Lấy doanh nghiệp làm trung tâm để đổi mới và ứng dụng công nghệ

Với việc lấy doanh nghiệp làm trung tâm để đổi mới và ứng dụng công nghệ, mỗi Chương trình Quốc gia có cách tiếp cận, phạm vi triển khai khác nhau, tạo điều kiện cho nhiều đối tượng là doanh nghiệp.
Lấy doanh nghiệp làm trung tâm để đổi mới và ứng dụng công nghệ ảnh 1Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Sáng 9/1, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo.

Thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ

Báo cáo về việc triển khai Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, Chương trình Quốc gia phát triển công nghệ cao, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia của Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy với việc lấy doanh nghiệp làm trung tâm để đổi mới và ứng dụng công nghệ, mỗi Chương trình Quốc gia có cách tiếp cận, phạm vi triển khai khác nhau, tạo điều kiện cho nhiều đối tượng là doanh nghiệp với quy mô, năng lực công nghệ khác nhau tham gia.

Các chương trình hướng tới mục tiêu chung là tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, nhằm nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia, năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp; hình thành, phát triển các sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt Nam bằng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, có khả năng cạnh tranh về tính mới, về chất lượng và giá thành.

Trong những năm qua, thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ trong việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển kinh tế, xã hội, các chương trình tập trung triển khai các nhóm nhiệm vụ theo hướng tăng cường liên kết, bổ trợ lẫn nhau, nâng cao chuỗi giá trị của các sản phẩm chủ lực quốc gia.

Đến nay, ba chương trình đã thu hút được hơn 150 đơn vị có năng lực tham gia các nhiệm vụ, trong đó 59% số đơn vị trực tiếp chủ trì là các doanh nghiệp. Các nhiệm vụ triển khai trên hơn 30 tỉnh, thành thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương và các ngành kinh tế.

Phần lớn các nhiệm vụ được thực hiện theo hình thức doanh nghiệp chủ trì kết hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học, các chuyên gia công nghệ để phát triển sản phẩm dưới sự hỗ trợ của nhà nước. Sự gắn kết này đã góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại các doanh nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu, phát triển công nghệ trong thực tiễn đời sống xã hội.

[Để khoa học công nghệ trở thành động lực trong Công nghiệp 4.0]

Đến nay, hành lang pháp lý để triển khai các chương trình quốc gia về cơ bản đã được hoàn thiện một cách đồng bộ, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ. Mặc dù số lượng các nhiệm vụ tham gia các Chương trình quốc gia không nhiều, các nhiệm vụ đã kết thúc đều có sản phẩm đầu ra có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường trong nước, nâng cao chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực, một số sản phẩm có khả năng xuất khẩu.

Các nhiệm vụ đang được triển khai cũng hứa hẹn đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng dựa trên những dự án công nghệ cao, công nghệ tiên tiến được triển khai đầu tư mới tại Việt Nam. Những kết quả đạt được trong thời gian qua của ba chương trình đã có những đóng góp đáng kể nâng cao vai trò của khoa học công nghệ trong sự phát triển của một số ngành, lĩnh vực và sự hình thành của một số sản phẩm có sức cạnh tranh cao trên thị trường, đồng thời phù hợp với định hướng phát triển của ngành khoa học công nghệ trong giai đoạn 2011-2020...

Các đại biểu dự cuộc họp đánh giá cao Bộ Khoa học và Công nghệ đã có nhiều nỗ lực trong việc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành triển khai thực hiện các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia; tán thành với việc tiếp tục triển khai các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia; đồng thời kiến nghị cần có những cơ chế, động viên các doanh nghiệp để cùng chung sức với các bộ, ngành phát triển các sản phẩm sản phẩm quốc gia.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho rằng mỗi quốc gia đều có sản phẩm quốc gia của riêng mình. Vì vậy, đối với sản phẩm quốc gia trong giai đoạn tiếp theo cần có những chủ trương, chính sách hình thành nên hệ thống các sản phẩm quốc gia làm mục tiêu định hướng, để bộ, ngành, doanh nghiệp cùng hướng tới và phát triển.

Theo ông Vũ Đại Thắng, Quyết định số 2441/QĐ-TTg về phê duyệt chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 đã quy định phương thức hỗ trợ đối với các sản phẩm quốc gia. Như vậy, văn bản pháp lý đã tương đối đầy đủ; quan trọng là cách thực hiện như thế nào. Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã được thực hiện từ lâu nhưng người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng sản phẩm trong nước, còn tâm lý "sính ngoại." Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam có sản phẩm được công nhận là sản phẩm quốc gia nhưng không được ưu đãi, không có chế độ đặc biệt như đối với doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam.

Cũng theo ông Vũ Đại Thắng, thời gian tới cần điều chỉnh các chương trình thành phần; có chính sách, cơ chế hỗ trợ đối với các sản phẩm quốc gia, chia theo từng nhóm hỗ trợ: nhóm sử dụng ngân sách Nhà nước, nhóm cần nâng cao thị trường...

Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Một số ý kiến cũng cho rằng các sản phẩm được đưa vào chương trình sản phẩm quốc gia cần có sự bảo đảm của cơ quan nhà nước; nếu cần nên quảng bá trên truyền hình và các ấn phẩm truyền thông của Bộ Khoa học và Công nghệ để có thể khẳng định thương hiệu, quảng bá thị trường... Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cần rà soát, nghiên cứu các giải pháp để tiếp tục nâng cao chuỗi giá trị của các sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, duy trì sự khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ.

Tán thành với ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ rõ đại đa số các doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Sản phẩm của Việt Nam có nhiều nhưng chưa mang tính biểu tượng. Việc cần hỗ trợ nhất cho doanh nghiệp trong nước hiện nay, chính là thâm nhập thị trường. Ngân sách hỗ trợ cho các chương trình khoa học công nghệ quốc gia còn hạn hẹp so với nhu cầu nên nhiều mục tiêu phải kéo dài.

Quy định về thuế đối với doanh nghiệp công nghệ cao đã có nhưng cơ chế khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ vẫn chưa có và đặc biệt là chưa có cơ chế đầy đủ hỗ trợ các doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận sản phẩm quốc gia thâm nhập được thị trường. Thời gian tới, các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu, có cách khắc phục.

Nguồn lực nhà nước đối với các chương trình khoa học công nghệ quốc gia có hạn, vì vậy, Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, Chương trình Quốc gia phát triển công nghệ cao cần tập trung vào các nhóm ngành Việt Nam có lợi thế, tiềm năng trong cuộc Cách mạng khoa học công nghệ mới.

Quan tâm đến chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, Phó Thủ tướng gợi mở Bộ Khoa học và Công nghệ cần có văn bản kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đăng ký sản phẩm quốc gia. Theo đó, các sản phẩm được công nhận sản phẩm quốc gia phải có tiêu chí rõ ràng, có vị trí vinh dự, không đánh đồng với các danh hiệu được trao tặng hàng năm. Nhà nước, cộng đồng có trách nhiệm bảo hộ các sản phẩm này. Những doanh nghiệp sản xuất được sản phẩm quốc gia sẽ được hỗ trợ quảng bá sản phẩm, thâm nhập thị trường, có vị trí trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.

Sản phẩm quốc gia phải là cuộc cạnh tranh chất lượng của các doanh nghiệp. Vì vậy, Bộ Khoa học và Công nghệ cần kêu gọi các doanh nghiệp tăng cường khả năng kết nối, tạo ra các sản phẩm, hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường, Phó Thủ tướng nói./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục