Lao động Việt Nam tại Hàn Quốc: Nỗi lòng người trong cuộc…

Phần lớn lao động Việt Nam sang Hàn Quốc để làm các công việc phổ thông, lao động chân tay, nặng nhọc, không đòi hỏi bằng cấp hay trình độ mà thu nhập thì khá cao.
Lao động Việt Nam tại Hàn Quốc: Nỗi lòng người trong cuộc… ảnh 1Lao động tham gia kỳ thi tiếng Hàn để sang Hàn Quốc làm việc. (Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+)

Hàn Quốc hiện vẫn được coi là một thị trường lao động hấp dẫn, dễ kiếm việc làm đối với lao động Việt Nam.

Theo số liệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cho đến nay đã có trên 100.000 lượt lao động Việt Nam được đưa sang làm việc tại Xứ sở Kim chi trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Việc làm-Lao động Hàn Quốc.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, tình trạng lao động Việt Nam hết hạn không về nước mà cư trú bất hợp pháp tại Xứ sở Kim chi trở thành vấn đề nổi cộm.

Phần lớn lao động Việt Nam sang Hàn Quốc để làm các công việc phổ thông, lao động chân tay, nặng nhọc, không đòi hỏi bằng cấp hay trình độ mà thu nhập thì khá cao.

Sáng, một thanh niên trong độ tuổi 30 tuổi đang làm việc ở Gyeonggi, tỉnh bao quanh thủ đô Seoul, cho biết sau khi xuất ngũ đã sang đây từ năm 2015 theo Chương trình đưa người lao động Việt Nam sang làm việc theo Luật cấp phép việc làm (gọi tắt là chương trình EPS) của Hàn Quốc. Hiện mỗi ngày, Sáng làm việc 8 giờ, mỗi giờ được trả 7.500 won (khoảng hơn 150.000 đồng).

Theo tính toán của Sáng, nếu làm hết thời hạn ghi trong visa E9 (4 năm 10 tháng) thì lúc về nước, anh cũng có trong tay từ 1-1,5 tỷ đồng. Đó quả thật là một số tiền lớn, hấp dẫn rất nhiều bạn trẻ ở Việt Nam, nhất là khu vực nông thôn khó kiếm việc sau khi ra trường.

Sáng cũng cho biết nhiều lao động Việt Nam bận đi làm cả ngày, có người còn đi làm thêm giờ cả tối, thứ Bảy hay Chủ nhật. Nếu tính tổng số tiền tích lũy được sau khi trừ chi phí sinh hoạt, lao động Việt Nam tại Hàn Quốc vẫn cao hơn các thị trường xuất khẩu lao động khác như Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), một số nước Trung Đông.

Thậm chí, Sáng cho rằng nếu chịu khó làm thêm giờ, nhiều khi thu nhập còn cao hơn lao động ở Nhật Bản, bởi lương lao động ở Nhật Bản tuy cao hơn ở Hàn Quốc, nhưng Chính phủ Nhật không cho làm thêm giờ.

Tuy nhiên, cuộc sống và công việc của các lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc nhìn chung khá khó khăn và vất vả.

[Hơn 1.500 lao động Việt cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc đã về nước]

Anh Trần Văn Ph, 35 tuổi, quê Thanh Hóa, sang Hàn Quốc cách đây 10 năm, đang làm việc trong ngành xây dựng, một trong những ngành nghề nặng nhọc, vất vả, nguy hiểm mà đa phần các lao động người Hàn không làm và các chủ lao động phải thuê lao động nước ngoài.

Anh Ph hết hợp đồng lao động thì ở lại làm "chui," sống bất hợp pháp, không giấy tờ nơi "đất khách quê người." Anh đi làm theo lương thỏa thuận với chủ lao động, không theo mức Chính phủ Hàn Quốc quy định, mỗi ngày có thể được 200.000-250.000 won (4-5 triệu đồng), song rất vất vả do tiếng không thạo nên đọc bản vẽ xây dựng cũng khó. Hơn nữa, đây cũng là công việc nguy hiểm do thường phải leo trèo, dễ gặp tai nạn nếu không cẩn thận.

Theo anh Ph, nếu xảy ra tai nạn sẽ rất khổ vì lao động bất hợp pháp không có giấy tờ, bảo hiểm y tế, trong khi chi phí chữa bệnh ở Hàn Quốc lại rất cao.

Lao động Việt Nam tại Hàn Quốc: Nỗi lòng người trong cuộc… ảnh 2Tư vấn cho lao động. (Nguồn: Vietnam+)

Phần lớn lao động Việt Nam bất hợp pháp ở Hàn Quốc sống trong các nơi ở chật chội, do chủ xây. Một số có gia đình đi thuê những căn nhà nhỏ kiểu cấp bốn hay tầng hầm để làm chỗ trú chân qua ngày. Giá thuê dao động từ 200.000-450.000 won (4-9 triệu đồng)/tháng tùy theo diện tích, tiện nghi và vùng miền. Nhìn chung, cuộc sống tạm bợ, thậm chí thấp thỏm lo âu vì sợ bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ.

Từ thực trạng trên có thể thấy người lao động Việt Nam ở Hàn Quốc nếu làm việc nghiêm túc, tuân thủ Chương trình đưa lao động Việt Nam sang làm việc, khi hoàn tất chương trình cũng có được một số vốn kha khá để giúp đỡ gia đình.

Bên cạnh đó, người lao động cũng có cơ hội để học thêm kỹ năng làm việc, trau dồi ngoại ngữ hoặc tăng thêm sự hiểu biết về nền văn hóa của nước sở tại,...

Tuy nhiên, vấn đề lao động Việt Nam bất hợp pháp vẫn nhức nhối nhiều năm qua, đã và đang ảnh hưởng tới chương trình trên, đòi hỏi các cơ quan chức năng của cả hai nước tìm hiểu nguyên nhân và sớm đưa ra các biện pháp giải quyết kịp thời, hiệu quả./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục