Lao động Việt ở Algeria về nước phải bồi thường 1.700 USD

ông Nguyễn Ngọc Thạch, Phó Tổng Giám đốc Công ty Simco Sông Đà khẳng định không có chuyện lao động Việt Nam bị hành hung tại Algeria ngày 16/9 vừa qua được bồi thường 1.700 USD/người.
Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Phó Tổng Giám đốc Công ty Simco Sông Đà làm việc với nhóm 16 công nhân tại công trương Ain Defla chiều 31/10. (Ảnh: Thanh Bình/Vietnam+)

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Alger tối 31/10, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Phó Tổng Giám đốc Công ty Simco Sông Đà, đơn vị đưa 55 lao động sang làm việc cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đông Nhất Giang Tô (Trung Quốc) tại Algeria đã khẳng định không có chuyện lao động Việt Nam bị hành hung tại Algeria ngày 16/9 vừa qua được bồi thường 1.700 USD/người cùng chi phí mua vé máy bay về nước.

Ông Thạch cho biết, con số 1.700 USD này là số tiền chủ sử dụng lao động Trung Quốc đang bắt mỗi lao động Việt Nam phải bồi thường số tiền trên do chấm dứt hợp đồng trước hạn.

Đối với những lao động có nguyện vọng về nước, Công ty Simco Sông Đà sẽ cố gắng đưa họ về nước càng sớm càng tốt. Phía chủ sử dụng lao động cũng đang nỗ lực để hoàn tất những thủ tục để đưa lao động về nước.

Dự kiến, trong thời gian sớm nhất là khoảng 10 ngày tới, nhóm đầu tiên sẽ về nước với điều kiện hoàn thành các thủ tục giấy tờ. Công ty Simco Sông Đà sẽ ứng trước số tiền bồi thường hợp đồng trên cho người lao động cũng sẽ ứng trước tiền để mua vé máy bay cho lao động về nước.

Để giảm thiểu mức chi phí cho người lao động, Công ty Simco Sông Đà sẽ tìm ra đường bay có giá rẻ nhất, theo đó các lao động sẽ về nước trên hành trình Alger-Doha-Bangkok-Hanoi. Tổng số tiền mà Công ty Simco Sông Đà sẽ phải ứng trước cho mỗi lao động về nước vào khoảng 2.500 USD.

Ông Thạch cho biết thêm qua 2 ngày đàm phán Công ty Simco Sông Đà và Công ty Đông Nhất Giang Tô (Trung Quốc) đã đi đến thống nhất mức bồi thường 1.700 USD/người. Do người lao động mới làm được ít ngày nhưng lại có nguyện vọng về nước và với số tiền mà người lao động bị phạt như vậy nên họ sẽ không có đủ tiền. Vì thế Công ty Simco Sông Đà sẽ ứng trước khoản tiền này để trả cho người lao động.

Công ty này cũng chuẩn bị phương án thanh lý hợp đồng để chủ động làm việc với lao động sau khi về nước. Còn đối với số công nhân muốn ở lại tiếp tục làm việc (5 người) sẽ được ký phụ lục hợp đồng với định mức khoán mới.

Cũng trong chiều 31/10, ông Thạch cùng các cán bộ của Trung tâm xuất khẩu lao động số 3 thuộc Công ty Simco Sông Đà cũng đã đến công trường tại Ain Defla, cách thủ đô Alger hơn 250km về phía Nam để thăm hỏi và động viên anh em lao động.

Đây là nhóm 16 lao động Việt Nam trong số 55 người do Công ty Simco Sông Đà cử tuyển sang làm việc cho Công ty Đông Nhất Giang Tô tại tỉnh Khenchela. Nhóm 16 người này được đưa xuống một công trường khác cũng của nhà thầu Trung Quốc này tại Ain Defla, sau vụ hành hung 2 công nhân Việt Nam là Đậu Hoàng Anh và Đào Ngọc Cường ngày 16/9 vừa qua.

Tại đây, sau khi nghe phản ánh của anh em lao động về cách hành xử của chủ lao động Trung Quốc đối với công nhân Việt Nam cũng như nguyện vọng của họ, ông Thạch đã khẳng định sẽ không để tái diễn tình trạng hành hung lao động Việt Nam và không để anh em lao động Việt Nam bị đói.

Đối với những ai có nguyện vọng về nước, Công ty Simco Sông Đà sẽ phối hợp cùng chủ sử dụng lao động là Công ty Đông Nhất Giang Tô giải quyết cho anh em về nước trong thời gian sớm nhất. Còn đối với những người có nguyện vọng ở lại tiếp tục làm việc, công ty sẽ tạo điều kiện thuận lợi được ký phụ lục hợp đồng với định mức khoán mới.

Ông Đỗ Văn Hải, Phó giám đốc Trung tâm xuất khẩu lao động số 3 thuộc Công ty này đã ứng thêm cho anh em lao động số tiền 28.000 dinars (khoảng 200 USD) để phòng ngừa lúc lao động Việt Nam bị chủ sử dụng bỏ đói.

Theo ông Thạch, dự kiến, sáng ngày 1/11, các đại diện Công ty Simco Sông Đà và Công ty Đông Nhất Giang Tô sẽ thống nhất những điều khoản cuối cùng nhằm giải quyết dứt điểm vụ việc này.

Vào ngày 5/10, các công nhân Việt Nam tại Algeria đã kêu cứu vì bị chủ sử dụng lao động là Công ty Đông Nhất Giang Tô (Trung Quốc) đánh đập. Đây là 55 công nhân Việt Nam do Công ty Simco Sông Đà cử tuyển sang quốc gia Bắc Phi này làm việc cho nhà thầu Trung Quốc nêu trên tại một công trường xây dựng thuộc tỉnh Khenchela, cách thủ đô Alger hơn 460km về phía Đông.

Theo các công nhân Việt Nam, hợp đồng lao động mà họ đã ký là làm theo công nhật được trả lương tháng nhưng khi sang đến bên này thì lại bị phía chủ Trung Quốc ép chuyển sang làm khoán. Các công nhân Việt Nam đã không đồng ý, phản đối và điều này đã dẫn đến việc họ bị phía nhà thầu Trung Quốc hành hung vào tối 16/9, làm 2 công nhân bị thương là Đậu Hoàng Anh và Đào Ngọc Cường./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục