứng đầy đủ các chức năng, yêu cầu kỹ thuật theo quy định; lĩnh vực cải cách tổ chức bộ máy hành chính bị giảm tỷ lệ điểm so với năm 2018 ở cả các tiêu chí đánh giá qua thẩm định cũng như tiêu chí đánh giá qua điều tra xã hội học...

Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Tư pháp) Tạ Thành Trung cho biết, hiện nay, số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 do các đơn vị thuộc Bộ cung cấp còn ít.

Trong giai đoạn vừa qua, Bộ Tư pháp đã triển khai xây dựng nhiều phần mềm ứng dụng phục vụ cơ quan Bộ và cơ quan tư pháp địa phương như: lý lịch tư pháp, hộ tịch, quốc tịch, công chứng, đấu giá, trợ giúp pháp lý...

Tuy nhiên, việc xây dựng các phần mềm ứng dụng này không có kinh phí hỗ trợ từ địa phương mà sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên còn hạn hẹp của Bộ. Do vậy, việc duy trì thực hiện nhiệm vụ này còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Tạ Thành Trung đề nghị, thời gian tới, Văn phòng Bộ phối hợp với Cục Công nghệ thông tin tiếp tục tăng cường việc theo dõi, đôn đốc các đơn vị rà soát, đề xuất dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; đôn đốc các đơn vị có thủ tục hành chính sử dụng Hệ thống một cửa điện tử của Bộ tiếp nhận, cập nhật trạng thái xử lý, trả kết quả giải quyết hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính để người dân có thể tra cứu trực tuyến trạng thái hồ sơ của mình.

Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan cho rằng, để công tác cải cách hành chính ngày càng thực chất, hiệu quả, các đơn vị mà trực tiếp là người đứng đầu cần rà soát lại việc thực hiện các chỉ tiêu; trong đó, việc xác định chỉ tiêu không còn là định tính mà phải là các con số định lượng cụ thể, rõ ràng.

Ông Ngô Hải Phan lưu ý đến việc thực hiện các thủ tục trên môi trường điện tử; tích hợp, liên thông các hệ thống cơ sở dữ liệu và chia sẻ dữ liệu để người dân, tổ chức không phải đến cơ quan giải quyết thủ tục hành chính; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm của công tác cải cách hành chính.

Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị các đơn vị thuộc Bộ quán triệt, thực hiện nghiêm kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Hội nghị công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2019; tiếp tục tập trung thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch cải cách hành chính năm 2020 của Bộ.

Các đơn vị tham gia, phối hợp có trách nhiệm với Văn phòng Bộ để xây dựng Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030; tập trung hoàn thành, đảm bảo tiến độ và chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật được giao chủ trì soạn thảo; tiếp tục nâng cao chất lượng công tác rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, trong đó tập trung lựa chọn những thủ tục hành chính có đối tượng chịu sự tác động lớn, những vấn đề "nóng," có nhiều bất cập trong quá trình thực hiện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục