Lắp đặt thành công rotor tổ máy số 3 của thủy điện Lai Châu

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đúng 10 giờ 45 ngày 6/9, rotor máy phát tổ máy số 3 thủy điện Lai Châu đã được lắp đặt đúng vị trí thành công, sau 2 giờ 40 phút dịch chuyển vào vị trí.
Lắp đặt thành công rotor tổ máy số 3 của thủy điện Lai Châu ảnh 1Tổ hợp, lắp đặt tổ máy số 3, tổ máy cuối cùng của công trình Thủy điện Lai Châu. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết đúng 10 giờ 45 phút ngày 6/9, rotor máy phát tổ máy số 3 Nhà máy thủy điện Lai Châu đã được lắp đặt đúng vị trí thành công, sau 2 giờ 40 phút dịch chuyển vào vị trí.

Rotor máy phát tổ máy số 3 có trọng lượng nặng 1.000 tấn, đường kính 15,587m, chiều cao 2,816m là một trong những kết cấu nặng nhất trong các thiết bị lắp đặt tại công trường.

Ông Phạm Hồng Phương, Giám đốc Ban Quản lý dự án Nhà máy thủy điện Sơn La nói: “Đây là rotor lớn nhất và cuối cùng của Việt Nam được hạ xuống. Ở Việt Nam sẽ không còn rotor nào lớn như vậy được xây dựng và lắp đặt trên các công trình thủy điện nữa.”

Trước khi lắp đặt rotor, các nhà thầu đã hoàn thành việc lắp đặt tuabin, stato, cầu trục… Đây là dấu mốc quan trọng tiến tới chạy thử các hệ thống thiết bị, đáp ứng mục tiêu phát điện tổ máy số 3 Nhà máy thủy điện Lai Châu vào tháng 11 tới và khánh thành toàn bộ công trình vào tháng 12 năm nay.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, ngay sau khi hạ thành công rotor máy phát tổ máy số 3 dự án thủy điện Lai Châu, Tập đoàn chỉ đạo Ban Quản lý dự án Nhà máy thủy điện Sơn La cùng các nhà thầu rà soát toàn bộ tiến độ, trên cơ sở đó kiểm soát chặt chẽ để bố trí đủ và hợp lý nhân lực nhằm đảm bảo thi công các hạng mục còn lại phục vụ chuẩn bị cho công tác phát điện tổ máy số 3.

Dự án xây dựng công trình thủy điện Lai Châu là dự án công trình thủy điện bậc thang trên cùng của sông Đà. Mục tiêu của dự án cung cấp điện cho hệ thống điện Quốc gia, góp phần cùng với các nhà máy thủy điện trên bậc thang thủy điện sông Đà phục vụ chống lũ về mùa mưa, cấp nước về mùa khô cho đồng bằng Bắc Bộ, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh Lai Châu, Điện Biên và vùng Tây Bắc.

Hồ chứa của công trình có mực nước dâng bình thường 295m, mực nước chết 265m, dung tích toàn bộ hồ chứa 1.215 triệu m3; đập dâng bằng bê tông trọng lực có chiều cao lớn nhất 137m; công trình xả lũ gồm 2 cửa xả sâu và 6 của xả mặt.

Nhà máy thủy điện sau đập gồm 3 tổ máy với công suất lắp máy 1.200MW, điện lượng trung bình nhiều năm gần 4,7 tỷ kWh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục