Lão kỹ sư từ quan lên núi trồng dó bầu tạo trầm hương

Ông Trần Văn Quyến, kỹ sư nông lâm nghiệp nhưng người Đồng Nai gọi là Ông Quyến trầm. Trước năm 2000, ông làm Phó giám đốc Vườn Quốc gia Cát Tiên.
Ông Trần Văn Quyến bên cây dó bầu. (Ảnh: Sỹ Tuyên/Vietnam+)

Đến xã An Phú, thuộc huyện miền núi Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, hỏi ông Quyến “trầm hương” đều được người dân chỉ vanh vách đường đến tận trang trại của ông Trần Văn Quyến.

Ông được người dân thân thiện gọi bằng cái tên “Ông Quyến trầm.” Sở dĩ ông được gọi là ông Quyến trầm, bởi 15 năm trước, chính ông là người đưa cây dó bầu từ Quảng Ngãi và Phú Yên vào vùng đất Tân Phú trồng. Sau vài lần thất bại, đến nay ông Quyến trầm đã khẳng định chắc chắn “dó bầu có thể cho trầm và sinh trưởng tốt ở vùng đất miền Đông.”

Từ quan lên núi tìm trầm

Ông Trần Văn Quyến vốn là một kỹ sư nông lâm nghiệp. Trước năm 2000, ông làm Phó giám đốc Vườn Quốc gia Cát Tiên - một đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Vì tình yêu với cây dó bầu, ông Quyến đã làm đơn xin nghỉ việc để dành thời gian nghiên cứu trồng dó bầu tạo trầm hương.

Với quyết định đột ngột này, nhiều người nghĩ việc ông Quyến trồng dó tìm trầm là điều không tưởng. Bởi xưa nay trầm hương chỉ có ở khu vực Miền Trung, còn Đông Nam Bộ chưa ai trồng được cây này cho ra trầm hương.

Từ Quốc lộ 20 hướng đi Lâm Đồng, chúng tôi đi vào đường liên xã với chiều dài hơn 20km hướng vào vùng rừng Cát Tiên. Từ ngã ba vào Vườn Quốc gia Cát Tiên để vào được cánh rừng nơi ông Quyến trồng dó bầu phải đi thêm 6km. Nhìn rừng dó bầu thẳng tắp đang đến độ thu hoạch không ai nghĩ rằng đây là “vàng đen” mà ông Trần Văn Quyến đang tạo ra trên vùng đất đỏ bazan ở huyện miền núi Tân Phú.

Chỉ vào rừng dó bầu khoảng 7 năm tuổi, ông Quyến cho biết rừng dó này đang bắt đầu cho thu hoạch trầm. “Những cây dó bầu 7 năm tuổi với đường kính thân khoảng 20cm đang chứa trong mình trầm hương, một thứ dược liệu quý có mùi hương không cưỡng lại được,” ông Quyến nói.

Ông Quyến cho biết, năm 2000 ông đến tận vùng Quảng Ngãi, Phú Yên để tìm giống cây dó bầu. Sau khi trở lại Đồng Nai, ông bắt tay vào trồng khoảng 1.000 cây dó trên vùng đất rừng Tân Phú. Tại đây, ông Quyến đã mời các giáo sư, tiến sỹ, các nhà khoa học nông lâm nghiệp từ Đại học Huế đến cùng ông nghiên cứu cách tạo trầm trên cây dó.

Những thử nghiệm đầu tiên được thực hiện trên 1.000 cây dó bầu. Sau nhiều năm nghiên cứu, từ vườn dó bầu 1.000 cây đã chết hết 700 cây và chỉ còn lại 300 cây có trầm. Thu hoạch lứa trầm hương đầu tiên cùng với số vốn huy động từ gia đình, người thân, bạn bè ông Quyến tiếp tục mở rộng diện tích và đầu tư cây giống trồng dó bầu. Cũng từ thất bại này, ông đã rút ra được nhiều kinh nghiệm trong việc tạo trầm trên cây dó bầu.

Làm giàu từ trồng dó bầu tạo trầm hương

Ông Trần Văn Quyến cho biết, điều đặc biệt của cây dó bầu đó là việc trao đổi chất không qua lớp vỏ trên thân như những loài cây xanh khác, mà dó bầu trao đổi chất qua thân gỗ. Chính nhờ nhiều năm nghiên cứu cây dó nên ông đã phát hiện ra quy luật này. Nắm được quy luật trên, ông Quyến đã thử nghiệm bóc hết vỏ trên toàn thân cây dó bầu sau đó sử dụng nước chế phẩm do ông tìm tòi tạo ra để quét lên thân cây.

Với cách làm được cho là “ngược đời” trên, không những cây dó bầu không bị chết mà còn chiết xuất nhựa để bảo vệ lớp gỗ ngoài cùng của thân cây. Chính lớp nhựa do cây tiết ra ngoài lớp gỗ đã tạo nên trầm hương.

Ông Quyến giới thiệu trầm hương sau khi tách khỏi thân cây dó bầu. (Ảnh: Sỹ Tuyên/Vietnam+)

Chỉ cho chúng tôi một khu rừng trồng dó đang được nhiều công nhân bóc tách vỏ cây và quét chế phẩm lên, ông Quyến nói: Nếu như trầm trong tự nhiên là những điểm sần sùi, những vết thương tích của cây dó bị sâu bọ hay động vật tác động vào buộc cây phải tiết nhựa ra tại điểm sần đó để bảo vệ thân. Những vết sần lồi lõm đó lâu ngày sẽ tạo thành trầm. Còn khi dó bầu được bóc tách hết vỏ, nhựa cây cũng sẽ tiết ra để bảo vệ lớp gỗ ngoài.

Ông Quyến cho biết cây dó bầu từ khi bắt đầu trồng đến lúc thu hoạch khoảng từ 7 đến 8 năm. Sau 6 năm trồng, cây dó bầu sẽ được bóc hết bỏ thân cây sau đó quét chế phẩm lên và 1 năm rưỡi đến 2 năm sau là có thể thu hoạch trầm.

Dó bầu sau khi được đốn hạ sẽ được cắt từng khúc ngắn khoảng 50-60cm rồi phơi khô. Sau khi khô, gỗ dó bầu sẽ được chẻ tách đôi ra và đẽo phần thân gỗ bên trong, chỉ lấy lại phần gỗ có trầm ở lớp ngoài thân cây với độ dày khoảng dưới 1cm. Đây chính là phần trầm hương mà cây dó bầu tiết nhựa ra để bảo vệ thân cây.

Lấy từ trong kho ra nhiều loại trầm, ông Quyến giới thiệu cho chúng tôi biết trầm hương có từ 4 đến 5 loại. Loại một có giá bán 10 đến 15 triệu đồng một kg, loại hai từ 7-8 triệu đồng và loại 5 có giá khoảng 3 triệu đồng/kg.

Ông Quyến nói trầm hương là một loài dược liệu quý có mùi thơm đặc trưng. Trầm có thể được chiết xuất thành tinh dầu trầm dùng để làm hương liệu hoặc để làm dược liệu. Một cây trầm sau khi thu hoạch có thể tận dụng hết từ lá đến gỗ thừa để làm trà, làm nhang (hương), làm đồ mỹ nghệ... Hiện nay rừng dó bầu của ông Trần Văn Quyến có diện tích khoảng 25ha với hàng chục ngàn cây dó bầu đủ các lứa tuổi.

Chỉ cho chúng tôi một cây dó bầu khoảng 6 năm tuổi, ông Quyến nói, đời làm dó bầu của ông còn gặp may bởi trong số 70.000 cây dó ông đang trồng chỉ có 1 cây dó bầu có thể tự tạo ra trầm hương mà không có bất cứ một tác động nào của con người. Cây dó bầu đặc biệt này có nhiều điểm sần sùi lồi lõm và chính đó đã tự tạo ra trầm hương.

Ông Quyến cho biết, với rừng dó bầu hiện nay, mỗi năm tiền bán trầm hương và chế phẩm kích thích tạo trầm mang lại thu nhập từ 1-2 tỷ đồng.

Ngoài thu hoạch trầm hương từ rừng dó bầu, hiện ông Quyến còn là kỹ sư giúp chuyển giao kỹ thuật cho rất nhiều hộ dân ở huyện Tân Phú phương pháp trồng dó bầu và tạo trầm hương trên cây dó. Chế phẩm dùng để quét lên cây dó để tạo trầm chính là chế phẩm mà tự ông mày mò nghiên cứu ra. Chế phẩm này được ông pha trộn từ nhiều hóa chất để làm chất kích thích cho cây dó tạo trầm.

Danh tiếng của ông Trần Văn Quyến với phương pháp trồng dó và chế phẩm kích thích dó tạo trầm đã giúp cho nhiều người dân đến từ các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Lâm Đồng và kể cả nhiều hộ dân từ miền Trung cũng tìm đến ông để học nghề và mua chế phẩm kích thích dó bầu tạo trầm hương. Trò chuyện với chúng tôi, ông Quyến cười hiền: “giúp ích được cho một người cũng đã là niềm vui lớn của bản thân.”

Từ người khởi xướng việc trồng dó bầu, đến nay huyện miền núi Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, đã có hàng trăm hécta trồng dó bầu. Anh A Khìn, xã Núi Tượng, huyện Tân Phú cho biết, trước đây gia đình anh trồng hồ tiêu. Tuy nhiên sau khi được ông Quyến hướng dẫn trồng dó bầu, anh đã trồng xen canh trong vườn tiêu khoảng 1.500 cây dó, đến nay sau 6 năm vườn gỗ dó bầu của anh đã được bán lại với giá hơn 1,5 tỷ đồng. Anh cho biết, nếu như trồng tiêu, có lẽ làm hết đời anh cũng không kiếm được số tiền lớn như vậy.

Qua tìm hiểu được biết, đầu ra của trầm hương luôn ổn định. Nhiều năm trở lại đây, thương lái đến trực tiếp đặt hàng với các hộ nông dân để thu gom trầm. Hàng trầm hương được xuất khẩu đi nhiều nước, trong đó thị trường các nước Trung Đông là lớn nhất.

Theo ông Trần Văn Quyến, với thâm niên hàng chục năm làm trầm, nhu cầu mặt hàng trầm hương vẫn ổn định và không có biến động lớn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục