Không thể phủ nhận, những trung tâm thương mại mới mọc lên đang trở thành “điểm nhấn” cho kiến trúc Thủ đô Hà Nội, nhưng đằng sau đó, cuộc sống của hàng trăm tiểu thương cũng đang bị đảo lộn. Có khu chợ truyền thống, chỉ sau mấy tháng đã hoàn toàn mất dấu, nhường chỗ cho hệ thống siêu thị mini. Nơi khác, hơn 500 tiểu thương phải chịu cảnh “đìu hiu chợ chiều” vì chợ dân sinh bị “nuốt dần” bởi trung tâm thương mại.
Đỏ mắt tìm chợ dân sinh
Chợ Cửa Nam trước kia vốn là nơi kinh doanh buôn bán của hơn 50 tiểu thương, cung cấp nhu yếu phẩm cho cư dân sinh sống xung quanh khu vực quận Hoàn Kiếm. Đến năm 2007, theo quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, các hộ kinh doanh tại chợ này phải tạm dừng hoạt động để thực hiện dự án xây dựng trung tâm thương mại kết hợp chợ truyền thống.
Quý 3 vừa qua, trung tâm thương mại này được khánh thành với cam kết “tất cả các hộ kinh doanh ở chợ Cửa Nam cũ đều được bố trí vào Trung tâm thương mại mới theo nguyện vọng của bà con.”
Tuy nhiên, theo chị Hương, vốn là một tiểu thương trước đây kinh doanh tại chợ Cửa Nam hiện đã phải ra… đường Trần Quý Cáp bán thịt gà thì "nhiều người, sau khi ‘bán chỗ’ cho chủ đầu tư đã rủ nhau kéo về… chợ cóc, chợ tạm quanh đó để buôn bán."
“Chợ mới bố trí cho bà con xuống tầng hầm 1 kinh doanh, nhưng phần chợ này lại có diện tích quá khiêm tốn, lại nằm khuất ở góc đường Lê Duẩn so với trung tâm thương mại nên không ai nhận ra,” chị Hương nói.
Thậm chí, có người đã đứng trước biển chỉ dẫn cầu thang dẫn xuống chợ nhưng vẫn bán tín bán nghi vì trước cổng chợ lại có một nhân viên bảo vệ như trong siêu thị.
Tầng hầm 1 – nơi duy nhất bán các mặt hàng tươi sống chỉ vỏn vẹn có hai đơn vị kinh doanh theo mô hình siêu thị. Khách quen ở đây là một số người nước ngoài vào mua bánh, sữa... Toàn bộ các tầng nổi phía trên dành cho doanh nghiệp, ngân hàng thuê làm chi nhánh.
Chính những bất cập này khiến cho các mặt hàng được bày bán tại tầng hầm 1 khá ế ẩm. Mặc dù đã về chợ mới hơn một năm, nhưng chị Thanh Hằng, một nhân viên bán hàng tại gian bán hóa mỹ phẩm thừa nhận, tình hình buôn bán không được thuận lợi do khách hàng vẫn chưa quen với việc… xuống hầm mua sắm.
Những người dân các tuyến phố xung quanh cũng mất dần thói quen đến chợ Cửa Nam. Họ buộc phải đi xa hơn tới phố Trần Quý Cáp, Khâm Thiên… để có thể mua những thực phẩm cần thiết cho bữa ăn hàng ngày.
Bất tiện trăm đường
Đỏ mắt tìm chợ, đó cũng là câu chuyện đang diễn ra tại một trong những khu chợ dân sinh hoàn chỉnh và hiện đại bậc nhất tại Hà Nội, chợ Hàng Da.
Sau hai năm đầu tư xây dựng, đầu tháng 10/2010, 544 tiểu thương đã được quay lại kinh doanh tại trung tâm thương mại – Chợ Hàng Da mới. Chưa kịp vui mừng vì được “hưởng” một hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, bà con đã phải khóc dở mếu dở vì khu chợ mới “bất tiện đủ đường.”
Theo thiết kế, tầng hầm 1 sẽ được bố trí để bán thực phẩm tươi sống, sành sứ và các đồ nhu yếu phẩm khác. Từ tầng 2 đến tầng 5 khai thác để “bán chỗ” cho các doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm thời trang cao cấp.
Điều đáng nói là, lối chính dẫn vào chợ buôn bán thực phẩm lại nằm khuất phía sau trung tâm thương mại nên nhiều người không thể tìm được lối vào chợ. Sau một hồi loay hoay tìm được đường, người tiêu dùng lại phải toát mồ hôi hột vì phải lách qua một biển xe bạt ngàn án ngữ trước lối vào chỉ rộng vừa một người đi.
Chị Đỗ Thu Hiền, một khách hàng thường xuyên của chợ Hàng Da cũ bức xúc: “Bây giờ, tôi rất ngại vào chợ vì mỗi lần muốn mua hàng lại phải chen vào gửi xe rồi xuống hầm.”
Chị Hiền cho biết thêm, từ gần hai tháng nay, chị đã lựa chọn mua đồ tại ngay những quán cóc bày bán đủ đồ mọc lên như nấm ngay xung quanh cổng chợ cho tiện lợi.
Chính với những lý do ấy, khu chợ mới khang trang hiện đại là thế, nhưng khách ra vào mua bán lại chẳng đông đúc bằng ngày xưa. Không những thế, một hệ thống chợ cóc mới được thể lại đang dần dần phình lên ngay quanh khu trung tâm thương mại hiện đại.
Anh Tếu, một tiểu thương bán thịt bò có thâm niên hơn 20 năm tại chợ Hàng Da thành thật: “Từ khi về đây, hàng hóa không bán chạy như trước nữa.” Nói đoạn, anh chán nản nhìn ra dãy bán thực phẩm tươi sống vẫn đìu hiu khách mặc dù đã ở gần cuối buổi chiều.
Khách đã vắng vẻ là thế, bà con tiểu thương lại khốn khổ hơn vì chợ mới đóng cửa quá sớm. Bác Chắt, một người kinh doanh lâu năm phản ánh, cứ 18 giờ hàng ngày, chợ lại tạm dừng hoạt động. Đây lại là thời điểm người dân mới tan tầm và có thời gian đi chợ.
“Lúc đông khách nhất, có khả năng bán được hàng nhất thì chúng tôi lại phải dọn về nhà. Kinh doanh như thế không thể lời lãi được,” bà Chắt gay gắt.
Thậm chí vì vắng khách nên nhiều chủ quầy thực phẩm, sành sứ cả tháng nay đều đóng cửa.
Chưa hết, chuyện làm nản lòng tiểu thương là phí đất hàng tháng tại chợ mới cũng tăng lên 250.000 đồng/m2 (chợ Hàng Da cũ là 80.000 đồng). Cộng với tiền điện, tiền điều hòa, số tiền một tiểu thương phải bỏ ra để “duy trì” chỗ ngồi cũng là khá lớn.
“Nếu cứ duy trì giờ giấc như thế này, sau giờ đóng cửa, chúng tôi đến phải mang thịt, cá ra bán thúng bán mẹt ngoài đường mới ổn,” một tiểu thương quả quyết.
Trao đổi với phóng viên Vietnam+, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, hiện thiết kế dành cho chợ truyền thống trong các trung tâm thương mại vẫn chưa thực sự hợp lý. Chợ dân sinh có quy mô và vị trí quá khiêm tốn so với trung tâm thương mại và đang bị các trung tâm này lấn át.
Thêm vào đó, theo ông Phú, các chủ đầu tư hiện không tạo được cơ chế để khuyến khích người dân vào các khu chợ mới. Ông Phú lấy ví dụ, một người muốn mua một mớ rau cũng phải gửi xe với giá vài nghìn đồng thì lần sau họ sẽ không tới nữa.
“Hiện, chúng ta còn rất nhiều dự án trung tâm thương mại kết hợp chợ truyền thống đang được tiến hành xây dựng. Chúng ta cần rút kinh nghiệm để bảo đảm cuộc sống cho bà con tiểu thương,” ông Phú khẳng định./.
Đỏ mắt tìm chợ dân sinh
Chợ Cửa Nam trước kia vốn là nơi kinh doanh buôn bán của hơn 50 tiểu thương, cung cấp nhu yếu phẩm cho cư dân sinh sống xung quanh khu vực quận Hoàn Kiếm. Đến năm 2007, theo quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, các hộ kinh doanh tại chợ này phải tạm dừng hoạt động để thực hiện dự án xây dựng trung tâm thương mại kết hợp chợ truyền thống.
Quý 3 vừa qua, trung tâm thương mại này được khánh thành với cam kết “tất cả các hộ kinh doanh ở chợ Cửa Nam cũ đều được bố trí vào Trung tâm thương mại mới theo nguyện vọng của bà con.”
Tuy nhiên, theo chị Hương, vốn là một tiểu thương trước đây kinh doanh tại chợ Cửa Nam hiện đã phải ra… đường Trần Quý Cáp bán thịt gà thì "nhiều người, sau khi ‘bán chỗ’ cho chủ đầu tư đã rủ nhau kéo về… chợ cóc, chợ tạm quanh đó để buôn bán."
“Chợ mới bố trí cho bà con xuống tầng hầm 1 kinh doanh, nhưng phần chợ này lại có diện tích quá khiêm tốn, lại nằm khuất ở góc đường Lê Duẩn so với trung tâm thương mại nên không ai nhận ra,” chị Hương nói.
Thậm chí, có người đã đứng trước biển chỉ dẫn cầu thang dẫn xuống chợ nhưng vẫn bán tín bán nghi vì trước cổng chợ lại có một nhân viên bảo vệ như trong siêu thị.
Tầng hầm 1 – nơi duy nhất bán các mặt hàng tươi sống chỉ vỏn vẹn có hai đơn vị kinh doanh theo mô hình siêu thị. Khách quen ở đây là một số người nước ngoài vào mua bánh, sữa... Toàn bộ các tầng nổi phía trên dành cho doanh nghiệp, ngân hàng thuê làm chi nhánh.
Chính những bất cập này khiến cho các mặt hàng được bày bán tại tầng hầm 1 khá ế ẩm. Mặc dù đã về chợ mới hơn một năm, nhưng chị Thanh Hằng, một nhân viên bán hàng tại gian bán hóa mỹ phẩm thừa nhận, tình hình buôn bán không được thuận lợi do khách hàng vẫn chưa quen với việc… xuống hầm mua sắm.
Những người dân các tuyến phố xung quanh cũng mất dần thói quen đến chợ Cửa Nam. Họ buộc phải đi xa hơn tới phố Trần Quý Cáp, Khâm Thiên… để có thể mua những thực phẩm cần thiết cho bữa ăn hàng ngày.
Bất tiện trăm đường
Đỏ mắt tìm chợ, đó cũng là câu chuyện đang diễn ra tại một trong những khu chợ dân sinh hoàn chỉnh và hiện đại bậc nhất tại Hà Nội, chợ Hàng Da.
Sau hai năm đầu tư xây dựng, đầu tháng 10/2010, 544 tiểu thương đã được quay lại kinh doanh tại trung tâm thương mại – Chợ Hàng Da mới. Chưa kịp vui mừng vì được “hưởng” một hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, bà con đã phải khóc dở mếu dở vì khu chợ mới “bất tiện đủ đường.”
Theo thiết kế, tầng hầm 1 sẽ được bố trí để bán thực phẩm tươi sống, sành sứ và các đồ nhu yếu phẩm khác. Từ tầng 2 đến tầng 5 khai thác để “bán chỗ” cho các doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm thời trang cao cấp.
Điều đáng nói là, lối chính dẫn vào chợ buôn bán thực phẩm lại nằm khuất phía sau trung tâm thương mại nên nhiều người không thể tìm được lối vào chợ. Sau một hồi loay hoay tìm được đường, người tiêu dùng lại phải toát mồ hôi hột vì phải lách qua một biển xe bạt ngàn án ngữ trước lối vào chỉ rộng vừa một người đi.
Chị Đỗ Thu Hiền, một khách hàng thường xuyên của chợ Hàng Da cũ bức xúc: “Bây giờ, tôi rất ngại vào chợ vì mỗi lần muốn mua hàng lại phải chen vào gửi xe rồi xuống hầm.”
Chị Hiền cho biết thêm, từ gần hai tháng nay, chị đã lựa chọn mua đồ tại ngay những quán cóc bày bán đủ đồ mọc lên như nấm ngay xung quanh cổng chợ cho tiện lợi.
Chính với những lý do ấy, khu chợ mới khang trang hiện đại là thế, nhưng khách ra vào mua bán lại chẳng đông đúc bằng ngày xưa. Không những thế, một hệ thống chợ cóc mới được thể lại đang dần dần phình lên ngay quanh khu trung tâm thương mại hiện đại.
Anh Tếu, một tiểu thương bán thịt bò có thâm niên hơn 20 năm tại chợ Hàng Da thành thật: “Từ khi về đây, hàng hóa không bán chạy như trước nữa.” Nói đoạn, anh chán nản nhìn ra dãy bán thực phẩm tươi sống vẫn đìu hiu khách mặc dù đã ở gần cuối buổi chiều.
Khách đã vắng vẻ là thế, bà con tiểu thương lại khốn khổ hơn vì chợ mới đóng cửa quá sớm. Bác Chắt, một người kinh doanh lâu năm phản ánh, cứ 18 giờ hàng ngày, chợ lại tạm dừng hoạt động. Đây lại là thời điểm người dân mới tan tầm và có thời gian đi chợ.
“Lúc đông khách nhất, có khả năng bán được hàng nhất thì chúng tôi lại phải dọn về nhà. Kinh doanh như thế không thể lời lãi được,” bà Chắt gay gắt.
Thậm chí vì vắng khách nên nhiều chủ quầy thực phẩm, sành sứ cả tháng nay đều đóng cửa.
Chưa hết, chuyện làm nản lòng tiểu thương là phí đất hàng tháng tại chợ mới cũng tăng lên 250.000 đồng/m2 (chợ Hàng Da cũ là 80.000 đồng). Cộng với tiền điện, tiền điều hòa, số tiền một tiểu thương phải bỏ ra để “duy trì” chỗ ngồi cũng là khá lớn.
“Nếu cứ duy trì giờ giấc như thế này, sau giờ đóng cửa, chúng tôi đến phải mang thịt, cá ra bán thúng bán mẹt ngoài đường mới ổn,” một tiểu thương quả quyết.
Trao đổi với phóng viên Vietnam+, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, hiện thiết kế dành cho chợ truyền thống trong các trung tâm thương mại vẫn chưa thực sự hợp lý. Chợ dân sinh có quy mô và vị trí quá khiêm tốn so với trung tâm thương mại và đang bị các trung tâm này lấn át.
Thêm vào đó, theo ông Phú, các chủ đầu tư hiện không tạo được cơ chế để khuyến khích người dân vào các khu chợ mới. Ông Phú lấy ví dụ, một người muốn mua một mớ rau cũng phải gửi xe với giá vài nghìn đồng thì lần sau họ sẽ không tới nữa.
“Hiện, chúng ta còn rất nhiều dự án trung tâm thương mại kết hợp chợ truyền thống đang được tiến hành xây dựng. Chúng ta cần rút kinh nghiệm để bảo đảm cuộc sống cho bà con tiểu thương,” ông Phú khẳng định./.
Sơn Bách - Xuân Dũng (Vietnam+)