Lắp camera trong lớp học: Giải pháp để minh bạch hóa thông tin

Nhiều ý kiến cho rằng việc lắp camera trong lớp học ban đầu có thể khiến giáo viên lo lắng, nhưng đó là giải pháp để minh bạch hóa thông tin, giúp giáo viên thực hiện hoạt động dạy và học tốt hơn.
Lắp camera trong lớp học: Giải pháp để minh bạch hóa thông tin ảnh 1(Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Việc phụ huynh lắp camera trong lớp học và từ đó phát hiện cô giáo đánh nhiều học sinh ở trường học tại Trường Tiểu học Phan Chu Trinh, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh, đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các phụ huynh và giáo viên trong những ngày qua.

Nên hay không nên lắp camera trong các lớp học cũng trở thành chủ đề thảo luận nóng với nhiều ý kiến trái chiều.

Kênh giám sát…

Chia sẻ về lý do lén lắp đặt camera trong lớp học, phụ huynh lớp 2/11, Trường Tiểu học Phan Chu Trinh cho biết rất bức xúc trước việc cô giáo đánh học sinh, gây tâm lý hoang mang lo sợ cho các em, nhưng lại chỉ biết qua lời kể của học sinh, không có bằng chứng xác thực. Vì thế, một phụ huynh đã quyết định lắp camera nhằm có cơ sở để yêu cầu cô giáo chấm dứt hành động này.

Chiếc camera đã nói rõ sự thật và giáo viên đã bị xử lý kỷ luật.

Sự việc khiến nhiều người đặt câu hỏi về việc có nên lắp đặt camera công khai trong các lớp học?

Theo tiến sỹ Trần Thu Hương, Khoa tâm lý học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), phụ huynh muốn giám sát vì có nhiều sự việc xảy ra khiến họ mất niềm tin vào chức năng của nhà trường, đặc biệt là năng lực dạy học của thầy và cô.

Tuy nhiên, bà Hương cho rằng việc lắp camera có thể khiến giáo viên cảm giác mình bị kiểm soát, dẫn đến tâm lý căng thẳng, ảnh hưởng đến việc triển khai các hoạt động dạy và học. Ngoài ra, điều đó cũng khiến mối quan hệ thầy-trò trở nên ít thân thiện hơn.

Theo bà Hương, việc giáo viên đánh học sinh chỉ là hiện tượng cá biệt. Để hạn chế tình trạng này cần xây dựng môi trường học tập thân thiện, lớp học hạnh phúc.

[Ấn Độ lắp đặt camera giám sát tại các trường học ở New Delhi]

Tuy nhiên, nhìn ở góc độ khác, ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Trung học phổ thông FPT cho rằng từ trước tới nay, sau cánh cổng trường khép kín là một không gian hoàn toàn đóng với các phụ huynh. Sau cánh cửa lớp học lại là không gian riêng của giáo viên và học sinh. Ở đó, giáo viên nhiều khi nghĩ mình có thể làm mọi việc mà không bị phát hiện. Thực tế cho thấy đã xảy ra rất nhiều vụ giáo viên bạo hành về thể chất và tinh thần với học sinh. Vì vậy, ông Tùng cho rằng việc có camera cũng là một kênh để giúp giáo viên hiểu mình phải làm việc đúng theo quy định pháp luật và việc bị giám sát để thực hiện đúng pháp luật là bình thường.

Cũng theo ông Tùng, môi trường lớp học là không gian làm việc của học sinh và giáo viên, không phải không gian riêng tư cá nhân nên việc lắp camera không vi phạm về quyền riêng tư. “Nếu giáo viên cứ thực hiện đúng vai trò, nhiệm vụ của mình, đúng pháp luật thì không có gì phải băn khoăn về chiếc camera trong lớp học,” ông Tùng nói.

Lắp camera trong lớp học: Giải pháp để minh bạch hóa thông tin ảnh 2Giáo viên bạo hành học sinh, bắt uống nước giẻ lau bảng, gây bức xúc dư luận. (Nguồn: Laodong.vn)

… và hỗ trợ giáo viên, nhà trường

Trên thực tế, nhiều trường học đã chủ động việc lắp đặt camera trong các lớp học. Tại trường Tiểu học An Dương (Hà Nội), từ năm 2018, trường đã đầu tư lắp đặt hệ thống này.

“Khi có chủ trương lắp camera, giáo viên chúng tôi cảm thấy rất e ngại, bất tiện. Mới đầu, giáo viên vào lớp thấy hơi áp lực như bị theo dõi,” cô Nguyễn Thanh Nhàn, giáo viên Tường Tiểu học An Dương chia sẻ.

Hiểu được tâm lý này, cô Phạm Thị Minh Tuyết, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Dương đã động viên, phân tích cho giáo viên hiểu việc lắp camera mang lại hiệu quả lớn vì đây chính là công cụ để giáo viên có thể tự bảo vệ cho mình. Khi có sự việc diễn ra trong phòng theo chiều hướng tiêu cực mà học sinh hay phụ huynh hiểu lầm thì camera sẽ là minh chứng để phụ huynh học sinh hiểu và nhà quản lý biết được.

[Chấn động bạo lực học đường: Chỉ là phần nổi của 'tảng băng trôi’]

Cũng theo cô Tuyết, việc lắp camera trong các phòng học cũng giúp việc quản lý hiệu quả hơn khi trường rộng, khó có thể đi từng phòng học.

“Giáo viên chỉ cảm giác không thoải mái trong một tháng đầu, sau đó thì quen và coi là bình thường. Từ đó, mọi người có ý thức hơn trong giảng dạy, trong giao tiếp với học sinh để mang lại tiết học thân thiện, cởi mở,” cô Tuyết chia sẻ.

Sau một năm triển khai, cô giáo Nguyễn Thanh Nhàn đã quen với chiếc camera. “Bây giờ, chúng tôi thấy camera giúp đảm bảo cho quá trình dạy học của mình” cô Nhàn nói.

Nhìn ở góc độ khác, phó giáo sư Chu Cẩm Thơ-Phó trưởng Ban phụ trách Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cho rằng việc lắp camera trong lớp học không phải chỉ để giám sát, khẳng định một sự việc là đúng hay sai, mà còn có vai trò như một công cụ hỗ trợ công tác chuyên môn.

Hình ảnh ghi lại ở camera giúp giáo viên thấy được chân dung của mình trên lớp học, điều mà có khi vì bị chi phối bởi cảm xúc, tình huống thực tế, đôi khi họ không tự cảm nhận hết được. Tuy nhiên, khi xem lại camera, giáo viên có thể nhìn thấy chân dung, thấy sự tác động của mình đến học trò, thấy được những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, của giờ học, điểm cần phát huy, điểm cần điều chỉnh.

“Khi tư vấn cho các trường, chúng tôi đều khuyến nghị lắp camera. Làm sao camera thu được hình ảnh, âm thanh của giáo viên, học sinh trong giờ học để từ đó phân tích giờ học, cải tiến giờ học của giáo viên trên lớp học. Giáo viên rất hài lòng vì họ nhìn thấy chân dung của mình. Đó là giải pháp về mặt kỹ thuật giúp hỗ trợ lẫn nhau trong công tác quản lý, chuyên môn của một trường học trở nên tốt đẹp hơn. Vì thế, khi hiểu được vài trò và sứ mệnh của camera thì thầy cô, nhà trường và phụ huynh đều ủng hộ,” phó giáo sư Chu Cẩm Thơ nói./.

Video phó giáo sư Chu Cẩm Thơ chia sẻ về việc lắp camera trong lớp học:

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục