Lao động-việc làm, vấn đề thiết thực của người dân khi tham gia CPTPP

Việc tham gia Hiệp định CPTPP là cơ hội để Việt Nam hiện đại hóa pháp luật lao động và hệ thống quan hệ lao động, qua đó tạo ra việc làm bền vững, mang lại lợi ích thiết thực cho người lao động.
Lao động-việc làm, vấn đề thiết thực của người dân khi tham gia CPTPP ảnh 1(Ảnh minh họa: Tường Vi/TTXVN)

Bên cạnh những cơ hội về thương mại, đầu tư, việc tham gia Hiệp định CPTPP là cơ hội để Việt Nam hiện đại hóa pháp luật lao động và hệ thống quan hệ lao động, qua đó tạo ra việc làm bền vững, mang lại lợi ích thiết thực cho người lao động.

Hướng đến việc làm bền vững

Việc mở cửa các hoạt động kinh tế, đi kèm với các quy định về lao động, minh bạch hóa, chống tham nhũng... đòi hỏi Việt Nam cần chủ động, nỗ lực đổi mới, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật, thiết lập các cơ chế quản lý để vừa phù hợp với điều ước quốc tế nhưng cũng bảo đảm vững chắc sự ổn định về chính trị-xã hội của Việt Nam.

Theo kết quả nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP sẽ tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân.

Hiệp định CPTPP có thể giúp tổng số việc làm tăng bình quân mỗi năm khoảng 20.000-26.000.

Về xóa đói giảm nghèo, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, đến năm 2030, Hiệp định CPTPP dự kiến sẽ giúp giảm 0,6 triệu người nghèo ở mức chuẩn nghèo 5,5 USD/ngày.

Theo Báo cáo tác động kinh tế và phân bổ thu nhập của CPTPP do Ngân hàng Thế giới thực hiện, Hiệp định này dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho mọi nhóm thu nhập.

Nhưng những lao động có tay nghề cao và thuộc nhóm có thu nhập cao hơn, 60% từ trên xuống sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. Ngoài ra, dự kiến tăng trưởng đầu tư nước ngoài sẽ kéo theo tăng trưởng ngành dịch vụ và tăng năng suất lao động.

Các doanh nghiệp tư nhân trong nước sẽ có thêm cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và nhờ vậy khuyến khích phát triển khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Khi tham gia Hiệp định CPTPP, cạnh tranh tăng lên có thể làm cho một số doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn, kéo theo đó là khả năng thất nghiệp trong một bộ phận lao động sẽ xảy ra.

Tuy nhiên, Báo cáo thuyết minh của Chính phủ trước Quốc hội đã nêu rõ do cơ cấu xuất nhập khẩu của phần lớn các nền kinh tế trong CPTPP không cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam, nên ngoại trừ một số ít sản phẩm nông nghiệp, dự kiến tác động này là có tính cục bộ, quy mô không đáng kể và chỉ mang tính ngắn hạn.

Nhằm tạo cơ chế liên kết trong sản xuất và đào tạo nguồn nhân lực, bà Hoàng Thị Hoa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang) cho rằng, cần tăng cường liên kết giữa các tỉnh, thành phố, vùng kinh tế.

Hiện đã có quy hoạch các vùng kinh tế trọng điểm, khi tổ chức thực hiện, cần xây dựng cơ chế liên vùng cho chính sách ưu tiên như đầu tư kết cấu hạ tầng, phân bố lực lượng sản xuất chung toàn vùng, đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực, hình thành thị trường lao động…

Về cơ bản, Hiệp định CPTPP không đưa ra tiêu chuẩn riêng về lao động, mà chỉ khẳng định lại các tiêu chuẩn lao động được nêu trong Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về Những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động.

Với tư cách là thành viên của ILO, tất cả các thành viên Hiệp định CPTPP đều có nghĩa vụ tôn trọng, thúc đẩy và thực thi.

Đối với những nội dung liên quan đến xóa bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, xóa bỏ phân biệt đối xử trong lao động, về cơ bản, hệ thống pháp luật của Việt Nam đã phù hợp với các tiêu chuẩn của ILO và cam kết của Hiệp định.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, vấn đề quan tâm nhất trong Hiệp định CPTPP đối với Việt Nam là vấn đề lao động.

Qua rà soát hệ thống pháp luật lao động hiện hành của nước ta, vấn đề xóa bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, xóa bỏ phân biệt trong lao động về cơ bản là phù hợp với các tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động Quốc tế và cam kết của Hiệp định CPTPP.

Khi sửa đổi Bộ luật Lao động 2012, Việt Nam đã rà soát và tiếp thu chỉnh sửa một cách cơ bản.

Tuy nhiên, trên thực tế, để thực thi nghiêm túc các cam kết của Hiệp định CPTPP, Chính phủ cần phải dự liệu những khó khăn đối với việc tăng cường giảm thiểu lao động trẻ em trong bối cảnh lao động của nước ta chủ yếu là lao động nông nghiệp nông thôn.

Lao động trong khu vực phi chính thức vẫn còn một tỷ trọng lớn là lao động trẻ em. Việc sử dụng lao động trẻ em trong nông nghiệp và hoạt động dịch vụ còn khá phổ biến. Đây là vấn đề cần được xem xét và rà soát để điều chỉnh, sửa đổi pháp luật cho phù hợp.

[Phê chuẩn Hiệp định CPTPP: Tầm mức mới của tiến trình hội nhập]

Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động Công đoàn

Vấn đề đặt ra đối với Việt Nam là việc sửa đổi luật pháp về quyền thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp và sự quản lý của Nhà nước để đảm bảo hoạt động của các tổ chức này tuân thủ đúng pháp luật Việt Nam, phù hợp với nguyên tắc "tuân thủ pháp luật của nước sở tại" đã nêu trong Công ước 87 của ILO, đồng thời giữ vững ổn định chính trị-xã hội.

Đây là thách thức nhưng cũng đồng thời là cơ hội, động lực cho các tổ chức công đoàn đổi mới mạnh mẽ để hoạt động có hiệu quả hơn.

Thách thức này sẽ được giải quyết chủ yếu thông qua việc xây dựng những quy định chặt chẽ về điều kiện, thủ tục thành lập, quản lý đăng ký hoạt động của tổ chức của người lao động; chế tài xử lý đối với những hành vi vi phạm, hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích ...

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, Hiệp định CPTPP hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp và pháp luật Việt Nam.

Dưới góc độ của lao động và Công đoàn, bên cạnh những thuận lợi, thời cơ mang lại, Công đoàn Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn, chưa có tiền lệ, đó là sự ra đời của tổ chức đại diện người lao động bên cạnh tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Sau khi các điều khoản về lao động công đoàn có hiệu lực, tổ chức Công đoàn Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với tổ chức đại diện người lao động về thu hút, tập hợp, kết nạp đoàn viên, về thành lập tổ chức ở cơ sở và chia sẻ nguồn lực về tài chính.

Trong khi tổ chức Công đoàn Việt Nam đồng thời phải thực hiện chức năng của đoàn thể chính trị trong hệ thống chính trị Việt Nam, tổ chức khác chỉ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm lo quyền và lợi ích của người lao động.

Bên cạnh đó, sẽ phát sinh không ít những khó khăn trong việc triển khai các quy định của pháp luật về đối thoại, thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể, lãnh đạo và tổ chức đình công.

Cũng theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, Công đoàn Việt Nam sẵn sàng vượt qua thách thức, coi đây là cơ hội đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động.

Thời gian qua, Công đoàn Việt Nam đang đổi mới theo hướng thực chất, hiệu quả, khắc phục bệnh hành chính, tư duy bao cấp trong hoạt động, hướng tới việc thực hiện nhiệm vụ cốt lõi của tổ chức Công đoàn, là đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.

Để tận dụng nhiều lợi ích mang lại cho đất nước từ Hiệp định CPTPP, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đề nghị tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, người dân và các tổ chức về nội dung, thời cơ, thách thức của Hiệp định CPTPP, định hướng hành động cho các chủ thể liên quan để làm chủ và tận dụng cơ hội của Hiệp định CPTPP, phát triển đất nước.

Chính phủ cần tập trung xây dựng các chương trình, kịch bản cụ thể sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực để thực hiện, vừa đảm bảo giải quyết những vấn đề trước mắt, vừa mang tính chiến lược lâu dài. Việc sửa đổi Bộ luật Lao động cần thiết lập những quy định đảm bảo cam kết của Việt Nam với các đối tác, linh hoạt trong việc thực thi, tổ chức thực hiện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục