Lập khu “nhạy cảm” sẽ giúp quản lý tốt hơn tệ nạn mại dâm?

Một số đại biểu quốc hội cho rằng, việc thành lập khu vực "nhạy cảm" sẽ giúp quản lý tốt hơn các hoạt động mại dâm, tránh những hệ lụy đáng tiếc cho xã hội.
Lập khu “nhạy cảm” sẽ giúp quản lý tốt hơn tệ nạn mại dâm? ảnh 1Giải cứu nạn nhân bị lừa bán ra nước ngoài hoạt động mại dâm. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Tại Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011 - 2015 vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Lê Văn Quý, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra đề xuất gom các ngành nghề kinh doanh dịch vụ có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn xã hội ở một khu vực riêng.

Đề xuất này ngay lập tức nhận được nhiều ý kiến đa chiều. Bên cạnh việc ủng hộ, có ý kiến cho rằng nếu thành lập các khu “nhạy cảm” sẽ không khác gì việc thừa nhận hoạt động mại dâm…

Chia sẻ với báo giới bên lề Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 13, diễn ra sáng nay (26/10), một số Đại biểu Quốc hội đã bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này.

Đại biểu Lê Như Tiến,

(Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội): Trong luật chúng ta không thừa nhận mại dâm là một nghề, nhưng trong thực tế ở tất cả các nước trên thế giới, khi chính quyền càng cấm thì tệ nạn lại càng bùng lên.

Hiện còn hai quan điểm khác nhau về việc lập “khu nhạy cảm.” Có quan điểm cho rằng, nếu như chúng ta làm như vậy vô hình trung đã thừa nhận, nhưng nếu không thừa nhận thì mại dâm có biến mất không hay nó vẫn tồn tại? Và nếu nó tồn tại thì cần phải tìm ra giải pháp khác.

Ở một số quốc gia có giải pháp mềm như đưa vào các khu. Họ lý giải như vậy còn hơn là để phụ nữ Việt Nam phải chạy sang các nước bên cạnh như Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan... để hành nghề và chúng ta cũng không thể quản lý được.

Do đó, tôi cho rằng cần phải nghiên cứu rất kỹ để tìm giải pháp vừa giảm thiểu tệ nạn xã hội vừa quản lý tệ nạn xã hội. Nếu không, người ta vẫn đứng ở gốc cây, góc phố trong khi lực lượng chức năng không đủ sức đi xử lý hết được.

Lập khu “nhạy cảm” sẽ giúp quản lý tốt hơn tệ nạn mại dâm? ảnh 2"Nếu không thừa nhận thì mại dâm có biến mất không hay nó vẫn tồn tại?," Đại biểu Lê Như Tiến đặt câu hỏi. (Ảnh: Vietnam+)

Chúng tôi cũng đang còn cân nhắc về việc ủng hộ hay không ủng hộ chủ trương này. Nhưng nếu ở địa phương nào có những giải pháp mà thấy tốt hơn thì trình các cơ quan có thẩm quyền. Bên cạnh đó, nếu thành lập ra những khu như vậy phải đi đôi với quản lý chặt chẽ.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh): Mục đích khi đưa ra chủ trương này là hạn chế các tệ nạn xã hội, bảo vệ phụ nữ, thuần phong mỹ tục. Từ đó, tìm ra phương thức phương tiện làm thế nào để đạt mục đích một cách hiệu quả. Đây là bài toán mà quốc gia nào cũng phải đặt ra. Ta thì tìm phương án là gom lại và quản lý.

Tại Hà Lan, họ gom ma túy lại chỉ cho dùng ở một số địa điểm nhất định với loại nhẹ và trừng trị nghiêm nếu dùng ở bên ngoài. Hà Lan cũng có khu vực đèn đỏ, nhưng có ai nói rằng ở Hà Lan thuần phong mỹ tục băng hoại không? Nhiều quốc gia chọn phương thức gom lại và quản lý để đạt mục đích tối ưu là hạn chế tình trạng này.

Nếu không công nhận, thì tưởng như là không có nhưng lại hoạt động ở khắp nơi, trong thôn cùng ngõ hẻm, trên đường phố. Hiện trạng này ngày càng tăng lên và không phải ngẫu nhiên mà ở quốc gia phát triển, tiêu chuẩn sống cao, luật pháp nghiêm minh đã chọn phương thức gom lại và quản lý.

Nếu chúng ta lấy mục đích tối cao là hạn chế, là bảo vệ người hành nghề mại dâm, tiến tới áp dụng luật pháp nghiêm minh trong lĩnh vực này thì chúng ta phải học tập kinh nghiệm của các nước và áp dụng các hình thức nhất định. Không thể duy trì tình trạng không công nhận nhưng lại lan tràn khắp nơi và bất lực không ngăn chặn được.

Cũng theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, nếu đã đồng ý quan điểm khu “nhạy cảm,” sẽ phải thiết kế những đề án một cách khoa học, có sự chuẩn bị tâm lý, dư luận phù hợp đặc điểm tình cảm con người Việt Nam, nhất là trong giai đoạn đầu…

Đại biểu Bùi Thị An (đoàn Hà Nội): Tôi ủng hộ chủ trương này dù không bao giờ mong muốn có mại dâm, bệnh tật lây lan, ảnh hưởng đến xã hội. Tuy nhiên, dù muốn hay không nó vẫn tồn tại. Mà đã tồn tại thì phải quản lý, nếu không còn nguy hiểm hơn.

Vì thế, nếu trước mắt chưa công nhận công khai thì hãy nên cho vào một cụm thí điểm để quản lý. Đầu tiên là quản lý về người bán, người mua, kiểm soát y tế...

Việc công khai theo tôi cái lợi nữa là những người đến sẽ giảm đi thay vì cứ “dấm dúi” bây giờ. Có cầu ắt có cung, nhất là đất nước đã hội nhập, nhu cầu của người nước ngoài là bình thường. Đã xuất hiện tồn tại rồi thì chỉ còn cách quản lý tốt để định hướng tốt.

Nói về cái khó nhất của một khu “nhạy cảm,” theo bà An, đó là tâm lý của chính những người trong cuộc cũng như dư luận xã hội bởi nước ta chưa công nhận mại dâm là một nghề. Bên cạnh đó, là tâm lý của người có nhu cầu cũng không muốn công khai…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục