Latvia đã chính thức đệ đơn xin gia nhập Eurozone

Bất chấp Eurozone đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất trong lịch sử, Latvia vẫn đệ đơn chính thức xin gia nhập khu vực này vào 2014.
Bất chấp Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất trong lịch sử, Latvia ngày 4/3 vẫn đệ đơn xin gia nhập khu vực này vào năm 2014. Nếu được thông qua, quốc gia Baltic này sẽ trở thành thành viên thứ 18 của Eurozone.

Một người phát ngôn của Chính phủ Latvia cho hay đề nghị chính thức này sẽ được gửi tới Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề tiền tệ Olli Rehn vào ngày 5/3. Ủy ban này và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có khả năng sẽ đưa ra quyết định đối với đề nghị của Latvia vào tháng 6 tới.

Latvia đã đáp ứng được các tiêu chí về tài chính được quy định đối với nước xin gia nhập Eurozone, trong đó có giải quyết vấn đề nợ công, thâm hụt ngân sách và lạm phát. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy gần 2/3 người dân Látvia phản đối việc chuyển đồng nội tệ lat sang sử dụng đồng euro.

Cũng trong ngày 4/3, Bộ trưởng Tài chính các nước thành viên Eurozone hôm nay đã nhóm họp tại Brussels (Bỉ) để thảo luận các biện pháp đối phó với tình trạng kinh tế yếu kém và tình hình chính trị rối ren sau cuộc tổng tuyển cử tại Italy, nền kinh tế lớn thứ ba khu vực này.

Phát biểu với báo giới trước khi bước vào cuộc họp, một quan chức cấp cao Liên minh châu Âu (EU) cho biết tại cuộc họp lần này, các bộ trưởng sẽ tập trung thảo luận về việc liệu các nước thành viên cố gắng giảm nợ công và ổn định tài chính có gây phương hại tới nền kinh tế khu vực hay không khi mà các số liệu mới được công bố cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở Eurozone đã tăng lên mức kỷ lục và nhu cầu tiêu dùng vẫn hết sức ảm đảm.

Bên cạnh đó, triển vọng kinh tế vốn được dự báo sẽ làm "nóng" cuộc họp của các bộ trưởng Tài chính trong bối cảnh thâm hụt ngân sách của các nước thành viên đã chạm "giới hạn đỏ," đặc biệt là Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai Eurozone này có thể yêu cầu EU gia hạn thêm một năm để đưa thâm hụt ngân sách xuống mức trần quy định.

Ngoài ra, một loạt các vấn đề như gói cứu trợ quốc tế dành cho Cộng hòa Síp, Hy Lạp chính thức đề nghị EU, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) xem xét lại chương trình cứu trợ cho nước này, hay Ireland và Bồ Đào Nha cũng muốn điều chỉnh gói cứu trợ quốc tế, tình trạng bế tắc chính trị tại Italy... đều đang làm đau đầu những người đứng đầu ngành tài chính các nước thành viên Eurozone.

Các bộ trưởng Tài chính cũng sẽ xem xét việc tái cấu trúc có hiệu quả khu vực ngân hàng của Tây Ban Nha, đồng thời thảo luận những tiêu chí có thể áp dụng cho các nước thành viên vào năm tới khi Cơ chế bình ổn châu Âu (rót tiền trực tiếp cho những ngân hàng thua lỗ) được thông qua./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục