Lào tiếp tục phát triển KT-XH theo hướng chất lượng, có trọng tâm

Trong giai đoạn 2016-2020, Lào đã xử lý được tình trạng suy thoái của nền kinh tế, duy trì được đà tăng trưởng trung bình hằng năm ở mức 5,8%, thu nhập bình quân đầu người đạt 2.664 USD/năm.
Lào tiếp tục phát triển KT-XH theo hướng chất lượng, có trọng tâm ảnh 1Người dân tại thủ đô Vientiane. (Ảnh: Thu Phương/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Lào, trong thời gian qua, dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn về tài chính-ngân sách và vấn đề nợ cũng như những tác động nặng nề của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với kinh tế thế giới và kinh tế trong nước, nhưng Lào đã vượt qua khó khăn, đảm bảo sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân ngày một tốt hơn.

Trong giai đoạn 2016-2020, Lào đã xử lý được tình trạng suy thoái của nền kinh tế, duy trì được đà tăng trưởng trung bình hằng năm ở mức 5,8%, thu nhập bình quân đầu người đạt 2.664 USD/năm, tăng 694 USD so với năm 2015; duy trì hoạt động sản xuất và đời sống của người dân.

Trong đó, ngành nông nghiệp tăng trưởng bình quân 1,9%/năm, chiếm 15,9% giá trị Tổng sản phẩm quốc nội (GDP); ngành công nghiệp tăng trưởng bình quân 8,7%/năm, chiếm 31,7% GDP; ngành dịch vụ tăng trưởng bình quân 4,2%/năm, chiếm 41,2% GDP. Tỷ lệ lạm phát bình quân hàng năm là 2,7%/năm…

Đặc biệt, sản xuất và dịch vụ hàng hóa đã chuyển biến tích cực cơ bản đáp ứng được nhu cầu của xã hội như giá trị sản xuất công nghiệp chế biến và tiểu thủ công nghiệp tăng trung bình 14,37%/năm; giá trị lưu chuyển hàng hóa tăng trung bình tăng 10,5%/năm. Công tác phát triển tay nghề lao động đã được quan tâm đúng mức, thông qua việc thành lập các trung tâm phát triển nghề lao động và trung tâm đào tạo việc làm.

[Lào đề ra 6 mục tiêu trong Kế hoạch phát triển giai đoạn 2021-2025]

Bên cạnh đó, Lào đã triển khai nhiều dự án đầu tư lớn trên nhiều lĩnh vực như giao thông, năng lượng và khai thác khoáng sản, xây dựng các nhà máy chế biến nông sản, đầu tư phát triển đô thị, xây dựng các đặc khu kinh tế, đầu tư phát triển nhằm nâng cao năng lực quản lý và cung cấp dịch vụ quá cảnh và vận tải hàng hóa tại các cửa khẩu quốc tế; phát triển du lịch cũng trở thành một lĩnh vực quan trọng thu hút đầu tư của xã hội và tạo ra xu hướng mới trong việc phát triển kinh tế từ trung ương đến địa phương trong những năm qua.

Ngoài ra, Lào bước đầu cũng đã tạo ra sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên, tạo nền tảng quan trọng cho việc đổi mới phát triển kinh tế từ dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên phục vụ phát triển là chính, chuyển sang tập trung phát triển các khả năng, thế mạnh tiềm ẩn của đất nước.

Lào cũng nỗ lực ứng dụng thành tựu về mặt khoa học kỹ thuật để quản lý xã hội và đổi mới trong một số lĩnh vực sản xuất công nghiệp, dịch vụ ngân hàng-tài chính, dịch vụ quản lý của nhà nước… tạo nền tảng và cơ sở thực tiễn trong sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa.

Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của đảng Nhân dân Cách mạng Lào (diễn ra từ ngày 13-15/1), Chính phủ Lào đã thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm lần thứ 9 giai đoạn 2021 – 2025 với 5 mục tiêu quan trọng.

Đps là tiếp tục lãnh đạo đất nước thoát khỏi tình trạng kinh tế kém phát triển, tạo công ăn việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đảm bảo an ninh, trật tự an an toàn xã hội, thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 và chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia; phấn đấu giải quyết những điểm hạn chế, tồn tại trong phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua cũng như những vấn đề phức tạp nảy sinh trong thời kỳ mới, nhất là tác động do sự lây lan của dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, cạnh tranh thương mại và tình hình bất ổn của khu vực, thế giới; phát huy tinh thần và thế mạnh đa dạng của quốc gia, thúc đẩy sản xuất và dịch vụ trở thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, đi đầu trong tăng trưởng kinh tế, góp phần từng bước xây dựng nền kinh tế tự chủ, bền vững.

Để đạt được các mục tiêu trên, Chính phủ Lào đã xác định tập trung tổ chức 4 khâu đột phá trong giai đoạn 2021-2025, gồm đột phá về nhận thức; đột phá về phát triển nguồn nhân lực; đột phá về hệ thống cơ chế, quy định quản lý và đột phá về công tác xóa đói giảm nghèo thông qua việc huy động mọi nguồn vốn và có chính sách ưu tiên đặc biệt trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế-xã hội.

Cùng với đó, Chính phủ Lào sẽ tập trung triển khai 6 nhóm biện pháp để đạt được các mục tiêu đã đề ra như tăng cường công tác quản lý kinh tế vĩ mô, đảm bảo tính đa dạng, bền vững và phát triển liên tục thông qua việc nâng cao năng lực của các doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng thương mại; nâng cao chất lượng công tác phát triển nguồn nhân lực và sử dụng lao động trẻ; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, chú trọng công tác phát triển nông thôn, xóa đói, giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa thành thị và nông thôn.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác bảo vệ môi trường và giảm thiệt hại thiên tai; tăng cường hợp tác, hội nhập quốc tế và khu vực, nhất là hợp tác thương mại để thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu; cải cách công tác quản lý nhà nước, đảm bảo tính minh bạch, huy động được sức mạnh của toàn xã hội vào phát triển kinh tế-xã hội.

Đặt mục tiêu đưa đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển, thời gian tới, Lào sẽ tập trung phát triển kinh tế-xã hội theo hướng có chất lượng, có trọng tâm, xanh và bền vững; đồng thời tiếp tục giải quyết vấn đề khó khăn về kinh tế-tài chính và tồn tại hạn chế trong 5 năm vừa qua; phát huy và sử dụng thế mạnh cơ bản của đất nước trong việc phát triển để có thể tự lực, tự chủ./.

Lào tiếp tục phát triển KT-XH theo hướng chất lượng, có trọng tâm ảnh 2Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Nhân dân Cách mạng Lào lần thứ XI. (Ảnh: TTXVN phát)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục