Hai tuần trước Giáng sinh năm 1984, trên những con đường, góc phố của thành phố London (Anh) bỗng vang lên một giai điệu hoàn toàn mới. Đó là ca khúc "Last Christmas" của nhóm nhạc Wham, một cái tên còn khá mới mẻ thời bấy giờ.
Sinh sau đẻ muộn, vậy mà đột ngột, "Last Christmas" đã gần như lấn át tất cả mọi ca khúc Giáng sinh kinh điển từ trước tới nay trong năm đó, lan ra toàn thế giới. Ca khúc luôn vang lên đều đặn vào các dịp Giáng sinh trong gần 40 năm sau, và thậm chí được nghe ngay cả khi không phải vào dịp Giáng sinh.
Trong những năm sau này, sự ám ảnh của ca khúc “Last Christmas” không ngừng gia tăng cùng vô số bản cover của các ca sỹ danh tiếng, từ Taylor Swift, Whigfield cho đến Ariana Grande và Good Charlotte.
Nhà phê bình âm nhạc Rupert Mellor của tờ Guardian từng nói: “Trong 30 năm qua 'Last Christmas' gần như quyết định sự tồn vong của các trung tâm mua sắm, sức vóc của nó đủ để đem lại cả mùa Giáng sinh. Có người thích hoặc không, nhưng chưa ai từ chối những giai điệu của nó.
30 năm đủ làm giảm đi sự cuốn hút của nhiều ca khúc nhưng 'Last Christmas' thì giống như kẹo dẻo, khiến người ta thèm muốn.”
[Những món ăn phổ biến nhất trong dịp lễ Giáng sinh trên toàn thế giới]
Vậy điều gì làm nên sức hấp dẫn ở một bài hát dường như đơn giản ấy?
Một phần làm nên sự thành công của "Last Christmas" là nó có vẻ như hết sức đơn giản, dễ nhớ, dễ thuộc, với phần nhạc đệm đơn giản, phần điệp khúc lặp đi lặp lại, nhưng lại cuốn hút kỳ lạ và gây cảm giác tiếp diễn bất tận, giống như những bản mix ca khúc lặp đi lặp lại liên tục của âm nhạc hiện đại.
George Michael đã tinh tế lôi kéo người xem dồn sự chú ý vào giọng hát của mình, và chất giọng truyền cảm trên nền giai điệu tưởng chừng không có gì nổi bật đó đã chạm đến trái tim mọi người nghe.
Mặt khác, bản thân ca khúc "Last Christmas" thực ra chẳng mang dáng dấp gì của niềm vui Giáng sinh.
Bài hát kể về một chàng trai đã yêu một cô gái bằng cả trái tim. Anh thổ lộ tình yêu vào đêm Giáng Sinh. Nhưng ngay ngày hôm sau đó, cô gái đã từ chối tình cảm đó. Bởi vậy, mùa Giáng Sinh năm nay, để quên đi nỗi đau, chàng trai sẽ tìm một ai khác xứng đáng để trao gửi trái tim mình.
"Last Christmas" là tập hợp của những sự mâu thuẫn. Có sự hạnh phúc của mùa lễ hội, nhưng cũng có nỗi buồn khắc khoải của mối tình đơn phương.
Dù cho chàng trai có nói rằng năm nay mình sẽ tìm một người mới, nhưng xuyên suốt bài hát vẫn chỉ là nỗi đau và những sự dõi theo âm thầm với người bạn gái cũ.
Một yếu tố không thể không nhắc đến, tạo nên sự hấp dẫn cho bài hát là bản video clip phát hành cùng ca khúc.
Clip này được quay vào năm 1984 tại một khu nghỉ mát ở Thụy Sĩ có tên là Saas-Fee, với sự góp mặt của các thành viên của Wham gồm George Michael và Andrew Ridgeley, cùng với các ca sỹ hỗ trợ Pepsi và Shirlie, người mẫu Kathy Hill, tay bass Martin Kemp của Spandau Ballet, bên cạnh nhiều bạn bè khác của họ.
Dù đã gần 40 năm trôi qua, nhưng đêm Giáng Sinh trong ngôi nhà gỗ nhỏ giữa vùng tuyết trắng, cùng những góc quay tuyệt đẹp, trang phục mang phong cách vintage của các nhân vật, những biểu cảm tinh tế của George Michael cùng nữ chính vẫn khiến cho người xem dâng tràn cảm xúc.
Thậm chí, với nhiều khán giả Việt còn non trẻ khi "Last Christmas" lần đầu đến Việt Nam qua những bản phát chèn chương trình của VTV thời đó, "Last Christmas" còn được xem như một đoạn phim ngắn, trong đó diễn xuất của George Michael không thua gì một diễn viên chuyên nghiệp.
Bài hát được ra đời trong một buổi tối khi George Michael và Andrew Ridgley (thành viên còn lại của Wham) về nhà bố mẹ của George để nghỉ ngơi.
Lúc ấy Andrew đang nằm trên sofa để xem bóng đá, còn George ở trên gác xép, ngắm tuyết rơi. Rồi bất chợt, những kỷ niệm về một mối tình xưa tràn về, cùng với đó là giai điệu và những lời hát cứ thế xuất hiện trong đầu. Vậy ra "Last Christmas" đã ra đời ngay trong đêm đó.
Ca khúc được thu âm vào tháng 8/1984, tại một studio thời thượng thời bấy giờ là Advision ở London.
Vào đầu năm đó, George Michael đã gần như chỉ đạo cả ban nhạc Wham, đồng thời cũng bắt đầu khẳng định bản thân với tinh thần làm việc nghiêm túc và sáng tạo.
Chàng trai 21 tuổi năm ấy đã viết, sản xuất, biểu diễn một cách chăm chỉ và thậm chí hơi "độc tài" với từng loại nhạc cụ trên bản nhạc. Trong quá trình ghi âm, anh đã lần lượt loại bỏ sự can thiệp của các nhà sản xuất, nhà quản lý, giám đốc điều hành công ty thu âm và thậm chí cả người bạn cùng nhóm là Andrew Ridgeley.
Sau cùng, những người được bước chân vào phòng thu của "Last Christmas" là Chris Porter, kỹ sư của George Michael cùng hai trợ lý. Những người này được lựa chọn không phải vì họ có thể đóng góp nhiều ý kiến, mà bởi vì George Michael đã kiểm soát hết mọi thứ.
Chris Porter đã bắt đầu làm việc với George Michael và bạn kể từ những ngày đầu. Vào thời điểm đó, cặp đôi này bước vào phòng thu “theo đúng nghĩa đen là chỉ mặc quần soóc.”
Ngày 10/12, "Last Christmas" được hãng Epic phát hành dưới dạng single. Music video (MV) được trình làng 5 ngày sau đó.
Giám đốc chi nhánh Sony Music ở Anh Garry Farrow cho biết: “Tôi đã rất ấn tượng với bài hát này. Tôi nghe nó hàng ngày trên xe khi đi làm. Rồi có một ngày, nhân viên gọi điện bảo tôi rằng các đài phát thanh sẽ ngừng phát vì đã hết mùa Giáng sinh nhưng tôi bảo không được. Hãy nói các đài ấy là phát nối từ mặt B (có bài 'Everything She Wants') sang mặt A ('Last Christmas') giống như một liên khúc vậy. Làm sao để 'Last Christmas' đừng dừng lại.”
Đôi khi, một ca khúc thành công có thể đủ để duy trì danh tiếng của một nhạc sỹ suốt cả cuộc đời. Và với George Michael, vào giờ phút mà "Last Christmas" bước vào cuộc đời anh, dường như đó chính là số phận, mở đầu với "Last Christmas" và kết thúc trong một Ngày Giáng sinh khác, ngày 25/12/2016.
Người đại diện khẳng định nam ca sỹ 53 tuổi "ra đi yên bình vì bệnh tim" tuy nhiên vẫn có rất nhiều tin đồn phát tán về nguyên nhân cái chết của anh./.