Lào: Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Kaysone Phomvihane

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Hoàng thân Souphanouvong và Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Kaysone Phomvihane đã xây dựng nền móng, vun đắp cho tình hữu nghị đoàn kết đặc biệt Việt-Lào.
Lào: Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Kaysone Phomvihane ảnh 1Đoàn đại biểu cán bộ nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Lào đặt lãng hoa trước tượng đài Chủ tịch Kaysone Phomvihane tại Vientiane. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng thân thiết, núi liền núi, sông liền sông, cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, cùng uống chung dòng nước Mekong.

Qua nhiều thập niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Hoàng thân Souphanouvong và Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Kaysone Phomvihane đã xây dựng nền móng, vun đắp cho tình hữu nghị đoàn kết đặc biệt Việt-Lào trở thành mối quan hệ mẫu mực, thủy chung, trong sáng hiếm có trên thế giới.

Năm 2020 là kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Kaysone Phomvihane (13/12/1920-13/12/2020), cũng là dịp để hai nước ôn lại chặng đường lịch sử đã song hành cùng nhau trong mối quan hệ hữu nghị truyền thống bền chặt mà các nhà lãnh đạo hai nước đã đặt nền móng và dày công vun đắp.

Là một trí thức yêu nước, rất tâm huyết với nhân dân các bộ tộc Lào, Chủ tịch Kaysone Phomvihane đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc xây dựng Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và xây dựng nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào hòa bình, độc lập.

Ông cũng là “người bạn lớn, thân thiết, thủy chung của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam," như khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân trong diễn văn tại lễ kỷ niệm 45 năm Quốc khánh Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (2/12/1975-2/12/2020) và kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Kaysone Phomvihane, tổ chức tại Hà Nội ngày 2/12 vừa qua.

Trong bài viết nhân những ngày lễ trọng đại này, bà Sounthone Xaynhachak, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, nêu rõ: “Chủ tịch Kaysone Phomvihane đã dành cả cuộc đời đấu tranh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Nắm vững quy luật phát triển của xã hội Lào, Chủ tịch đã đề ra chiến lược, sách lược đúng đắn, có tầm nhìn xa trông rộng, tin tưởng tuyệt đối vào nhân dân, vì nhân dân mà chiến đấu, lãnh đạo nhân dân các dân tộc Lào đấu tranh chống giặc ngoại xâm hơn hai thập kỷ và giành được thắng lợi vẻ vang, thành lập nên nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào vào ngày 2/12/1975. Chủ tịch Kaysone Phomvihane đã hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc và tiếp tục lãnh đạo nhân dân tiến lên theo con đường xã hội chủ nghĩa; thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là bảo vệ và xây dựng phát triển đất nước và đã giành được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực."

[Việt Nam-Lào sánh bước trên con đường phát triển phồn vinh]

Chủ tịch Kaysone Phomvihane sinh ngày 13/12/1920 tại bản Naxeng, huyện Khamthabuni, tỉnh Savannakhet, Lào, trong một gia đình gia giáo. Năm 1935, với tên gọi Nguyễn Trí Mưu, ông rời quê hương Lào đi Hà Nội, Việt Nam, để dự thi vào Trường Bưởi (nay là trường Trung học phổ thông Chu Văn An, Hà Nội).

Trong những ngày học tại đây, ông đã giác ngộ cách mạng theo đường lối của Đảng Cộng sản Đông Dương và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông đã từng tham gia phong trào học sinh, sinh viên chống thực dân Pháp và phátxít Nhật ở Việt Nam.

Mùa Thu năm 1945, ông tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Savanakhet, sau đó trực tiếp xây dựng khu du kích Houaphanh, thành lập đội vũ trang Latxavông đầu tiên. Năm 1946, ông làm việc tại Ban liên lạc Lào-Việt Nam ở Hà Nội và phụ trách những người yêu nước Lào ở Việt Nam chống Pháp. Năm 1948, ông trở về nước, lãnh đạo phong trào kháng chiến chống Pháp ở vùng Đông Bắc Lào.

Ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương từ 1949 và cũng vào năm đó chủ trì lễ thành lập Quân đội Itxala (Quân đội nhân dân Lào) và được cử làm Tư lệnh. Tháng 8/1950, Chính phủ kháng chiến Lào Itxala do Hoàng thân Suphanuvong làm Chủ tịch được thành lập, ông Kaysone Phomvihane được cử làm Phó Chủ tịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Tháng 2/1951, ông dẫn đầu đoàn đại biểu Lào tham dự Đại hội II Đảng Cộng sản Đông Dương.

Ngày 22/3/1955, tại tỉnh Houaphanh, ông đã chủ trì Đại hội thành lập Đảng Nhân dân Lào theo Nghị quyết Đại hội II Đảng Cộng sản Đông Dương. Cùng với các nhà lãnh đạo cách mạng Lào, ông đã tổ chức ra Đảng Nhân dân Lào (Phắc Paxaxôn Lào) trên cơ sở Đảng bộ Lào thuộc Đảng Cộng sản Đông Dương. Ông được bầu làm Bí thư thứ nhất của Ban lãnh đạo Đảng, Bí thư Quân ủy trung ương, đồng thời là Tư lệnh Tối cao.

Năm 1956, thực hiện đường lối hòa hợp dân tộc, đoàn kết các bộ tộc và các tầng lớp nhân dân, Đảng Nhân dân Lào đã thành lập Mặt trận Lào yêu nước và ông Kaysone Phomvihane được bầu giữ chức Phó Chủ tịch.

Tháng 2/1972, Đảng Nhân dân Lào triệu tập Đại hội lần thứ hai, đổi tên là Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và đồng chí Kaysone Phomvihane được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ông còn tiếp tục làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa III và IV (năm 1982 và 1986) và đến Đại hội Đảng lần thứ V (3/1991), ông được bầu giữ chức Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.

Ngày 2/12/1975, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ra đời, ông được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và đầu năm 1991 được bầu làm Chủ tịch nước. Ông qua đời ngày 21/11/1992 tại thủ đô Vientiane, hưởng thọ 72 tuổi.

Có thể thấy rằng trong quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Kaysone Phomvihane đã gắn bó với đất nước Việt Nam từ thời niên thiếu tới lúc trưởng thành.

Lào: Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Kaysone Phomvihane ảnh 2Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và nói chuyện thân mật với đồng chí Kaysone Phomvihane - Trưởng đoàn đại biểu Đảng và Mặt trận Lào yêu nước sang thăm hữu nghị Việt Nam (1966). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Từng là thư ký của Chủ tịch Kaysone 27 năm (1960-1987), ông Somsavat Lengsavath, nguyên Phó Thủ tướng Lào kể lại: “Từ năm 1964, được tổ chức sắp xếp đến làm Thư ký cho Chủ tịch Kaysone, tôi có dịp nghe Chủ tịch Kaysone kể lại về mối quan hệ đặc biệt giữa Lào và Việt Nam, hay là mối quan hệ Lào-Việt là mối quan hệ sống còn như thế nào. Bác kể cho tôi nghe là trong thời niên thiếu, bác sang học tập tại Hà Nội, trong lúc đó vừa đúng là có phong trào cách mạng chống Pháp, bác cũng tham gia. Sau này, Chủ tịch Kaysone nhận được chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phải đi xuống cơ sở để gặp nhân dân, cùng sống với nhân dân để xây dựng căn cứ địa cách mạng."

Ông Somsavat Lengsavath kể tiếp: “Lúc đầu bác Kaysone bảo là sẽ đi nói với Bác Hồ là tại sao cử tôi đi học với nhân dân như thế, rất lạc hậu. Sau này, bác mới biết, Bác Hồ đã hướng dẫn mình muốn làm cách mạng phải đi sâu vào quần chúng, nắm được nguyện vọng, tâm tư của nhân dân để lãnh đạo họ giải quyết vấn đề cuộc sống của họ, để đưa họ tiến lên. Theo đó, Chủ tịch Kaysone đã đi đến tỉnh Huaphan để liên hệ với nhân dân xây dựng cơ sở."

Theo lời ông Somsavat Lengsavath, ngay từ những ngày đầu, cách mạng Lào đã được sự giúp đỡ rất tận tình của phía Việt Nam, trực tiếp là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người cũng giao cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp phối hợp với Chủ tịch Kaysone xây dựng Quân đội Nhân dân quân giải phóng Lào, sau đó là xây dựng Đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhận định Lào là nước có nhiều bộ tộc, có nhiều giai cấp, nhiều tầng lớp, nhiều tôn giáo, nhiều lực lượng phải rất coi trọng công tác mặt trận. Chính vì vậy, Chủ tịch Kaysone đã theo chỉ thị của Bác Hồ xây dựng Mặt trận Lào yêu nước và bầu Hoàng thân Suphanuvong làm Chủ tịch.

Ông Somsavat Lengsavat nhấn mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có tầm nhìn xa trông rộng nên đã nhận thấy muốn lãnh đạo đất nước Lào đánh đế quốc xâm lược thì nước Lào phải có lãnh đạo của mình. Trước đây, Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời để lãnh đạo ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia chống thực dân Pháp xâm lược. Sau này, Bác Hồ nhận thấy mỗi nước phải có một đảng riêng của mình để lãnh đạo trực tiếp vì mỗi nước có tình hình khác nhau, nhưng không bao giờ quên phải hợp tác chặt chẽ với nhau.

Nguyên Phó Thủ tướng Lào khẳng định chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh là rất chính xác, phù hợp với tình hình đặc điểm của đất nước Lào. Nhờ vậy, cách mạng Lào đã giành thắng lợi và ngày càng trưởng thành.

Cũng chính vì vậy, "bác Kaysone là lãnh tụ cao nhất của Đảng và Nhà nước Lào luôn luôn quan tâm bồi đắp mối tình đoàn kết đặc biệt, tình nghĩa anh em sống chết bên nhau như thế" - ông Somsavat Lengsavath chia sẻ.

Là một thành viên Ban nghiên cứu Tư tưởng Kaysone, ông Somsavat Lengsavath cho rằng Tư tưởng Hồ Chí Minh và tư tưởng của Chủ tịch Kaysone Phomvihane có những nét tương đồng. Theo ông “tinh thần cách mạng triệt để của Chủ tịch Kaysone cũng như Bác Hồ là luôn luôn nâng cao tinh thần yêu nước, đấu tranh vì quyền lợi, vì lợi ích của đất nước."

Tư tưởng của Chủ tịch Kaysone chủ yếu là vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như là kinh nghiệm của các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới để vận dụng phù hợp với tình hình của Lào.

Nguyên Phó Thủ tướng Lào Somsavat Lengsavat cũng không quên nhắc: Bác Kaysone chính là người đã đúc kết mối quan hệ Lào-Việt thành tám chữ vàng “Thủy chung, trong sáng, mẫu mực, hiếm có” và căn dặn các thế hệ sau này phải tiếp tục truyền thống đó./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục