Lập danh sách và giải quyết dứt điểm khiếu nại, tố cáo kéo dài

Thời gian tới, các địa phương phải lập danh sách các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài chưa giải quyết được và lên kế hoạch tìm phương án giải quyết theo quy định,
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Ngày 7/5, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Quyết định số 1849/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 363/KH-TTCP ngày 20/03/2019 của Thanh tra Chính phủ về kiểm tra, rà soát, giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài.

Tại hội nghị, Thanh tra Chính phủ đã quán triệt tinh thần, nội dung Quyết định số 1849/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 363/KH-TTCP của Thanh tra Chính phủ.

Theo Quyết định số 1849/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác để chỉ đạo giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, nổi cộm.

Tại các địa phương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh thành lập Tổ công tác để tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, rà soát, giải quyết những vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài do một lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh làm tổ trưởng và có sự tham gia của các ban, sở, ngành liên quan.

[Kiểm tra việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế]

Kế hoạch số 363/KH-TTCP của Thanh tra Chính phủ yêu cầu tiến hành kiểm tra, rà soát, có phương án giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, giải quyết căn bản tình hình khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài nhằm góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội hướng đến phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Lập danh sách và giải quyết dứt điểm khiếu nại, tố cáo kéo dài

Tại hội nghị, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh đã trình bày và hướng dẫn chi tiết các bước triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng như Kế hoạch của Thanh tra Chính phủ.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, thực tế đã và đang xảy ra tình trạng khiếu nại kéo dài, gay gắt, phức tạp. Thanh tra Chính phủ đã ban hành nhiều kế hoạch để kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại phức tạp, tồn đọng, kéo dài như: Kế hoạch số 319/KH-TTCP ngày 20/2/2009, Kế hoạch số 1130/KH-TTCP ngày 10/5/2012, Kế hoạch số 2100/KH-TTCP ngày 19/9/2013.

"Bài học lớn nhất qua thực hiện 3 kế hoạch trên là vấn đề xác định thẩm quyền và trách nhiệm trong việc giải quyết quyết nại, tố cáo của cả cấp Trung ương và địa phương," Phó Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.

Do đó, Quyết định số 1849/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 363/KH-TTCP của Thanh tra Chính phủ yêu cầu xác định rõ trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra của Trung ương; trách nhiệm rà soát lại các vụ việc thuộc về địa phương. Trung ương chỉ đạo trực tiếp chỉ một số ít vụ việc, địa phương phải chủ động xin ý kiến Trung ương về phương án dứt điểm.

Do đó, thời gian tới, các địa phương phải lập danh sách các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài chưa giải quyết được và lên kế hoạch tìm phương án giải quyết theo quy định, trường hợp vướng mắc thì đề xuất để Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương phối hợp hỗ trợ hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ vụ việc vượt quá thẩm quyền.

Trong phần thảo luận, ý kiến của các địa phương đều đồng tình, nhất trí cao với Kế hoạch của Thanh tra Chính phủ và mong muốn Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan Trung ương hỗ trợ địa phương trong quá trình thực hiện.

Phát biểu kết luận, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị lãnh đạo các địa phương xác định rõ mục tiêu Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng cần triển khai ngay.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Để thực hiện tốt nội dung này, Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị, các địa phương xác định rõ mục tiêu, đến hết năm 2020 phải giải quyết căn bản vụ việc khiếu nại, tố cáo; hạn chế phát sinh vụ việc mới nhằm ổn định tình hình kinh tế-xã hội, phục vụ sự kiện chính trị quan trọng của đất nước; cả hệ thống chính trị phải tích cực vào cuộc, có giải pháp đồng bộ, toàn diện.

Quá trình giải quyết cần nhất quán trong chỉ đạo giải quyết các vụ việc, trên cơ sở các chủ trương của Đảng, Nhà nước; tuyệt đối không để người dân thiệt thòi do bất cập về chính sách; tăng cường biện pháp vận động người dân thực hiện. Nếu phát hiện tổ chức, cá nhân xúi giục, lôi kéo khiếu kiện thì kiên quyết xử lý theo quy định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục