Lào Cai thiệt hại hơn 35 tỷ đồng vì tuyết và sương muối

Đợt mưa tuyết lịch sử cộng với tình trạng sương muối ở Lào Cai vừa qua đã khiến toàn tỉnh bị thiệt hại nặng nề, ước tính khoảng 35,2 tỷ đồng.

Đợt mưa tuyết lịch sử ở Lào Cai bắt đầu từ trung tuần tháng 12/2013 là đợt mưa tuyết kéo dài với diện bao phủ rộng và cường độ mạnh nhất tại Lào Cai từ trước đến nay.

Điều đáng nói ngay khi tuyết ngừng rơi, trong khi băng tuyết đóng dày đến 50cm chưa kịp tan, thì sương muối đã lại tiếp tục tấn công các huyện vùng cao của tỉnh.

Mặc dù đã áp dụng nhiều giải pháp chống rét, chống đói cho đàn gia súc, chống băng tuyết và sương muối cho cây trồng, nhưng đến nay, toàn tỉnh Lào Cai đã có hơn 200 con gia súc bị chết rét; hơn 800ha rau, màu các loại ở hai huyện Sa Pa, Bát Xát, Mường Khương và Bắc Hà bị hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại ước tính đến nay xấp xỉ 35,2 tỷ đồng.

Riêng huyện Bát Xát đã có 76 con gia súc bị chết, trong đó xã vùng cao Ý Tý chiếm đến một nửa số trâu, ngựa bị chết; gần 800ha rau, màu bị thiệt hại. Trong đó, có 70% do ảnh hưởng của tuyết, 650 ha thảo quả bị tuyết phủ có nguy cơ ảnh hưởng đến năng suất vụ sau.

Không chỉ chịu thiệt hại về hoa màu, huyện Bát Xát còn bị tắc đường do mưa sạt lở đất, mất điện do cây gẫy đổ làm hư hỏng đường tải điện 35KV Dền Sàng-Ý Tý.

Tổng thiệt hại ở địa phương này ước trên 16 tỷ đồng. Dự đoán, phải 5 ngày nữa, băng ở Ý Tý mới tan hết. Nhịp sống bị đảo lộn, người dân đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn do băng tuyết gây ra, nhất là thiếu rau xanh, thực phẩm trong những ngày lạnh giá.

Tại Sa Pa đợt rét này cũng ảnh hưởng gần 20 tỷ đồng; trong đó có 131 con gia súc bị chết, thiệt hại, 100ha cây su su, hàng chục nghìn chậu hoa cảnh bị hư hỏng, trên 3.000m² nhà lưới trồng hoa, cà chua bị sập hỏng, đường điện bị gãy đổ gây mất điện nhiều giờ dọc tuyến quốc lộ 4D.

Tuy nhiên, những con số này được dự đoán sẽ còn tăng bởi đến nay đợt rét lịch sử vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt, trong khi ở vùng cao, trâu, bò đã xuất hiện bệnh cước chân, sức đề kháng kém, nguồn thức ăn đang dần cạn kiệt.

Trước tình hình đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai đã yêu cầu các huyện, thành phố tiếp tục triển khai khẩn cấp các biện pháp chống rét cho cây trồng, vật nuôi; rà soát cụ thể, chi tiết diện tích hoa màu bị chết, rà soát lại nguồn giống hiện có trong dân để cân đối nguồn bổ sung.

Bên cạnh đó, hướng dẫn các xã, phường, thị trấn tổ chức cho nông dân che phủ nilon đúng quy trình kỹ thuật, thành lập các tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm đến từng thôn, xóm.

Lần đầu tiên tỉnh Lào Cai đã có công văn đề nghị các địa phương lân cận như Phong Thổ, Tân Uyên (tỉnh Lai Châu) tạo điều kiện cho nhân nhân các xã giáp ranh di chuyển đàn gia súc sang tránh rét.

Hiện tại, cấp ủy đảng, chính quyền các xã vùng cao được sự hỗ trợ của Bộ đội Biên phòng đang hợp sức vận động nhân dân thực hiện các biện pháp để chống rét cho người và gia súc; cùng nhân dân ở các thôn, bản giúp nhau cào lớp băng trên mái nhà và nỗ lực cứu vãn diện tích rau, màu còn lại; đưa đàn trâu xuống vùng thấp tránh rét hoặc giữ trâu trong chuồng, tăng cường cho ăn tinh bột và quây bạt kín chuồng trại chống lạnh.

Tỉnh Lào Cai hiện có trên 200.000 con đại gia súc, trong đó các huyện vùng cao chiếm 50%. Công tác chỉ đạo phòng chống rét cho gia súc ở vùng cao đã được triển khai.

Ông Nguyễn Văn Tuyển, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lào Cai đề nghị trong những ngày rét đậm, rét hại, người dân tuyệt đối không thả rông gia súc mà đưa vào chuồng nuôi nhốt. Cùng với đó là che chắn chuồng trại để tránh gió lùa, đảm bảo vệ sinh chuồng, có thể đốt lửa để sưởi ấm hoặc mặc áo ấm cho đàn gia súc.

Hiện, công tác khuyến nông, thú y trên địa bàn cũng được tăng cường hơn, đặc biệt là trên đàn gia súc./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục