Liên quan đến dự thảo đề án Đổi mới công tác tổ chức, quản lý lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định kiên quyết không đồng tình với việc tổ chức bán vé tham dự lễ hội; đồng thời đề nghị giảm quy mô, tần suất tổ chức lễ hội, bổ sung phương tiện khống chế, kiểm soát khi trâu chọi có hiện tượng bất thường.
Không bán vé
Cụ thể, tại Văn bản số 2449/BVHTTDL-VHCS chính thức trả lời công văn của Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng về việc xin ý kiến đối với Đề án Đổi mới công tác tổ chức, quản lý lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Uỷ ban Nhân dân thành phố Hải Phòng thực hiện nghiêm túc quy định không bán vé thu tiền vào lễ hội; có biện pháp, cách thức huy động nguồn xã hội hóa để phục vụ công tác tổ chức lễ hội, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, an toàn.
Dự thảo đề án cho biết, trong thời gian qua, kinh phí hoạt động của lễ hội chọi trâu Đồ Sơn không lấy từ ngân sách nhà nước. Thay vào đó, toàn bộ nguồn kinh phí này đều từ nguồn huy động xã hội hóa.
Cụ thể, kinh phí đóng góp cho lễ hội chủ yếu từ các nguồn của cấp phường (gồm đóng góp của chủ trâu; huy động đóng góp, tài trợ từ doanh nghiệp, các hộ kinh doanh và trích tỷ lệ thu từ tiền bán vé); cấp quận (gồm tiền huy động tài trợ doanh nghiệp và kinh phí từ nguồn bán vé: 150 ngàn đồng/vé vòng chính hội và 80 ngàn đồng/vé vòng loại).
“Với các nguồn thu chi như trên, việc cân đối thu-chi trong lễ hội là rất khó khăn,” dự thảo đề án nêu rõ. Tại dự thảo này, ban tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn cũng cho rằng: “Việc có một hoạt động chọi trâu tại sân vận động có bán vé đã diễn ra trong hàng chục năm nay, được cộng đồng và du khách chấp nhận như một dịch vụ có thu phí, thay vì khoản đóng góp tu bổ theo đầu người như xưa kia. Với thực tiễn mới này, cần được nhìn nhận phần thu phí tại một phần của lễ hội tổng thể, là loại dịch vụ có thu.”
[Đề nghị bỏ tập tục đập đầu trâu, giết mổ trâu chọi sau trận đấu]
Mặt khác, ban tổ chức cũng cho rằng, việc bán vé xem chọi trâu nên được coi như một giải pháp quản lý nhằm tránh tình trạng quá tải, mất kiểm soát.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh, quan điểm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là kiên quyết đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng thực hiện nghiêm túc quy định không bán vé thu tiền vào lễ hội.
“Nếu tiếp tục bán bán tức là ban tổ chức đã vi phạm nội dung pháp luật quy định. Theo đó, việc không bán vé tham dự các lễ hội truyền thống đã được nêu rõ tại Nghị định số 28/2017/NĐ-CP (ngày 20/3/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo) và Thông tư số 15/2015/TT-BVHTTDL (ngày 22/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về tổ chức lễ hội). Thay vì bán vé, ban tổ chức có thể tính đến các phương án huy động nguồn xã hội hóa để tổ chức lễ hội,” bà Trịnh Thị Thủy khẳng định.
Bổ sung phương án kiểm soát trâu chọi
Văn bản trả lời của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng nêu rõ, cơ quan này thống nhất về việc tổ chức duy nhất một vòng chọi chính hội (với số lượng 16 trâu) trong lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2018.
“Tuy nhiên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đề nghị địa phương cần xây dựng phương án có lộ trình giảm quy mô và tần suất tổ chức lễ hội theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ,” bà Trịnh Thị Thủy cho biết.
Về phương án đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông, Bộ yêu cầu tổ chức, triển khai thực hiện các phương án về đảm bảo an ninh, an toàn cho người tham gia lễ hội; bổ sung các phương tiện khống chế, kiểm soát khi trâu chọi có hiện tượng bất thường; tổ chức thực hiện lấy mẫu và xét nghiệm chất kích thích, chất tăng lực trước khi đưa trâu vào chọi.
Mặt khác, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị ban tổ chức bố trí lực lượng sắp xếp khán giả phù hợp với không gian của địa điểm làm sới chọi trâu, tránh gây quá tải cho cơ sở hạ tầng, dẫn đến mất kiểm soát đám đông; có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hiện tượng cá cược xảy ra trong lễ hội chọi trâu; có kế hoạch triển khai việc quản lý giá thịt trâu, bố trí riêng khu vực giết mổ trâu chọi sau trận đấu…
Trước đó, một sự cố nghiêm trọng trâu chọi húc chết chủ đã xảy ra tại kháp đấu số 14 vòng loại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017 (diễn ra ngày 1/7/2017). Khi vừa vào sân, trâu số 18 bất ngờ đuổi, húc chủ trâu đối thủ, rồi sau đó lại bất ngờ quay lại húc chính chủ mình nhiều lần. Tối cùng ngày, nạn nhân đã qua đời.
Sự việc đã tiếp tục làm dấy lên cuộc tranh luận về việc ứng xử với các lễ hội truyền thống nói chung và những lễ hội có liên quan đến tục “đâm-chém-chọi” động vật nói riêng./.