Quốc hội vừa phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm các thành viên mới của Chính phủ với 18 tân bộ trưởng và trưởng ngành.
Với niềm vui và nhiệm vụ nặng nề sẽ gánh vác trong thời gian tới, tân Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chia sẻ với phóng viên TXXVN về những kế hoạch hành động của Bộ trưởng để nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành công thương giai đoạn 2016-2021.
- Thưa Bộ trưởng, trong nhiệm kỳ cả nước đang kỳ vọng vào một Chính phủ hành động. Vậy Bộ Công Thương sẽ có những giải pháp nào để góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội chung của cả nước?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Điều này rất đúng như những điều mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ về những nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ ưu tiên là tập trung quyết liệt cho việc tiếp tục ổn định vĩ mô và tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy phát triển đất nước.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện thể chế thị trường qua việc thể chế hóa cam kết hội nhập nhằm phục vụ môi trường kinh doanh, môi trường sản xuất, môi trường đầu tư để giải phóng các nguồn lực tiếp tục đóng góp vào tăng trưởng chung của kinh tế-xã hội.
Xuất phát từ những lý do này, Bộ Công Thương xác định nhiệm vụ mang tính đặc thù cho năm 2016 là phải tập trung thực thi những chỉ đạo của Chính phủ để thực hiện tốt Nghị quyết 01 và Nghị quyết trong phiên họp thường kỳ tháng 3 của Chính phủ. Tiếp đó, Bộ cũng hướng tới các vấn đề ổn định môi trường vĩ mô, xây dựng môi trường pháp lý và thể chế hóa theo đúng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Ngoài ra, Bộ cũng sẽ tập trung bám sát thực tiễn để tổ chức thực thi chính sách của pháp luật, đặc biệt là những chỉ đạo điều hành của Chính phủ và của các Bộ ngành; tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp, lực lượng sản xuất có điều kiện nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, đồng thời hội nhập hiệu quả.
Từ thực tiễn đã bộc lộ trong thời gian vừa qua về những bất cập, những tồn tại trong các mảng quản lý Nhà nước và ngành công thương cũng có những trách nhiệm rất lớn. Vì thế, chúng tôi xác định những tháng còn lại của năm 2016 trong tình hình và bối cảnh chung như hiện nay việc bám sát và có sự phản ứng kịp thời, đáp ứng được yêu cầu từ thực tiễn của cộng đồng doanh nghiệp, của nền kinh tế, người tiêu dùng và người dân nói chung là những yêu cầu cấp bách hàng đầu.
- Có thể nói rằng Việt Nam đang trong quá trình hội nhập rất mạnh mẽ. Vậy, trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ có những giải pháp trọng tâm gì để chúng ta đạt được hiệu quả cao nhất trong quá trình tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA), thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Vấn đề này chúng ta đã có hàng loạt các đề án và đã được Chính phủ, các cơ quan lập pháp chỉ đạo, phê duyệt thực hiện. Như tôi đã nói, bắt buộc phải ưu tiên hàng đầu trong việc tiếp tục thực hiện qui trình pháp lý liên quan đến các cam kết và khuôn khổ hội nhập.
Ví dụ như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chúng ta đã hoàn tất đàm phán, ký kết và Việt Nam đang cùng các cơ quan đối tác khác triển khai tiến trình pháp lý để Hiệp định này được tổ chức thực hiện. Do đó, chúng ta phải thể chế hóa các cam kết hội nhập, các cơ quan quản lý phải thực thi đúng với những yêu cầu về mặt tiến độ và nội dung để từ đó tạo sự đồng thuận, cũng như phối hợp thực thi hiệu quả.
Với những điều kiện thuận lợi mới từ đó việc tổ chức cho các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp và cả người tiêu dùng hiểu rõ và khai thác các cơ hội thị trường, những cơ hội của đầu tư, thu hút đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh và tiếp cận với thị trường quốc tế là những ưu tiên hàng đầu.
Do đó, việc tổ chức với vai trò Nhà nước để hỗ trợ một cách hợp pháp cho doanh nghiệp, cho người dân để khai thác tốt từ hội nhập mang lại từ thị trường, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực cho đến xây dựng thương hiệu và bảo vệ sản xuất nội địa, bảo vệ người tiêu dùng đều là những biện pháp hàng đầu của các cơ quan thực thi pháp luật, quản lý nhà nước; trong đó có Bộ Công Thương.
Hơn nữa, Bộ cũng coi đó là những yêu cầu và đồng thời là những biện pháp và giải pháp của những tháng còn lại trong năm 2016.
Ngoài ra, trong bối cảnh phát triển chung thì những Đề án về tái cơ cấu và sắp xếp lại các ngành kinh tế của ngành công thương trong bối cảnh tái cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng cũng là những giải pháp cấp bách trước mắt nhưng đồng thời cũng là những yêu cầu mang tính xuyên suốt cho cả quá trình phát triển sắp tới.
Vì vậy, việc tổ chức, sắp xếp và cơ cấu lại các lĩnh vực của ngành công thương, từ công nghiệp khai khoáng, công nghiệp năng lượng, xuất nhập khẩu, thương mại nội địa…đã có những Đề án và đang được tập trung triển khai trong năm nay và những năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, việc đổi mới và sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước và đi kèm với đó là hướng tới vai trò của Nhà nước kiến tạo; trong đó có vai trò của Bộ Công Thương để giúp cho sự khởi nghiệp của các doanh nghiệp vừa và nhỏ khai thác cơ hội của hội nhập cũng như các cơ hội thị trường còn là những trọng tâm ưu tiên của Bộ Công Thương trong năm 2016 và những năm tới.
Mặt khác, trong bối cảnh khó khăn và thách thức đang đến rất mạnh trong quá trình hội nhập, một mục tiêu nữa mà Bộ Công Thương đang hướng tới là đạt những mục tiêu về tăng trưởng sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, xuất nhập khẩu đi kèm với nhập siêu…
Để đạt mục tiêu này đòi hỏi những nỗ lực trong tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu, đầu tư sản xuất cũng như tiếp tục có những biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trong nước, cũng như lợi ích của người tiêu dùng.
- Thời gian qua nhiều ý kiến cho rằng các Bộ ngành còn chưa thực sự phối hợp chặt chẽ qua việc giải quyết một số vấn đề kinh tế-xã hội. Vậy, trên cương vị mới Bộ trưởng có kế hoạch hành động như thế nào để nâng cao hiệu quả công tác này?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Trong chương trình công tác của Chính phủ cũng đã khẳng định một cách rõ ràng, nguyên tắc là sự chỉ đạo tập trung thống nhất của Chính phủ, với vai trò chấp hành và tổ chức thực hiện các yêu cầu của Chính phủ một cách xuyên suốt, đồng bộ và thống nhất.
Với tư cách là thành viên Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương sẽ có trách nhiệm tổ chức, tiếp thu và thực hiện trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ một cách chủ động và nghiêm túc.
Từ kinh nghiệm của việc thực thi chính sách pháp luật và vai trò của thành viên Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương sẽ có sự phối hợp chặt chẽ cùng lãnh đạo Bộ, các đơn vị chức năng trong Bộ để rà soát và tìm ra lỗ hổng về cơ chế và cách thức thực hiện kể cả lỗ hổng về khung pháp lý trong việc phối hợp đồng bộ với việc chia sẻ trách nhiệm của tất cả cơ quan quản lý Nhà nước, các thành viên của Chính phủ nhằm đảm bảo hiệu quả quản lý Nhà nước cũng như đem lại lợi ích chính đáng cho nhân dân, cho các doanh nghiệp và cho cả cộng đồng.
Do vậy, trong chương trình công tác năm 2016 cũng như cả nhiệm kỳ sắp tới c húng tôi cũng thống nhất chủ động cùng với các Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ sẽ có chương trình hợp tác song phương để có sự phối hợp, đặc biệt trong những lĩnh vực có sự giao thoa, từ đó đảm bảo được hiệu lực pháp lý cũng như hiệu quả quản lý Nhà nước.
Đặc biệt, một số lĩnh vực chúng tôi cho rằng năm 2016 này cần chứng kiến sự chuyển mình, sự thay đổi toàn diện và đồng bộ đó là quản lý Nhà nước trong an toàn thực phẩm và thực thi chỉ đạo của Chính phủ về tháng an toàn thực phẩm.
Như vậy, rõ ràng chúng ta đã thấy có sự giao thoa và trách nhiệm chung của các Bộ như Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế.
Với ý thức trách nhiệm và với nhận thức mới, Bộ Công Thương sẽ tổ chức tốt hơn và đảm bảo chất lượng cao hơn vai trò quản lý nhà nước cũng như đảm bảo tôn trọng và đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng trong lĩnh vực này; đồng thời phù hợp và đảm bảo yêu cầu của hội nhập quốc tế.
- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!