Chế độ thai sản đối với lao động tham gia bảo hiểm xã hội của Việt Nam được đánh giá cao trong khu vực về thời gian nghỉ và tỷ lệ hưởng. Tuy nhiên, diện bao phủ của chính sách còn thấp, chỉ có người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mới được hưởng chế độ thai sản này, chiếm khoảng trên 30% lực lượng lao động.
Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đang được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến trong kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tới đã đưa ra đề xuất mở rộng diện bao phủ của chế độ thai sản. Dự thảo luật bổ sung quy định về mức trợ cấp thai sản đối với lao động nữ khi sinh con và lao động nam có vợ sinh con tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Điều kiện hưởng chế độ thai sản là người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian vòng 12 tháng trước khi sinh con. Với việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người lao động sẽ nhận được trợ cấp thai sản 2 triệu đồng/con sinh ra.
[Xây dựng chế độ thai sản đa tầng để lấp "khoảng trống" về chính sách]
Ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết trợ cấp thai sản đối với lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ do ngân sách Nhà nước đảm bảo, chi trả. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ không phải đóng thêm so với hiện hành nhưng vẫn được hưởng thêm chính sách thai sản.
Theo ông Cường, việc bổ sung chính sách này thực hiện theo Nghị quyết số 28-NQ/TW đã nêu rõ mục tiêu bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ từng bước mở rộng sang các chế độ khác ngoài các chế độ hưu trí, tử tuất hiện nay.
Đặc biệt, việc bổ sung chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện nhằm tăng tính hấp dẫn của chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, thu hút người dân, đặc biệt là nhóm lao động trẻ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Mặc khác, khảo sát thực tiễn tổng kết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 cho thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn thấp, trong đó có nguyên nhân chủ yếu là do chính sách bảo hiểm xã hội còn thiếu hấp dẫn, người lao động chưa được hưởng các quyền lợi ngắn hạn, trong khi mức hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn rất thấp.
Từ năm 2018, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ một phần tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện nhưng mức hỗ trợ còn thấp, chưa hấp dẫn với người lao động. Cụ thể, Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng tính theo mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn đối với người tham gia thuộc hộ nghèo, 25% đối với người tham gia thuộc hộ cận nghèo và 10% đối với đối tượng khác.
Các chính sách hỗ trợ chưa đủ sức thu hút đòi hỏi việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội cần sớm mở rộng thêm các chế độ để tăng tính hấp dẫn của bảo hiểm xã hội tự nguyện, theo đó Nhà nước sẽ hỗ trợ chi trả chế độ thai sản.
Lý giải về việc chọn mức hỗ trợ là 2 triệu đồng, ông Cường cho biết thực tiễn thời gian qua, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ 2 triệu đồng cho phụ nữ là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn khi sinh con đúng chính sách dân số, do đó đơn vị soạn thảo luật đã đề xuất hỗ trợ lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện bằng mức hỗ trợ của chính sách này.
“Ngoài ra, dự thảo cũng quy định Chính phủ quyết định điều chỉnh mức trợ cấp thai sản phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội và khả năng của ngân sách Nhà nước từng thời kỳ,” ông Cường cho biết thêm.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tính toán, kinh phí chi hỗ trợ để thực hiện chính sách trợ cấp thai sản đối với lao động nữ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sinh con dự kiến giai đoạn 2024-2030, ngân sách Nhà nước phát sinh tăng 750 tỷ đồng (bình quân mỗi năm 107 tỷ đồng)./.