Việc thí điểm lát đá tuyến phố Tạ Hiện cho thấy mặc dù mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng tồn tại không ít bất cập mà nguyên nhân có cả vấn đề kỹ thuật và cách thức quản lý của chính quyền địa phương. Vì vậy, chủ trương lát đá 11 tuyến phố cổ tiếp theo, nếu được chấp thuận đầu tư, cần được cân nhắc kỹ lưỡng để tránh lặp lại những bất cập đã từng xảy ra.
Cần chọn loại đá nhám để tránh trơn trượt
Việc lát đá đường phố đã được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện. Ở khu phố cổ Hà Nội đã triển khai thí điểm tại phố Tạ Hiện và trước đó, đầu những năm 2000, đã thực hiện ở phố ẩm thực Tống Duy Tân.
Quận Hoàn Kiếm đề xuất phương án lát đá 11 tuyến phố cổ tiếp theo sẽ thực hiện tương tự như phố Tạ Hiện. Nền đường sẽ được đổ bêtông, sau đó lát đá tự nhiên kích thước 10x10x10cm.
Tuy nhiên, từ thực tế, nhiều ý kiến cho rằng, đá lát ở phố Tạ Hiện có độ masát kém, dễ xảy ra trượt ngã khi trời mưa.
Ông Trần Miễn, trú tại số nhà 3 phố Tạ Hiện, đồng thời là Tổ trưởng tổ 25, phường Hàng Buồm, tuy ủng hộ chủ trương lát đá của quận song không khỏi băn khoăn: “Khi trời mưa, mặt đá trơn, không đảm bảo an toàn cho việc đi lại, nhiều người bị ngã rất nguy hiểm. Vì vậy, điều cần khắc phục nhất hiện nay là độ trơn của đá.”
Nhiều chuyên gia cho rằng, bất cập này hoàn toàn có thể tháo gỡ được. Theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh, đá được lát ở phố Tạ Hiện là đá vôi, dễ bị phong hóa, khi mưa xuống dễ tạo rêu, gây trơn ngã.
Để khắc phục, khi lát đá 11 tuyến phố tiếp theo cần lựa chọn loại đá có độ nhám hơn, bền hơn để không ngấm nước, không bị ăn mòn bởi axít khi mưa xuống, để tránh trơn nhẵn. Ví dụ như đá hoa cương, có nhiều ở vùng Bình Thuận, Tây Nguyên. Còn việc không thoát nước nhanh ở tuyến phố lát đá khi trời mưa xuống thuộc về giải pháp kỹ thuật khi lát. Điều này, chủ đầu tư cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng.
Một vấn đề khác đặt ra là việc lát đá chỉ phù hợp với các tuyến phố đi bộ và phố Tạ Hiện là tuyến phố nằm trong khu vực phố đi bộ, hạn chế phương tiện đi lại và cấm ôtô. Trong khi đó, các phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân, Hàng Giấy được coi là một trong những trục giao thông chính của phố cổ, mật độ giao thông tham gia đông, trong đó có một lượng không nhỏ ôtô.
Tương tự như vậy, tuyến Hàng Buồm-Mã Mây cũng có mật độ phương tiện tham gia giao thông lớn. Khi thực hiện lát đá tại những tuyến phố như vậy liệu có xảy ra hiện tượng xô lệch mặt đường khi lưu lượng xe cộ qua lại lớn?
Bởi vậy, quận Hoàn Kiếm cần cân nhắc cẩn trọng về chủ trương lát đá tuyến phố cổ, trong đó nên lựa chọn lát đá những tuyến phố nào, phân luồng giao thông ra sao hoặc chuyển thành tuyến phố đi bộ hoàn toàn.
Tăng cường quản lý khi đưa vào sử dụng các tuyến phố lát đá
Chủ trương nghiên cứu lát đá 11 tuyến phố cổ của quận Hoàn Kiếm vẫn có những ý kiến trái chiều có một phần nguyên nhân là do khi trời mưa, tuyến phố lát đá thí điểm Tạ Hiện khá trơn trượt và ngày bình thường đá rất bẩn. Tuy nhiên, đây hoàn toàn là vấn đề quản lý, không phải là vấn đề kỹ thuật.
Trách nhiệm quản lý thuộc về chính quyền phường sở tại và đơn vị đầu tư, quản lý tuyến phố. Trong khi quản lý các cửa hàng kinh doanh, chính quyền địa phương cần gắn trách nhiệm của các chủ kinh doanh bằng cách ký cam kết, không đổ chất thải ra đường, giữ vệ sinh đường phố sạch đẹp.
Hiện nay, các cửa hàng kinh doanh ẩm thực phố Tạ Hiện thường bán hàng ngoài vỉa hè và lòng đường vào các buổi tối, vì vậy không tránh khỏi rớt mỡ ra đường. Đó là nguyên nhân mỗi khi trời mưa, người tham gia giao thông trên tuyến phố này rất dễ bị ngã xe.
Không chỉ riêng ở phố Tạ Hiện, một số tuyến phố khác gần đó cũng có tình trạng trơn trượt khi trời mưa xuống. Một chủ hộ kinh doanh ở phố Lương Ngọc Quyến gần phố Tạ Hiện cho biết, mỗi khi trời mưa, trước cửa nhà bà cũng xảy ra hàng loạt vụ ngã xe. Theo bà giải thích, bởi vì cống thoát nước trong khu phố cổ nhỏ, mỗi khi mưa to, nước trong cống lại dềnh lên mang theo váng mỡ ở các cửa hàng đổ xuống gây trơn trượt mặt đường.
Nhiều ý kiến cho rằng, đây không phải lỗi đưa ra giải pháp kiến trúc mà chủ dự án cần đưa ra mô hình quản lý thích hợp. Điều cần thiết lúc này là nâng cao ý thức người dân để cùng chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường phố cổ Hà Nội.
Như vậy, thận trọng ở cả giải pháp kỹ thuật và công tác quản lý là điều cần thiết khi quận Hoàn Kiếm triển khai chủ trương lát đá 11 tuyến phố cổ.
Kiến trúc sư Trần Huy Ánh nhận xét: “Khi phương án triển khai đưa ra rộng rãi thì nhà đầu tư cần xem xét nhiều khía cạnh, khắc phục những khiếm khuyết để khi đưa vào sử dụng loại trừ được lãng phí, bất cập. Trước khi triển khai cái mới, cần đánh giá, xem xét kỹ lưỡng những dự án cũ, đánh giá những điều được mất, chắc chắc chúng ta có những bài học tốt khi triển khai ở diện rộng hơn”./.