Ngày 19/6, Lào đã quyết định gia hạn chỉ thị số 15/TTg ra ngày 21/4 của Thủ tướng nước này, tiếp tục kéo dài thời hạn phong tỏa đến ngày 4/7 để ngăn làn sóng COVID-19 vốn đang có nhiều diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành.
Có hiệu lực từ ngày 20/6 và kéo dài đến ngày 4/7, Chỉ thị 15 quyết định phong tỏa thủ đô Vientiane do Lào vẫn ghi nhận các ca nhiễm cộng đồng ở khu vực này, trong khi đó biến chủng mới nguy hiểm đang lây lan nhanh ở các nước láng giềng.
Bên cạnh đó, tình trạng chưa tuân thủ chặt chẽ các quy định khiến dịch vẫn còn nguy cơ bùng phát trong cộng đồng.
Tuy nhiên, để giảm tác động kinh tế và đời sống, Chính phủ Lào đã xem xét nới lỏng thêm một số quy định để hỗ trợ phục hồi một số lĩnh vực kinh tế.
Chính phủ Lào chỉ đạo các ngành liên quan tiếp tục tiến hành truy vết phát hiện sớm và đưa người mắc COVID-19 đi điều trị; tiếp tục yêu cầu đóng tụ điểm giải trí, karaoke, massage, Internet game, cửa hàng ăn uống, trung tâm thể thao trong nhà, các trường học và nhà máy công nghiệp trong khu vực đỏ, trừ nhà máy có khu lưu trú bên trong cho công nhân, đồng thời tiếp tục cấm người ra vào các vùng đỏ, ngoại trừ những trường hợp được cấp phép, và cấm tụ tập đông người không đảm bảo yếu tố phòng chống dịch bệnh.
Lào cũng thông báo sẽ nới lỏng thêm một số quy định với điều kiện người dân phải tuân thủ chặt chẽ các biện pháp phòng chống dịch bệnh như duy trì giãn cách, đo thân nhiệt, đeo khẩu trang. Theo đó, chính phủ sẽ cho phép mở cửa trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, chợ thực phẩm tươi sống; hoạt động tập thể dục ngoài trời ở những điểm công cộng và các môn thể thao không tiếp xúc.
[Dịch COVID-19: Lào bắt đầu đợt tiêm vaccine vòng hai]
Ở ngoài vùng đỏ, Lào cho mở cửa lại quán cắt tóc; cho phép quán ở phục vụ tại chỗ tổ chức hội họp không quá 50 người, hoạt động đánh bắt cá trên các tuyến sông dọc biên giới nhưng phải dưới sự giám sát của chính quyền; cho phép mở lại trường học ở các tỉnh không có dịch lây nhiễm cộng đồng.
Ngoài ra, Lào cũng cho mở lại các điểm du lịch, khu ẩm thực, trung tâm làm đẹp ngoài vùng đỏ, nhưng yêu cầu tuân thủ chặt chẽ các quy định phòng chống lây nhiễm virus.
Hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh được nối lại tại các vùng không có lây nhiễm cộng đồng. Người từ Viêng Chăn muốn di chuyển ra ngoại tỉnh cần có chứng nhận tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19 để không phải cách ly 14 ngày.
Liên quan đến tình hình dịch bệnh, Bộ Y tế nước này trưa 19/6 cho biết đã ghi nhận ba ca nhiễm mới trong 24 giờ qua nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào đến nay là 2.050 trường hợp; trong đó có 2 ca cộng đồng tại thủ đô Viêng Chăn và 1 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại các tỉnh khác.
Trong khi đó, Campuchia thông báo đã ghi nhận 20 ca tử vong do COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, mức cao nhất theo ngày kể từ khi dịch bùng phát tại nước này.
Bộ Y tế Campuchia cũng ghi nhận bảy ca mắc biến thể Delta, là những du khách nhập cảnh từ nước láng giềng Thái Lan bằng đường bộ.
Quốc gia Đông Nam Á này từng là một trong số nước có số ca mắc COVID-19 thấp nhất trên thế giới, song đợt dịch bùng phát hồi cuối tháng Hai vừa qua đã khiến số ca lây nhiễm tại đây tăng mạnh lên mức 42.052 ca, trong đó có 414 ca tử vong.
Trước tình hình này, Cơ quan kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm Campuchia ra thông báo khuyến cáo người dân không lơ là phòng dịch, duy trì vệ sinh, giữ khoảng cách và hạn chế ra khỏi nhà.
Người phát ngôn Bộ Y tế nước này Or Vandine nhấn mạnh mỗi người dân Campuchia phải cảnh giác trước nguy cơ lây nhiễm dịch./.