Lấy lại diện mạo Kinh thành Huế: Ngổn ngang giải phóng mặt bằng

Nhiều đoạn tường thành cây cỏ dại mọc tràn cả xuống đường, đặc biệt, một số vị trí trở thành nơi lý tưởng cho những người nghiện ma túy chích hút, vứt kiêm tiêm bừa bãi.
Việc hạ giải, dọn dẹp mặt bằng Kinh thành Huế diễn ra chậm. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Kinh thành Huế (thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế) là công trình kiến trúc quân sự đồ sộ, độc đáo, kết hợp hài hòa giữa yếu tố văn hóa phương Đông và cách bố trí pháo đài ở châu Âu trong thế kỷ 19.

Trải qua những biến động, thăng trầm của lịch sử, khi triều đình nhà Nguyễn cáo chung vào năm 1945, người dân từ nhiều nơi đã phiêu dạt đến sinh sống, xây dựng nhà cửa tạm bợ quanh khu vực Kinh thành, xâm hại đến di tích quan trọng này.

Năm 2019, Dự án Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế được thực hiện với 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 (2019-2021) tập trung di dời hàng ngàn hộ dân để lấy lại mặt bằng Kinh thành Huế.

[Giai đoạn 1 dự án di dời 3.187 hộ dân Kinh thành Huế chuẩn bị về đích]

Tuy nhiên, hiện nay, công tác bàn giao, dọn dẹp mặt bằng còn chậm so với công tác bố trí tái định cư. Vấn đề khai thác, phát huy giá trị hệ thống Kinh thành cần được nghiên cứu sâu để tìm ra được mô hình quản lý hoạt động hiệu quả.

Sau hơn 3 năm triển khai giai đoạn 1 của Dự án Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế, Ủy ban Nhân dân thành phố Huế đã cơ bản hoàn thành giải quyết thủ tục di dời 3.187 hộ dân ở di tích Thượng Thành, Eo Bầu, hộ Thành hào, tuyến Phòng lộ thuộc khu vực Kinh thành Huế.

Tuy nhiên, thực tế, việc bàn giao mặt bằng của người dân lại rất chậm, không đạt kế hoạch đề ra. Nhiều hộ dân đã chuyển đến khu tái định cư mới, bỏ lại những ngôi nhà tháo dỡ dở dang, xen lẫn với những hộ dân chưa chịu bàn giao mặt bằng cho chính quyền vì nhiều lý do khác nhau.

Tất cả tạo ra một khung cảnh ngổn ngang, làm mất mỹ quan đô thị của một thành phố du lịch.

Chậm bàn giao mặt bằng

Khu vực Thượng Thành, Eo Bầu trên đường Xuân 68 ở phường Đông Ba là vị trí mà người dân tháo dỡ, di dời nhà cửa sớm nhất, cách đây đã vài năm. Tuy nhiên, cảnh quan ở đây hiện không những không được cải thiện mà còn trở lên hoang tàn với cây dại mọc um tùm, rác thải xây dựng từ những công trình phá hủy không được xử lý dứt điểm nằm ngổn ngang. Nhiều người ví von nơi đây như một “bãi chiến trường” ngay giữa trung tâm thành phố Huế.

Ngôi nhà của gia đình ông Võ Văn Phụng sinh sống ở khu vực Eo Bầu gần cửa Thượng Tứ nằm lọt thỏm, xen kẽ giữa những ngôi nhà đang tháo dỡ dở dang.

Giống như nhiều hộ gia đình chưa bàn giao mặt bằng cho chính quyền ở đây, ông Phụng cũng đưa ra lý do riêng của mình là chưa có tiền nộp cho Nhà nước để nhận đất tái định cư. Một số hộ dân khác đợi xây dựng xong nhà ở khu tái định cư ngoài Bắc Hương Sơ mới chịu di dời.

Dọc tuyến đường Lương Ngọc Quyến, Tôn Thất Thiệp cũng dễ dàng bắt gặp những bãi rác thải vật liệu xây dựng, rác thải sinh hoạt hằng ngày hình thành ngay trên đất di tích.

Nhiều đoạn tường thành cây cỏ dại mọc tràn cả xuống đường. Đặc biệt, một số vị trí trở thành nơi lý tưởng cho những người nghiện ma túy chích hút, vứt kiêm tiêm bừa bãi.

Một số vị trí ở Thượng Thành trở thành nơi lý tưởng trú lấp cho những người nghiện ma túy tìm đến để chích hút, vứt kim tiêm bừa bãi. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Huế, cơ quan chức năng đã phê duyệt bố trí tái định cư cho 2.023 hộ dân, trong đó cấp giấy phép xây dựng cho 1.794 hộ dân nằm trong Dự án Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế.

Những người dân bàn giao mặt bằng sớm còn được Nhà nước hỗ trợ tiền thuê nhà trọ trong quá trình đợi hoàn thành xây dựng nhà mới. Thế nhưng, công tác bàn giao, giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 của dự án này thực hiện rất chậm.

Cụ thể, khu vực Eo Bầu có 297/515 hộ dân có nhà ở đã bàn giao mặt bằng (đạt 58%). Khu vực Hộ Thành Hào và Tuyến Phòng Lộ mới có 171/1.011 hộ có nhà ở đã bàn giao mặt bằng (đạt 17%).

Khu vực Thượng Thành triển khai di dời dân cư sớm nhất nhưng nay vẫn còn còn 12 hộ chưa bàn giao mặt bằng.

Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Huế Đặng Minh Thắng cho biết việc di dời dân cư ở khu vực 1 Kinh thành Huế được áp dụng với khung chính sách đặc thù của Chính phủ, tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho người dân trong quá trình di dời.

Cơ sở hạ tầng ở các khu tái định cư được xây dựng đồng bộ, hiện đại để người dân có thể xây dựng nhà ngay. Tuy nhiên, một số hộ dân vẫn cố tình chây ỳ, làm ảnh hưởng đến tiến độ của dự án quan trọng này.

Liên quan đến vấn đề chậm bàn giao mặt bằng, Ủy ban Nhân dân thành phố Huế đã ban hành các quyết định cưỡng chế đối với 5 trường hợp ở khu vực Thượng Thành.

Còn những khu vực khác, Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Huế đã đề nghị Ủy ban Nhân dân các phường liên quan tiến hành vận động các hộ để bàn giao mặt bằng từ cuối năm 2021 nhưng đến nay vẫn không tiến triển.

Phục vụ cho Dự án Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế, thành phố Huế đã và đang xây dựng 10 khu tái định cư với 3.419 lô đất ở phường Hương Sơ, đảm bảo bố trí tái định cư cho việc di dời các hộ dân ở khu vực Thượng Thành, Eo Bầu, hộ Thành hào và tuyến Phòng lộ, hồ Tịnh Tâm, trấn Bình Đài. Trong đó, từ khu 1 đến khu 7, tổng quỹ đất 2.489 lô đã hoàn thiện hạ tầng và hàng trăm hộ dân đã xây dựng nhà, ổn định cuộc sống tại đây.

Dọn dẹp cần kết hợp với chỉnh trang

Kinh thành Huế có tường thành cao 6,6m và dày 21m, được xây dựng bằng đất ở giữa, hai bên ốp gạch, xây kè theo kiểu giật cấp. Đoạn Thượng Thành và Eo Bầu trên đường Xuân 68 là nơi tập trung nhiều nhà của người dân phải di dời nhất.

Trong ảnh: Khu vực tường thành trên đường Tôn Thất Thiệp không được chỉnh trang khiến cây cối, cỏ dại mọc um tùm. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Trước đây, thành phố Huế có tổ chức một số đợt ra quân tình nguyện phát cây dại, thu dọn những vật dụng người mà người dân bỏ lại. Tuy nhiên, sau một thời gian, không có biện pháp chỉnh trang lại mặt bằng trên bờ thành, cây cối, bụi rậm lại mọc nhanh chóng trở lại, gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến hình ảnh của một thành phố du lịch xanh, sạch như Huế.

Trước đó, năm 2020, sau khi người dân tháo dỡ, di dời nhà tại khu vực này, Đội công tác rà phá bom, mìn thuộc Lữ đoàn Công binh 414 (Quân khu 4) đã sử dụng các loại máy móc chuyên dụng để tìm kiếm những vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh nên khu vực này đảm bảo an toàn cho công tác dọn dẹp, chỉnh trang lại.

Ủy ban Nhân dân thành phố Huế đã dành hơn 50 tỷ đồng kinh phí cho việc hạ giải, dọn dẹp mặt bằng thuộc Dự án Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế.

Từ tháng 7/2021 đến nay, Ủy ban Nhân dân thành phố giao Trung tâm Công viên cây xanh thực hiện công tác hạ giải và dọn dẹp mặt bằng tại đây nhưng kết quả đạt được rất khiêm tốn.

“Đơn vị mới triển khai được 4 đợt với 203 ngôi nhà được hạ giải và đang thực hiện đợt 5 thêm 42 ngôi nhà. Tiến độ hạ giải phụ thuộc chủ yếu vào ý thức của người dân trong việc chấp hành chủ trương, chính sách của Nhà nước thực hiện bàn giao nhà đúng thời hạn,” Phó Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh thành phố Huế Đặng Ngọc Qúy cho biết.

Người dân trồng rau xanh trên khu vực Thượng Thành ở đường Tôn Thất Thiệp. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Việc dọn dẹp mặt bằng ở những khu vực từng có người dân sinh sống sẽ còn mất rất nhiều thời gian bởi không chỉ có phần nổi trên mặt đất mà gồm cả phần chìm là các bể chứa vệ sinh được xây dựng trước đây.

Vì vậy, công tác hoàn trả mặt bằng cho di tích cần phải thực hiện quyết liệt hơn gắn với công tác chỉnh trang từng bước để sớm thấy được những kết quả rõ rệt.

Nhiều ý kiến cho rằng cùng với việc dọn dẹp dứt điểm mặt bằng từng đoạn một, thành phố Huế cần kết hợp với chỉnh trang, trước hết ở khu vực quanh các cổng thành như Thượng Tứ, Đông Ba, cửa Hậu, cửa An Hòa, Chánh Tây, cửa Hữu, cửa Nhà Đồ như trồng các thảm cỏ, thảm hoa.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xây dựng hoàn thiện nâng cấp các tuyến đường Xuân 68, Lương Ngọc Quyến, Tôn Thất Thiệp để sớm hình thành những cung đường đẹp cho du khách khám phá hệ thống Kinh thành Huế.

Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Phúc, thành phố Huế trước mắt cần thí điểm chỉnh trang lại đoạn Kinh thành từ cửa Quảng Đức đến Quan Tượng Đài, đây là khu vực người dân đã di dời, hạ giải nhà cửa.

Sau đó, cùng với các doanh nghiệp du lịch hình thành lên các tour tham quan tại đây để từng bước khai thác, làm phong phú cho không gian di sản.

Về lâu dài, với mặt bằng rộng lớn của hệ thống Kinh thành Huế cần có một chiến lược chỉnh trang bài bản, để làm nổi bật giá trị của công trình đồ sộ này gắn với phát triển du lịch./.

(TTXVN/ Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục